Ngày 27-8-2015, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về hội nhập quốc tế. Các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ: Vũ Văn Ninh, Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện các ngành thành viên Ban chỉ đạo (BCĐ) quốc gia hội nhập quốc tế; đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và đại diện 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Tại điểm cầu tỉnh ta, đồng chí Bạch Ngọc Chiến, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị; đại diện các ngành thành viên BCĐ quốc gia hội nhập quốc tế của tỉnh dự.
Toàn cảnh hội nghị. |
Thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, trong 2 năm qua, BCĐ hội nhập quốc tế quốc gia; các BCĐ liên ngành cùng các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các chương trình, nhiệm vụ đề ra và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực trong việc tranh thủ các nguồn lực cho phát triển bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; củng cố môi trường hòa bình, ổn định; quảng bá và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên thế giới.
Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, KH và CN, TN và MT… Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ đối tác với hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược với 13 nước và là đối tác toàn diện với 11 nước, trong đó có 5 nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ. Tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do có liên quan. Đẩy mạnh đối ngoại đa phương theo phương châm “Chủ động tham gia xây dựng, định hình luật chơi chung” và được quốc tế đánh giá là một trong những thành viên quan trọng, tích cực nhất trong việc thúc đẩy hình thành cộng đồng ASEAN đoàn kết và giữ vai trò trung tâm tại khu vực; là thành viên có trách nhiệm của các diễn đàn, tổ chức uy tín như APEC, ASEM, IPU… Đồng thời gia tăng mức độ hội nhập và đóng góp vào hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, nỗ lực phòng, chống tội phạm trong khuôn khổ Interpol và Asenpol… Tuy nhiên, công tác triển khai hội nhập cũng gặp nhiều khó khăn như môi trường hòa bình, ổn định khu vực bị đe dọa; vấn đề Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp; trên thế giới đang hình thành các tập hợp lực lượng, hình thái liên kết mới đa dạng và biến chuyển nhanh chóng… Bên cạnh đó công tác nghiên cứu, dự báo hội nhập quốc tế của các bộ, ngành, địa phương chưa theo kịp tình hình quá trình trao đổi thông tin, thống nhất lập trường còn chưa thật hiệu quả dẫn tới phản ứng, đối sách chưa kịp thời.
Phát biểu tại hội nghị, các Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định hội nhập quốc tế là xu hướng tất yếu thể hiện qua các hiệp định đã và đang ký kết trên các lĩnh vực, thể hiện vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh đó hội nhập quốc tế cũng tạo ra những thách thức lớn. Đề nghị thời gian tới yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện trên các lĩnh vực nhằm nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức để hội nhập quốc tế thực sự trở thành phương tiện hữu hiệu phục vụ phát triển bền vững và bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, phát triển mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Các Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các BCĐ liên ngành hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế, văn hóa xã hội, KH và CN, GD và ĐT nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng chính sách và làm tốt công tác phối hợp. Các bộ, cơ quan ngang bộ xác định hội nhập quốc tế là một nhiệm vụ quan trọng và ưu tiên kiện toàn các đầu mối phụ trách. Tập trung cao độ vào việc hoàn tất, ký kết và chuẩn bị triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đang đàm phán theo yêu cầu đặt ra. Đẩy mạnh vai trò đối ngoại đa phương theo hướng chủ động đóng góp, tích cực tham gia vào việc xây dựng và định hình các cơ chế hợp tác phù hợp với lợi ích đất nước. Tập trung hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về cơ hội và thách thức của hội nhập, đặc biệt là Cộng đồng ASEAN, các cam kết kinh tế, thương mại mới của Việt Nam. Tăng cường rà soát triển khai nội luật hóa đầy đủ, rõ ràng, minh bạch và đồng bộ các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Chủ động nghiên cứu tham gia tích cực vào việc xây dựng các điều ước quốc tế, phát huy vai trò tại các cơ chế về luật pháp và tư pháp quốc tế, nhất là trong lĩnh vực tranh chấp thương mại quốc tế và Luật Biển. Các địa phương chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch hành động về hội nhập quốc tế của địa phương mình; chú trọng nâng cao năng lực hội nhập, cạnh tranh và chủ động đề xuất những yêu cầu, vướng mắc cần sự hỗ trợ của Trung ương để hoạt động hội nhập diễn ra chủ động, tích cực./.
Nguyễn Hương