Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP

08:08, 14/08/2015

Ngày 13-8-2015, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15/NQ/TW ngày 1-6-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo một số bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị quyết 70/NQ-CP khẳng định: Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 1-6-2012 của BCH Trung ương Đảng khóa XI "Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020" là một chủ trương lớn của Đảng, hợp lòng dân, làm thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành cũng như người dân trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách đối với người có công, giảm nghèo và an sinh xã hội. Trong điều kiện kinh tế nước ta giai đoạn 2012-2015 còn gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt, bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách xã hội. Hệ thống chính sách pháp luật tiếp tục mở rộng hơn quyền hưởng và mức hưởng các chế độ ưu đãi xã hội và an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt trong lĩnh vực việc làm, tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực và chủ động triển khai Nghị quyết số 70, đưa các chính sách vào cuộc sống, đồng thời thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, huy động được nguồn lực toàn xã hội tham gia thực hiện các chính sách xã hội, tạo chuyển biến tích cực trong công tác đảm bảo an sinh xã hội. Đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng, người nghèo, dân tộc thiểu số và các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục được cải thiện. Đến nay cả nước có trên 1 triệu 384 nghìn người có công được hưởng trợ cấp hằng tháng, tăng 94 nghìn người so với năm 2012; gần 50.300 người được hưởng trợ cấp 1 lần, tăng 34.900 người so với năm 2012; xác nhận thêm được 639 liệt sĩ, 5.440 thương binh, 1.335 bệnh binh, quy tập được 7.968 hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính trên 7.000 liệt sĩ… Ngân sách Nhà nước dành cho việc thực hiện chính sách người có công tăng dần qua từng năm: năm 2012 là 25.646,5 tỉ đồng; năm 2014 là 31.011,4 tỉ đồng; phong trào đền ơn đáp nghĩa, thắp nến tri ân không ngừng phát triển. Chính sách việc làm tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện. Hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, hoạt động dạy nghề được đẩy mạnh. Giai đoạn 2012-2015, cả nước đã giải quyết việc làm cho khoảng 2,26 triệu lao động, đưa 274 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tỉ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm từ 2,18% năm 2012 xuống còn 2,08% năm 2014. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, đến cuối năm 2014, nông nghiệp còn 46,6%, công nghiệp và xây dựng đạt 21,4%, dịch vụ đạt 32%. Về công tác giảm nghèo, giai đoạn 2012-2015, Chính phủ chỉ đạo bố trí trên 80 nghìn tỉ đồng để thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo, tăng cường hỗ trợ người nghèo toàn diện về y tế, GD và ĐT nghề, phát triển sản xuất, tín dụng ưu đãi...; tập trung giảm nghèo cho đồng bào dân tộc, các vùng nghèo, huyện nghèo. Bình quân mỗi năm có khoảng 4 triệu người nghèo được cấp thẻ BHYT; Chương trình 30a đã đầu tư trên 5.700 công trình cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển sản xuất và phục vụ nhu cầu dân sinh tại các huyện nghèo. Đến nay, tỉ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 14,2% năm 2011 xuống 5,97% năm 2014; tỉ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,97% năm 2011 xuống còn 32,59% năm 2014. Dự kiến đến cuối năm 2015, tỉ lệ hộ nghèo cả nước còn 5%, tỉ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 5%, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Công tác trợ giúp xã hội cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục được tăng cường. Năm 2012, cả nước có 2,375 triệu người được hưởng trợ cấp hằng tháng; năm 2014 tăng lên gần 2,7 triệu người, chủ yếu là nhóm người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, người khuyết tật nặng, trẻ em mồ côi. Ngân sách Nhà nước trợ cấp đối tượng xã hội hằng tháng đạt 6.051 tỉ đồng năm 2014. Ngoài ra, bình quân mỗi năm Nhà nước trợ giúp xã hội đột xuất 4.176 tỉ đồng và khoảng 30 nghìn tấn gạo. Ngoài ra, trong lĩnh vực BHXH, đảm bảo giáo dục - nghề nghiệp, y tế; nhà ở tối thiểu; nước sạch và vệ sinh; đảm bảo thông tin tối thiểu… cũng có những chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực với nhiều chỉ tiêu đạt khá, hoàn thành vượt thời gian.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Chính phủ, các bộ, ngành đã xây dựng, triển khai hiệu quả chương trình hành động, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Đồng chí mong muốn thời gian tới các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong thực hiện nghị quyết, đồng thời nhận thức rõ những yếu kém còn tồn tại, nguyên nhân của những hạn chế, những bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, giải pháp, nhiệm vụ để tổ chức thực hiện tốt hơn các chính sách xã hội, cải thiện đời sống vất chất, tinh thần của người có công với cách mạng, người nghèo, dân tộc thiểu số và các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, góp phần đảm bảo ổn định chính trị, trật tự xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng và củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng./.

Minh Tân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com