Vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự như thế nào, chỉ đóng vai trò kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, là cơ quan tham gia tố tụng, hay là cơ quan tiến hành tố tụng? Đây là vấn đề gây nhiều tranh luận tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về một số dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, sáng 25-8.
Báo cáo của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi) cho rằng, trong tố tụng dân sự, Viện kiểm sát không thực hành quyền công tố, không khởi tố việc dân sự, không chủ trì thực hiện bất kỳ một giai đoạn tố tụng nào, mà chỉ kiểm sát hoạt động tư pháp trong tố tụng dân sự. Viện kiểm sát là cơ quan kiểm sát vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; kiểm sát viên, kiểm tra viên là người thực hiện nhiệm vụ kiểm sát. Quy định như vậy sẽ rõ ràng về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Tòa án, Viện kiểm sát, bảo đảm cho Viện kiểm sát thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình đã được Hiến pháp, Luật Tổ chức Viện KSND quy định.
Không đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đề nghị phải lý giải rõ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để loại bỏ sự tham gia của Viện kiểm sát trong hoạt động tố tụng dân sự.
Đại biểu dẫn quy định của pháp luật từ trước đến nay về vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự, từ chỗ là cơ quan tố tụng trở thành cơ quan tham gia tố tụng và nay đề nghị chỉ là cơ quan kiểm sát việc tuân theo pháp luật; từ chỗ được phát biểu cả về hình thức, nội dung trở thành chỉ được phát biểu chung chung và yêu cầu lý giải tại sao vai trò, chức năng của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự ngày càng trở nên mờ nhạt như vậy? Phải chăng việc tham gia của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự lâu nay là vi Hiến, là không đúng pháp luật hiện hành, làm cho phiên tòa không có chất lượng hay không bảo đảm được quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự?
Nhất trí với đại biểu Nguyễn Anh Sơn, đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) giải thích thêm, đúng là việc dân sự cốt ở hai bên, nhưng khi đã đưa ra tòa để giải quyết nghĩa là 2 bên đã không thể tự thỏa thuận giải quyết với nhau. Vì vậy, Nhà nước phải có cơ quan tố tụng để điều hòa tranh chấp này. Đã có tố tụng thì phải có nhiều công đoạn, trong đó có công đoạn tranh tụng. Do vậy, sự tham gia của Nhà nước không phải là can thiệp, mà là tham gia tranh tụng để ổn định và điều hòa được tranh chấp giữa các bên đương sự.
Đại biểu Vũ Xuân Trường dẫn thêm thực tế, thời gian qua, Viện kiểm sát đã thực hiện kháng nghị gần 2.000 vụ theo thủ tục giám đốc thẩm và khoảng 90% kháng nghị ấy được chấp nhận. Vấn đề đặt ra là liệu có phải Viện kiểm sát đã kháng nghị như vậy là thừa, là sai và việc tham gia của Viện kiểm sát trong hoạt động tố tụng dân sự là không cần thiết?
Đồng tình với ý kiến của Ủy ban Tư pháp, phản bác ý kiến của các đại biểu nêu trên, một số đại biểu phát biểu tại hội nghị cho rằng, Viện kiểm sát không nên tham gia vào hoạt động tố tụng dân sự để tránh can thiệp vào quan hệ dân sự.
Đại biểu Trần Du Lịch ủng hộ phương án đề xuất trong dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) vì cho rằng Viện kiểm sát chỉ nên kiểm sát về hoạt động tư pháp, về thủ tục tố tụng mà không can dự vào nội dung của quan hệ dân sự.
Theo đại biểu Trần Du Lịch, “lâu nay, chúng ta có một cái bệnh, trong kinh tế, Nhà nước làm thay quan hệ thị trường, trong quan hệ dân sự, Nhà nước làm thay quan hệ công dân” và đó là điều “cần bớt đi”. Chủ trương xã hội hóa của Đảng, Nhà nước trong các lĩnh vực cũng nhằm giảm sự can thiệp của Nhà nước vào các quan hệ kinh tế, dân sự, chẳng hạn việc thí điểm mô hình thừa phát lại.
Quan điểm của đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) là Viện kiểm sát chỉ tham gia với vai trò là cơ quan kiểm sát hoạt động tư pháp. Bởi, ý kiến của Viện kiểm sát tại phiên tòa có thể được tòa án nghe, có thể không, tức là xuất hiện cũng được, không xuất hiện cũng được. Chưa kể, việc dân sự cốt ở hai bên mà lại xuất hiện “một ông cơ quan Nhà nước đứng vào giữa”.
Trước 2 luồng ý kiến nêu trên, đại diện 2 cơ quan có liên quan trực tiếp là Viện KSND Tối cao và TAND Tối cao đều lên tiếng bày tỏ quan điểm của ngành mình.
Theo Phó viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Hữu Thể, từ trước đến nay, Viện kiểm sát chưa bao giờ can thiệp vào quan hệ dân sự. Ngay cả tòa án cũng không thể can thiệp vào quan hệ dân sự khi chưa có tranh chấp.
Khi quan hệ dân sự nảy sinh tranh chấp, các bên đương sự kêu gọi sự can thiệp của Nhà nước. Khi ấy, Nhà nước giao cho cơ quan nào là tùy từng nước khác nhau, tùy từng hệ thống chính trị. Ở Việt Nam, việc giải quyết tranh chấp dân sự ấy được giao cho Tòa án và Viện kiểm sát, trong đó Tòa án là cơ quan có quyền ra phán quyết. “Viện kiểm sát chỉ phát biểu ý kiến, còn người ra phán quyết cuối cùng là tòa án, chúng tôi có bắt tòa án phải nghe theo ý kiến của mình đâu?”, đại diện Viện KSND Tối cao nêu câu hỏi.
Phó viện trưởng Viện KSND Tối cao cũng nêu vấn đề, nếu nói Viện kiểm sát tham gia tố tụng là can thiệp vào quan hệ dân sự, thì việc tòa án xử lý vụ án có phải là can thiệp vào quan hệ dân sự hay không?
Trình bày quan điểm của TAND Tối cao tại hội nghị, Phó Chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hào dẫn quy định tại Khoản 1, Điều 107 của Hiến pháp nêu chức năng của Viện kiểm sát là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Quyền công tố của Viện kiểm sát được thực hiện trong tố tụng hình sự, còn trong tố tụng dân sự, Viện kiểm sát chỉ thực hành quyền kiểm sát hoạt động tư pháp.
“Nếu quy định Viện kiểm sát được phát biểu về nội dung của vụ việc dân sự, thì sẽ phải để luật sư tranh luận lại với Viện kiểm sát. Như vậy là Viện kiểm sát tham gia vào hoạt động tranh tụng”, Phó Chánh án TAND Tối cao nói. Trong khi đó, theo ông Tống Anh Hào, Viện kiểm sát không được tham gia vào các hoạt động tranh tụng của các bên đương sự.
“Viện kiểm sát chỉ kiểm sát việc ra phán quyết của tòa án là đúng hay sai. Trong lúc tranh luận, tòa chưa ra phán quyết thì làm sao Viện kiểm sát biết được tòa sẽ phán quyết thế nào mà kiểm sát?” - ông Tống Anh Hào nêu câu hỏi.
Trước những ý kiến trái ngược nhau như vậy, kết luận nội dung tranh luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói, từ trước đến nay, việc tổ chức mô hình Viện kiểm sát hoàn toàn mang đặc điểm của Việt Nam. Theo đó, Viện kiểm sát có 2 chức năng là công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Cho đến Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, Viện kiểm sát vẫn được coi là cơ quan tiến hành tố tụng, được quyền kháng nghị các vụ án dân sự. Vì vậy, cần tôn trọng truyền thống, thực tế và đặc thù của hệ thống chính trị cũng như bộ máy Nhà nước của Việt Nam, tức là cần giữ nguyên chức năng của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự như hiện hành./.
Theo qdnd.vn