Hưng Yên: Ứng dụng mô hình mạ khay cấy máy

08:07, 07/07/2015

Vụ lúa chiêm xuân năm nay, Sở KH và CN tỉnh Hưng Yên phối hợp với Cty CP Công nghệ sinh học đã triển khai thành công đề tài: "Ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giá thể mạ từ mùn rơm rạ và mạ khay công nghiệp phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp". Với những ưu thế vượt trội, mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân về nhiều mặt.

Đề tài thực hiện thí điểm trên diện tích 20ha tại 3 huyện: Mỹ Hào, Yên Mỹ và Phù Cừ. Trong quá trình triển khai, Cty CP Công nghệ sinh học đã tổ chức sản xuất được 15 tấn giá thể mạ từ mùn rơm rạ, với 5.000 khay mạ phục vụ 5 mô hình cấy máy.

 Sử dụng mạ khay và máy cấy tại xã Liên Phương (thành phố Hưng Yên). (Nguồn: baohungyen.vn)
Sử dụng mạ khay và máy cấy tại xã Liên Phương (thành phố Hưng Yên).
(Nguồn: baohungyen.vn)

Qua theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa sử dụng bằng mạ khay và máy cấy cho thấy, ruộng lúa thông thoáng, ít nhiễm sâu bệnh, cây lúa không bị cạnh tranh dinh dưỡng nên sinh trưởng phát triển khỏe, đẻ nhiều nhánh, cứng cây, chịu ngoại cảnh tốt và cho bông nhiều hơn. Nên năng suất lúa tăng so với lúa cấy mạ dược là 130 kg/ha.

Về hiệu quả kinh tế, theo đánh giá của nông dân các xã Phan Đình Phùng (Mỹ Hào), Thanh Long (Yên Mỹ), Thị trấn Trần Cao (Phù Cừ): Việc cấy máy bằng mạ khay đem lại nhiều lợi ích đáng kể trong việc giảm công lao động, giảm chi phí đầu tư về phân bón và các vật tư khác, giảm mức độ nhiễm sâu bệnh, tăng năng suất, sản lượng lúa. Hạch toán chi phí cho kết quả lợi nhuận thu được từ mô hình mạ khay cấy máy cao hơn từ 4 triệu đến 7 triệu đồng/ha so với cấy tay từ mạ dược.

An Giang: Phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV ngay từ cửa khẩu

Nhằm chủ động đối phó và khống chế kịp thời không để dịch lây lan trong cộng đồng, Sở Y tế An Giang đã xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gây Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông do vi-rút Corona (Mers-Cov) ngay từ các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu chung là phát hiện sớm trường hợp nhiễm MERS-CoV, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong. Tỉnh An Giang dự trù nguồn kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV cho các đơn vị y tế trong tỉnh là trên 7 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, khi chưa ghi nhận ca bệnh tại tỉnh, An Giang tổ chức giám sát 100% người xuất, nhập tại các cảng, cửa khẩu quốc tế và phát hiện sớm trường hợp nhiễm MERS-CoV để xử lý triệt để, tránh lây lan cho cán bộ y tế và cộng đồng, đồng thời giúp người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác cao độ, thực hiện tốt các hành vi phòng, chống dịch bệnh.

Khi phát hiện ca bệnh xuất hiện xâm nhập vào tỉnh, An Giang tổ chức khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch, điều trị tích cực các trường hợp nhiễm MERS-CoV nhằm hạn chế thấp nhất tử vong và lây lan ra cộng đồng. Khi dịch lây lan trong cộng đồng, thực hiện khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng./.

Theo dangcongsan.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com