TP Hồ Chí Minh: Mở rộng thanh toán không tiền mặt

09:06, 19/06/2015

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, với tốc độ tăng trưởng doanh số thẻ tín dụng bình quân mỗi năm trên 10%, đến nay trên địa bàn thành phố có khoảng 9 triệu thẻ đang hoạt động. Hiện có 31.600 máy cà thẻ (POS) sẵn sàng chấp nhận thẻ tại 16.400 điểm.

Hoạt động thanh toán thẻ cũng được các ngân hàng đẩy mạnh phát triển ở mọi lĩnh vực, từ các siêu thị, trung tâm thương mại, đến các nhà hàng, khách sạn, các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục,... với gần 400 siêu thị, trung tâm thương mại, 3.255 khách sạn, nhà hàng, 258 bệnh viện, phòng khám và 218 cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã lập Ban Chỉ đạo phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, hiện thành phố đã đạt gần 100% tỷ lệ chi trả lương trong khu vực công qua tài khoản ngân hàng.

Hiện nay hệ thống ngân hàng đang phối hợp với Sở TT và TT triển khai thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ công như mua sắm vật tư, cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh, nhà trường…

Ngoài ra ngành Ngân hàng còn xây dựng thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt ở các chợ đầu mối như Bình Điền, Thủ Đức… theo hình thức thẻ kết nối với tài khoản ngân hàng và thẻ nộp tiền mặt trước sử dụng trong ngày, trong tuần để tiểu thương thuận tiện trong giao dịch mà không phải cầm tiền mặt.

Tiền Giang: Thu hút khách du lịch quốc tế

Theo Sở VH, TT và DL tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, đã có trên 641 nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại địa phương này, trong đó khách quốc tế là trên 217 nghìn lượt. Tổng doanh thu đạt trên 1.772 tỷ đồng, tăng trên 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu du lịch lữ hành chiếm 1,5%.

Để đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách đến tham quan, tỉnh Tiền Giang đang thực hiện chiến lược định vị sản phẩm du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn và gắn kết với cộng đồng, dựa vào những lợi thế cạnh tranh về vị trí địa lý và nguồn tài nguyên du lịch nổi trội để tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, mang thương hiệu riêng và hạn chế sự trùng lắp với các địa phương trong vùng.

Theo đó, Tiền Giang sẽ tập trung phát triển các khu, điểm du lịch chính như Cù lao Thới Sơn sẽ trở thành trung tâm du lịch, tạo điểm nhấn, mang đặc trưng của sản phẩm du lịch Tiền Giang. Với việc triển khai đầu tư 2 khu du lịch là Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và khu đón tiếp khách du lịch đường bộ để tạo đột phá cho du lịch, đồng thời liên kết nhiều hộ dân để tạo thành tuyến du lịch sinh thái cộng đồng, với nhiều sản phẩm đặc trưng như thưởng thức các loại trái cây đặc sản, đi đò chèo trên kênh rạch, nghe đờn ca tài tử, trải nghiệm ẩm thực dân dã, sản phẩm làng nghề thủ công mỹ nghệ, tìm hiểu nét sinh hoạt văn hóa truyền thống người dân vùng sông nước Nam Bộ, các dịch vụ tát mương bắt cá, tham quan cù lao bằng xe thô sơ…

Trong thời gian tới, ngành Du lịch tỉnh Tiền Giang sẽ ưu tiên phát triển, xây dựng hệ thống các sản phẩm du lịch, đặc biệt là những sản phẩm mang đặc trưng riêng, có khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của thị trường du lịch, nhất là đối với thị trường khách du lịch quốc tế. Dự kiến, năm 2015, tỉnh Tiền Giang sẽ đón 1,5 triệu khách du lịch, trong đó có 600 nghìn lượt khách quốc tế và đến năm 2020 dự kiến đón 2,2 triệu lượt khách, trong đó có 900 nghìn lượt khách quốc tế./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com