Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, sáng 23-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá việc xây dựng dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) phải bảo đảm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Bảo đảm trình tự và thủ tục tố tụng hành chính có tính khả thi, dân chủ, công khai, công bằng, thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; đề cao trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động tố tụng hành chính.
Thảo luận về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND, nhiều ý kiến cho rằng Luật Tố tụng hành chính được ban hành năm 2010 đã mở rộng thẩm quyền giải quyết của TAND đối với các khiếu kiện hành chính. Vì vậy, cần giữ như quy định hiện hành, nhưng cần quy định việc loại trừ cả quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND và quyết định xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND để bảo đảm tính khả thi.
Khoản 1 Điều 32 quy định: “Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định, hành vi sau đây: Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật Nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của luật; Quyết định, hành vi của TAND trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng; Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức”. Đại biểu Đặng Công Lý (Bình Định) phân tích: so với luật hiện hành tại Điều 28, dự thảo bổ sung “cần quy định việc loại trừ cả quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND và quyết định xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND để bảo đảm tính khả thi”. Quy định này phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi. Đối với một số ý kiến đề nghị cần mở rộng hơn nữa thẩm quyền của Toà án đối với khiếu kiện hành chính. Cụ thể là Toà án có thẩm quyền giải quyết cả khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức kể cả các quyết định kỷ luật đối với cán bộ, công chức (mà không chỉ giới hạn quyết định kỷ luật buộc thôi việc như hiện nay), đại biểu Đặng Công Lý có quan điểm không cần quy định mở rộng hơn nữa, vì như vậy sẽ can thiệp quá sâu vào quản lý hành chính Nhà nước của cơ quan tổ chức. Quy định như dự thảo luật là hợp lý.
Tán thành quan điểm này, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) đề nghị giữ nguyên như hiện hành là phù hợp, không nên quy định thêm về thẩm quyền giải quyết khiếu kiện về quyết định hành chính và hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan tổ chức. Theo đại biểu không nên quy định thêm vì phạm vi quá rộng, can thiệp quá sâu vào quản lý hành chính Nhà nước của cơ quan, tổ chức, ảnh hưởng tới hoạt động tự do, tự chủ, tự quản của cơ quan, tổ chức này. Đối với khiếu kiện quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc cơ sở cai nghiện bắt buộc, đã được quy định trong Pháp lệnh trình tự xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nhiều ý kiến tán thành với việc loại trừ các khiếu kiện quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án ra khỏi đối tượng khởi kiện các vụ án hành chính như quy định trong dự thảo Luật.
Đối với việc khởi kiện quyết định xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh và nhiều ý kiến khác tán thành với việc loại trừ việc khởi kiện loại quyết định này ra Tòa hành chính. Đưa ra những dẫn chứng cụ thể, đại biểu phân tích nếu giao thẩm quyền cho TAND giải quyết khiếu kiện quyết định xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính của TAND sẽ dẫn đến tình trạng Tòa án vừa ra quyết định xử lý hành chính vừa tiến hành thụ lý để giải quyết vụ án hành chính đối với chính quyết định của Tòa án. Việc đó không bảo đảm tính khách quan.
Nội dung về phân định thẩm quyền của TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được nhiều đại biểu cho ý kiến tại phiên thảo luận sáng qua.
Qua thảo luận, một số ý kiến không tán thành quy định mở rộng thẩm quyền cho TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện như dự thảo Luật. Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), quy định này không phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp đã nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về mở rộng thẩm quyền cho TAND cấp huyện. Đồng thời, quy định như vậy không đề cao được vai trò, bản lĩnh của đội ngũ thẩm phán TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương trong giải quyết sơ thẩm án hành chính. Đại biểu Huỳnh Nghĩa đánh giá hầu hết các thẩm phán cấp huyện đều có năng lực, lập trường rõ ràng, xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Quy định như dự thảo luật là không thuyết phục, đi ngược lại tiến trình cải cách tư pháp. Đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét thấu đáo quy định này, “giữ như quy định của luật hiện hành để giảm thời gian đi lại của nhân dân trong quá trình giải quyết vụ án” - đại biểu nêu rõ.
Một số đại biểu có quan điểm khác, cho rằng nên giao cho TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện để bảo đảm tính hiệu quả trong việc giải quyết các khiếu kiện này. Các ý kiến cho rằng thực tiễn xét xử thời gian qua cho thấy việc giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện đa số là khiếu kiện trong lĩnh vực quản lý đất đai, là loại việc khó, phức tạp nên chất lượng giải quyết các khiếu kiện này của TAND cấp huyện còn hạn chế; số vụ án bị huỷ, sửa vẫn còn cao (khoảng từ 4% đến 5%/năm; trong khi đó các loại án khác chỉ khoảng trên dưới 1%/năm). Đại biểu Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hoá) phân tích án hành chính là loại án mới so với các loại án khác (dân sự, hình sự) vì vậy, thẩm phán cấp huyện chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết án hành chính. Xuất phát từ kinh nghiệm thực tế, đại biểu đánh giá các khiếu kiện phần lớn liên quan tới lĩnh vực đất đai. Đây là vấn đề khó, yêu cầu thẩm phán phải có kiến thức chuyên sâu. Đại biểu Bộ cho rằng tỷ lệ án huỷ, sửa của TAND cấp huyện còn cao do nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có nguyên nhân do thẩm pháp cấp huyện còn có sự e ngại, nể nang trong xử lý. Vì vậy, theo đại biểu nên giao cho TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện để bảo đảm tính hiệu quả trong việc giải quyết các khiếu kiện này.
Nhiều ý kiến tán thành với việc bổ sung quy định về thủ tục rút gọn và điều kiện áp dụng thủ tục trong dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014. Bản án, quyết định sơ thẩm theo thủ tục rút gọn bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục rút gọn. Thủ tục rút gọn được áp dụng ở cả giai đoạn xét xử sơ thẩm và giai đoạn xét xử phúc thẩm vụ án hành chính. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể về các trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm theo thủ tục rút gọn; bản án quyết định theo thủ tục rút gọn có hiệu lực pháp luật bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm hủy và giao hồ sơ cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm giải quyết lại vụ án, thì trường hợp nào tiếp tục được áp dụng thủ tục rút gọn; trường hợp nào được giải quyết theo thủ tục thông thường.
Tại phiên thảo luận sáng qua, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể về nội dung: địa vị pháp lý của Viện KSND trong tố tụng hành chính; thi hành án hành chính…
Thảo luận về dự án Luật Trưng cầu ý dân chiều 23-6, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: Quan điểm trọng dân, tin dân phải được quán triệt xuyên suốt trong quá trình xây dựng luật này. Nhận thức đầy đủ sức mạnh của nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân một cách thực chất là yêu cầu của Đảng ta.
Theo đại biểu, tin dân là tin vào trí tuệ của nhân dân vì trưng cầu ý dân là ý dân quyết định. Luật phải thể hiện niềm tin của Quốc hội vào nhân dân và thực tế qua quá trình xây dựng công phu, thảo luận thẳng thắn đã thể hiện niềm tin đó.
Ở khía cạnh khác, việc xây dựng luật này cũng như nhiều luật khác là dần nâng cao trách nhiệm của nhân dân.
“Lắng nghe ý kiến của người dân thì mọi người sẽ quan tâm, tham gia nhiều hơn đối với những vấn đề quan trọng của đất nước. Khẳng định trách nhiệm của người dân thì người dân sẽ cân nhắc nâng cao trách nhiệm của mình. Cứ như thế thì vai trò và trách nhiệm của dân sẽ cao hơn”, đại biểu phân tích.
Đề cập quyền lực của nhân dân, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) cho rằng vị thế, vai trò của nhân dân - người làm chủ xã hội chưa được coi trọng vì trong dự thảo luật họ không có quyền gì khác ngoài đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu với tư cách là một cử tri.
Người dân không có quyền trình bày nguyện vọng của mình để trưng cầu ý dân đến cơ quan đại diện quyền lực cho mình, mặc dù có thể nguyện vọng ấy là hoàn toàn chính đáng.
Luật cũng không cho thấy cơ chế nào quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục tập hợp ý kiến của nhân dân về nội dung và mục đích trưng cầu ý dân. Sự công khai, minh bạch trong vấn đề này cũng không được đề cập.
“Như vậy người ta có quyền đặt câu hỏi: Luật này ra đời để làm gì và phục vụ cho ai?”, đại biểu đặt vấn đề và đề nghị bổ sung những điều luật để người dân có quyền cơ bản như: Đưa ra sáng kiến về nội dung và phạm vi trưng cầu ý dân; giám sát việc tập hợp ý kiến nguyện vọng của nhân dân một cách công khai, minh bạch…
Đại biểu cũng đề nghị cần quy định rõ nguyên tắc, điều kiện cần thiết, quy trình, thủ tục, các bước tập hợp ý kiến nguyện vọng của nhân dân.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội bày tỏ băn khoăn vì theo dự luật, HĐND hầu như đứng ngoài cuộc trong khi quy định vai trò, trách nhiệm, công việc của UBND các cấp rất đậm nét trong tổ chức trưng cầu ý dân.
Trong khi đó, Điều 113 Hiến pháp ghi rõ: HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân. HĐND quyết định các vấn đề của địa phương theo luật định và giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương.
Theo đại biểu, luật này phải thể hiện rõ hơn vị thế và vai trò của HĐND các cấp.
Với cách đặt vấn đề trưng cầu ý dân là vấn đề rất quan trọng để người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp, đại biểu Hùng đề nghị việc tổ chức chủ yếu giao cho HĐND tiến hành. Về thành lập, phân công cơ quan giúp việc ở địa phương cũng như thành lập các tổ trưng cầu ý dân cần giao cho HĐND các cấp thực hiện.
Nếu không quy định được như trên, ông Hùng cho rằng cần nghiên cứu xây dựng các điều khoản theo hướng tăng cường vai trò HĐND như mô hình trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND.
Theo đó, Thường trực HĐND cho ý kiến và cử đại diện tham gia khi UBND thành lập hoặc phân công cơ quan giúp việc trong tổ chức trưng cầu ý dân, thành lập các tổ; chỉ đạo hoạt động trưng cầu. HĐND và đại biểu giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng cũng đề nghị thể hiện rõ sự tham gia của cử tri và người dân đối với quá trình tổ chức trưng cầu ý dân. Phải có quy định cơ chế và hoạt động giám sát của nhân dân đối với trưng cầu ý dân; bổ sung quy định công dân Việt Nam đang học tập, công tác, lao động ở nước ngoài tham gia bỏ phiếu; quyền của người đang bị tạm giữ, tạm giam tham gia bỏ phiếu.
“Từ nay đến kỳ họp thứ 10 của Quốc hội cần có nhiều hình thức tăng cường lấy ý kiến người dân để tiếp tục hoàn thiện dự án luật này”, đại biểu đề nghị./.
PV