Thảo luận dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương

08:06, 02/06/2015

Sáng 1-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Quy định “cứng” số cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ và tăng cường trách nhiệm của Chính phủ là vấn đề được nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc để quy định cho phù hợp…

Theo dự thảo luật, số lượng tối đa thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ là không quá 5, trong đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao là không quá 6 (khoản 2, Điều 38); số lượng cấp phó của tổng cục là không quá 4; số lượng cấp phó của cục, vụ, văn phòng, thanh tra và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là không quá 3 (khoản 2, Điều 40).

Nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình với việc quy định trong dự thảo và cho rằng, quy định như vậy mới giúp cho việc triển khai dễ dàng hơn, tránh việc phình to các bộ máy. Đồng tình với quy định trong dự thảo, đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) chỉ ra thực tế hiện nay có bộ rất nhiều thứ trưởng, do vậy, việc không quy định “cứng” trong luật dễ tạo ra kẽ hở, phình to bộ máy. Đại biểu đồng tình với quy định Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao là không quá 6, nhưng kiến nghị xem xét quy định Bộ NN và PTNT cũng nên quy định là không quá 6 vì lĩnh vực quản lý của bộ này rất rộng.

Đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) lại kiến nghị số thứ trưởng Bộ Ngoại giao nên quy định “mềm”, do Chính phủ đề nghị, căn cứ nhiệm vụ đối ngoại của đất nước trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Đại biểu Lê Đình Khanh (đoàn Hải Dương) nhấn mạnh đến việc quy định “cứng” vì đại biểu cho rằng, “quy định chặt còn không xong thì quy định “mềm” làm sao có thể thực hiện”. Đại biểu dẫn chứng thực tế về quy định các sở chỉ có 3 phó giám đốc, nhưng thực tế có nơi có tới 4 thậm chí 5 phó giám đốc. Việc tăng số lượng cấp phó này được lấy lý do là vận dụng trong thực tiễn và việc cấp trên (cấp bộ) cũng có quy định nhưng số thứ trưởng rất nhiều mà không sao. “Trên đi một ly, dưới đi một dặm” đây là thực tế cần quy định rõ và triển khai đúng ở cấp trên để cấp dưới noi theo.

Cũng đồng ý phải quy định “cứng”, nhưng đại biểu Nguyễn Xuân Tỷ (đoàn Bến Tre) cho rằng, 3 bộ có nhiều công việc cần tới 6 thứ trưởng, quy định như trong dự thảo là đúng, tuy nhiên, có nhiều bộ hoạt động ổn định, không nhất thiết cứ phải 5 thứ trưởng, có thể chỉ cần 3 thứ trưởng là đủ. Do vậy, cần xem xét lại để quy định cho đúng, không quy định số lượng cán bộ nhiều để rồi khi bố trí cán bộ lại “ngồi chơi xơi nước”.  Cùng với đó, đại biểu Tỷ chỉ ra, việc quy định thêm: “Trong trường hợp đặc biệt do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tăng số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ” là không cần thiết và không nên quy định. Đại biểu Tỷ cho rằng, việc quy định như vậy lại rất dễ dẫn đến tình trạng có bộ có nhiều thứ trưởng như hiện nay.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) cho rằng dự thảo luật đã tiến bộ khi đưa ra quy định “cứng” về số lượng cấp phó, nhưng ngay sau đó lại đưa ra trường hợp đặc biệt - quy định “mềm”, như vậy là chưa dứt khoát. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cũng nhấn mạnh, việc bổ sung thêm cán bộ sẽ từ cái “trường hợp đặc biệt” này mà ra.

Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu góp ý, quy định về quyền hạn và nhiệm vụ của Chính phủ đã khá đầy đủ, rõ ràng, nhưng quy định trách nhiệm còn chưa rõ.

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (đoàn Cần Thơ) đề nghị quy định rõ hơn việc phân quyền, phân cấp giữa Trung ương và địa phương. Đại biểu kiến nghị cùng với quyền, nhiệm vụ, cần quy định thêm trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sao cho phù hợp. Đại biểu Triệu Là Pham (đoàn Hà Giang) chỉ ra, chế độ trách nhiệm người đứng đầu Chính phủ trong dự thảo luật lần này chưa được đề cập đến, cho thấy trách nhiệm này chưa được quan tâm. Đại biểu Pham nhấn mạnh, đây là vấn đề thực tế đang đặt ra và yêu cầu xây dựng Đảng cũng rất rõ, do vậy, cần quy định bổ sung thêm chế độ trách nhiệm người đứng đầu. Ngoài ra, đại biểu Pham đề nghị nên có một điều riêng quy định về các hành vi bị nghiêm cấm.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, quy định trách nhiệm của Thủ tướng chỉ là báo cáo và khi vắng mặt thì ủy quyền là chưa tương xứng với quyền và nhiệm vụ được giao.

Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu phát biểu đồng tình với việc không quy định trong luật số lượng, tên gọi các bộ, cơ quan ngang bộ. Các đại biểu đều khẳng định, việc không quy định cứng số lượng, tên gọi các bộ, cơ quan ngang bộ trong luật sẽ tạo điều kiện chủ động hơn trong việc Quốc hội quyết định cơ cấu của Chính phủ, bảo đảm cho Chính phủ thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý Nhà nước của mình, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu tổ chức bộ máy của Chính phủ từng thời kỳ phát triển của đất nước. Đầu nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội, Quốc hội sẽ quyết định cụ thể số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ cho nhiệm kỳ đó theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 95 của Hiến pháp: “cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ do Quốc hội quyết định”.

Tiếp theo chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, chiều qua (1-6), Quốc hội dành cả buổi thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Dự luật này đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến từ kỳ họp thứ 8.

Sau khi Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, các đại biểu sẽ phát biểu thảo luận.

Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo luật đã bổ sung quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vì theo quy định của Hiến pháp, đây cũng là một loại đơn vị hành chính của nước CHXHCN Việt Nam. Ngoài ra, dự thảo đã bổ sung và làm rõ hơn quy định về tổ chức chính quyền địa phương ở hải đảo.

Một trong những nội dung rất quan trọng của dự luật là việc xác định mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Trong đó, mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại địa bàn đô thị, nông thôn đang được thiết kế 2 phương án để các đại biểu Quốc hội thảo luận.

Phương án 1 quy định tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND) nhưng làm rõ trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo.

Phương án 2 không tổ chức cấp chính quyền địa phương ở phường (tức không có HĐND) mà chỉ tổ chức UBND để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường.

Luật quy định HĐND tập trung quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương như quyết định ngân sách, nhân sự, quy hoạch, kế hoạch, biện pháp phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội và tập trung vào việc giám sát hoạt động của UBND.

Tăng hợp lý số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở cấp tỉnh và cấp huyện so với thực tế hiện nay. Theo đó, quy định tăng đại biểu chuyên trách của HĐND tỉnh ít nhất là 20% trên tổng số đại biểu và ít nhất là 15% trên tổng số đại biểu HĐND cấp huyện; tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của đại biểu HĐND.  

Khẳng định vị trí, vai trò của Thường trực HĐND với tư cách là cơ quan thường trực của Hội đồng, thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn trong thời gian giữa các kỳ họp của HĐND theo quy định của pháp luật...

Dự thảo luật cũng đã chỉnh lý các quy định về tổ chức và hoạt động của UBND nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan này theo hướng: Xác định cụ thể nhiệm vụ của UBND và Chủ tịch UBND ở các đơn vị hành chính để từ đó xác định rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết Luật Tổ chức chính quyền địa phương chỉ quy định một cách chung nhất phạm vi những vấn đề, những loại việc mà chính quyền địa phương có thể đảm nhiệm được tương ứng với khả năng đáp ứng của bộ máy chính quyền, tính chất của dân cư, địa bàn quản lý.

Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện quản lý Nhà nước đối với từng lĩnh vực cụ thể cũng như cách thức thực hiện cần được xác định trong các đạo luật chuyên ngành.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định rõ các nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa Trung ương, địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương cũng như trách nhiệm cụ thể của các cấp chính quyền trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khi được phân cấp, ủy quyền nhằm làm cơ sở để các luật chuyên ngành có thể cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở từng loại đơn vị hành chính./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com