Thảo luận ba dự án Luật; trình bày báo cáo đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

08:06, 05/06/2015

Ngày 3-6, tiếp tục chương trình làm việc, buổi sáng, các đại biểu Quốc hội (QH) đã nghe Chính phủ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam; nghe Báo cáo thẩm tra dự án luật này. QH đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này. Buổi chiều, QH thảo luận tại tổ hai dự án luật: Luật Trưng cầu ý dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam.

Cho ý kiến về dự kiến cơ cấu, số lượng người được giới thiệu ứng cử trong dự thảo Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND, đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp) và nhiều đại biểu tán thành quy định như dự thảo luật, bảo đảm ít nhất 18% tổng số người ứng cử đại biểu QH là người dân tộc thiểu số và 35% tổng số người ứng cử đại biểu QH là phụ nữ, nhưng cần quy định cụ thể việc phân bổ số lượng người ứng cử để tránh tình trạng cơ cấu, số lượng, thành phần không đồng đều tại các đơn vị bầu cử.

Nhiều ý kiến tán thành quy định ưu tiên người nhiều tuổi hơn trúng cử trong trường hợp nhiều người được số phiếu bằng nhau (Điều 78, dự thảo luật), bởi đây là thông lệ đã được thừa nhận rộng rãi và thực hiện ổn định qua nhiều năm. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị, trong trường hợp này nên quy định theo hướng ưu tiên phụ nữ hoặc người có trình độ chuyên môn, hoặc người dân tộc thiểu số trúng cử.

Về nguyên tắc bầu cử, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về thực trạng đi bầu cử thay, một người viết phiếu bầu cho nhiều người khác, đồng thời nhấn mạnh nguyên tắc cử tri phải tự mình đi bầu, không được nhờ người khác bầu thay. Để hạn chế việc bầu cử thay, bầu cử hộ, các cơ quan, tổ chức liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bầu cử để cử tri và mọi người dân nâng cao ý thức, nhận thức đúng quyền và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện quyền dân chủ trực tiếp này.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn phát biểu thảo luận tại kỳ họp.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn phát biểu thảo luận tại kỳ họp.

Các đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang), Phạm Đức Châu (Quảng Trị) và một số đại biểu đề nghị quy định rõ hành vi nghiêm cấm trong vận động bầu cử và quá trình tổ chức thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc thì tiếp tục hướng dẫn, rút kinh nghiệm cụ thể để hoàn thiện quy định của pháp luật về hoạt động tuyên truyền, vận động bầu cử.

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam cho biết: Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005 có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế quốc dân và ngành hàng hải nói riêng. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện Bộ luật đã phát sinh một số vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển, hội nhập của hệ thống cảng biển nước ta theo hướng quy mô lớn, hiện đại và bảo đảm tốt nhu cầu, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, hành khách trong nước với nước ngoài; đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh; góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển, đồng thời, bảo đảm tính phù hợp, thống nhất với Hiến pháp năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Đóng góp ý kiến vào Bộ luật Hàng hải, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) phân tích: Bến cảng có rất nhiều thành phần kinh tế tham gia, trong đó có doanh nghiệp nước ngoài đầu tư rồi giao doanh nghiệp Việt Nam quản lý... Chủ trương xã hội hóa là hợp lý. Nhưng cần thận trọng xem xét khi giao các bến cảng cho các Cty nước ngoài. Luật cần quy định rất cụ thể, rõ ràng, để vừa kết hợp phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Thảo luận về Dự án Luật Trưng cầu ý dân, đại biểu Vũ Trọng Kim (Quảng Ngãi) cho rằng: Dự án Luật Trưng cầu ý dân có ý nghĩa chính trị lớn. Đây là bước tiến trong dân chủ xã hội ở nước ta và phù hợp nguyện vọng của nhân dân. Luật Trưng cầu ý dân ra đời đáp ứng mong đợi của nhân dân, là cơ hội để người dân có quyền tham gia đóng góp, quyết định những vấn đề trọng đại của dân tộc, đất nước. Tuy nhiên, cần nghiên cứu, xem xét kỹ những phạm vi trưng cầu ý dân, trong đó QH cần xem xét, quyết định vấn đề nào cần đưa ra trưng cầu ý dân.

Làm rõ tính pháp lý của luật, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) và một số đại biểu khác cho rằng, vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân phải là vấn đề đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kỹ phạm vi trưng cầu ý dân. Nếu không trưng cầu ý dân thì có thể chuyển thành lấy ý kiến nhân dân. Ở một số quốc gia, việc trưng cầu ý dân đơn giản, dễ hiểu.

Theo chương trình kỳ họp thứ 9, QH khóa XIII, sáng 4-6, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Bên lề QH, các đại biểu đã bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương đầu tư Dự án quan trọng này.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) khẳng định: Đây là lần thứ hai QH thảo luận về Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tại lần thảo luận đầu tiên, nhiều đại biểu đã kiến nghị Chính phủ điều chỉnh cơ cấu đầu tư và có những giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Việc điều chỉnh này của Chính phủ được các đại biểu QH đánh giá cao.

Trên cơ sở những điều chỉnh của Chính phủ, tại kỳ họp này, QH tiếp tục thảo luận và có thể thông qua nghị quyết về cho phép đầu tư Cảng hàng không quốc tế này.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nhấn mạnh: Chính phủ cũng như các bộ, ngành chức năng, đặc biệt là ngành GTVT cần có các giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không của Việt Nam nhằm góp phần tạo dựng thương hiệu, quảng bá với khách quốc tế để thu hút khách sử dụng dịch vụ tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành sau này.

Hiện nay, chất lượng dịch vụ hàng không của nước ta còn bất cập so với yêu cầu. Việc xây dựng và sử dụng Cảng hàng không quốc tế Long Thành như một sân bay trung chuyển sẽ góp phần đáng kể cải thiện chất lượng dịch vụ hàng không nước ta trong tương lai...

Khi QH thông qua chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các đơn vị liên quan cần sớm có lộ trình, kế hoạch triển khai thực hiện, sử dụng đồng vốn có hiệu quả, không để thất thoát và lãng phí.

Ủng hộ phương án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng: Đầu tư xây dựng dự án này là rất cần thiết. Căn cứ vào Báo cáo của Chính phủ và thực tế, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện nay đang mở rộng để đón được 25 triệu khách/năm nhưng dự kiến, đến năm 2017 cũng sẽ quá tải.

Hơn nữa, nếu tính phương án đền bù giải phóng mặt bằng để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là rất tốn kém. Trước, sau, chúng ta vẫn phải xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Do đó, xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành càng sớm càng tốt, nếu để lâu giá thành sẽ lại tăng lên.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Ngọc Vinh cũng cho rằng, việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành phải nghiên cứu kỹ tính khả thi của dự án trong việc huy động vốn để đạt hiệu quả cao nhất. Mặt khác, khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành hoàn thành, đi vào hoạt động thì vẫn phải duy trì và phát huy tính hiệu quả của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong giai đoạn đầu. Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ hoạt động như một sân bay hỗ trợ cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Bày tỏ sự quan tâm đến Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Trưởng đoàn đại biểu QH Nam Định Nguyễn Anh Sơn cho biết, khi dự án đưa ra lần đầu, ông còn nhiều băn khoăn nhưng sau khi nghiên cứu các văn bản mới trình tại kỳ họp lần này, nhiều băn khoăn bước đầu được giải đáp.

“Không mạnh dạn, không quyết tâm làm được một cái gì đó cho hướng phát triển của tương lai đất nước cũng là điều đáng suy nghĩ. Nhưng nếu như quyết định cái mà sau này không mang lại hiệu quả cụ thể, thậm chí mang lại gánh nặng cho đất nước thì đấy lại là điều đáng lo lắng”, đại biểu nói.

Ông đánh giá cao việc Bộ GTVT đã có thái độ rất cầu thị khi lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đại biểu QH, ý kiến phản biện của nhân dân, của cử tri, đặc biệt của các nhà khoa học.

Đại biểu cho biết cũng lo lắng khi thấy khá nhiều nhà khoa học còn băn khoăn nhưng với cách đặt vấn đề, cách nhìn nhận của Bộ GTVT lần này như phân kỳ đầu tư, làm theo khả năng, điều kiện để giảm tổng mức đầu tư ban đầu… để thực hiện được bước đầu của dự án là điều rất tốt.

Mức đầu tư, những phương án để giải quyết các nguồn vốn đã có sức thuyết phục nhất định, ngân sách có thể chịu đựng được. Ví dụ, vốn ngân sách bỏ ra trong giai đoạn 1 (3 năm) chỉ xấp xỉ 12 nghìn tỷ đồng, mỗi năm bố trí 4.000 tỷ đồng là con số không lớn lắm, tác động lên nợ công không phải quá nhiều. Thêm nữa, người dân chịu tác động của dự án cũng đang mong tìm được sự hưởng lợi nhất định cho mình, đây là điều cần chú ý.

Song, theo đại biểu Nguyễn Anh Sơn, ngành GTVT trình bày rất nhiều về sự quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng trước khi nói về sự quá tải đó để làm căn cứ cho xây dựng dự án, ngành nên tự nhìn nhận lại chính mình, xem lại năng lực điều hành, năng lực thực hiện chuyên môn của ngành giao thông nói chung và của lĩnh vực hàng không dân dụng nói riêng.

Bấm nút cầu dao điện không đúng, làm cả hệ thống điều hành tê liệt, mất quyền kiểm soát hàng không, đó không phải quá tải. Điều hành máy bay lên xuống không đúng, thậm chí gây nguy hiểm, uy hiếp an toàn hàng không hay những chuyện đơn giản như va li của khách vỡ, mất đồ, món ăn ở sân bay rất đắt… không thể “đổ” cho quá tải được - đại biểu nêu rõ.

Cùng với việc đề nghị QH thông qua chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, ông Nguyễn Anh Sơn cho rằng, ngành GTVT cũng phải tích cực chú ý đến nâng cao năng lực chuyên môn. Một sân bay lớn, hiện đại nhưng nếu năng lực chuyên môn như vậy là bất cập.

Một điều nữa khiến ông Nguyễn Anh Sơn băn khoăn, đó là tổng mức đầu tư của dự án. Mức đầu tư của dự án được trình lần này đã giảm khá nhiều so với báo cáo trình QH tại kỳ họp thứ 8, ông cho rằng nếu QH không vào cuộc quyết liệt, mức đầu tư sẽ “vống” lên và đề nghị Bộ GTVT làm rõ về số tiền giảm được./.

Tin ảnh: PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com