Chấp hành nghiêm pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử

08:06, 08/06/2015

Ngày 5-6, ngày làm việc thứ 14 của kỳ họp thứ chín, Quốc hội (QH) khóa XIII. Các đại biểu QH làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật; thảo luận ở hội trường về nội dung nêu trên.

Bất cập trong phòng, chống oan, sai

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) nêu rõ: UBTVQH đã có Nghị quyết số 821/NQ-UBTVQH13 ngày 17-10-2014 thành lập Đoàn giám sát "Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật"; tổ chức nghiên cứu một số vụ án cụ thể mà dư luận quan tâm; tổ chức 5 Đoàn công tác trực tiếp làm việc với các cơ quan hữu quan tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Phước, Tiền Giang, Sóc Trăng, Phú Yên, Đà Nẵng, Quảng Trị, Hải Phòng, Nam Định, Bắc Giang, Quân khu 4.

Qua giám sát, cho thấy, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng số vụ, số người phạm tội, phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt, nhưng cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án các cấp đã có nhiều nỗ lực, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Về cơ bản hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Các cơ quan khắc phục tồn tại, thiếu sót trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; nhờ đó tình hình oan, sai đã được hạn chế đáng kể so với trước đây. Tuy nhiên, so với yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu của Hiến pháp năm 2013, việc phòng, chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm còn hạn chế, bất cập.

Trong 71 người bị oan và một số trường hợp khác có dấu hiệu bị oan đang được xem xét, giải quyết đã cho thấy tình hình làm oan người vô tội trong hoạt động tố tụng hình sự hiện nay còn nghiêm trọng. Các trường hợp làm oan đều nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của người dân bị oan; có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân đối với công lý, giảm sút uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật.

Xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Lê Như Tiến (Quảng Trị) và một số đại biểu khác đặt vấn đề: Thủ trưởng cơ quan điều tra thiếu trách nhiệm dẫn đến oan, sai thì xử lý như thế nào? Theo báo cáo, còn nhiều vụ án oan kéo dài 5 năm, 10 năm, thậm chí hơn 10 năm mới phát hiện ra. Sau khi được minh oan, các cơ quan tư pháp

công bố người đó vô tội hoặc không đủ căn cứ để buộc tội, thì việc bồi thường cho người bị oan lại chậm được thực hiện. - Việc bồi thường cũng chỉ bù đắp được thiệt hại về kinh tế, còn những tổn thương về tinh thần cho người bị oan thì không thể nào bù đắp được. Trong những vụ oan, sai này thì ai, cơ quan nào làm rõ, có bao nhiêu vụ oan, sai do bản thân và gia đình họ minh oan? Có bao nhiêu trường hợp do người khác nhận tội và chứng minh họ phạm tội thì người kia mới được minh oan? Nhiều đại biểu QH cho rằng, ngoài trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cần làm rõ cá nhân để xảy ra sai phạm có trách nhiệm gì, nhất là đối với những hành vi bức cung, nhục hình dẫn đến oan, sai.

Các đại biểu đề nghị, thời gian tới, trong quá trình sửa đổi các bộ luật liên quan lĩnh vực hình sự, tố tụng hình sự, cần thực hiện rõ tinh thần các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, nghiêm túc thực hiện hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm đúng người đúng tội. Mặt khác, khi xác định oan, sai thì phải kịp thời minh oan, cần sớm bồi thường cho người bị oan theo quy định của pháp luật. Đồng thời, xử lý tương ứng những người mắc sai phạm, chịu trách nhiệm bồi thường một phần tùy theo mức độ sai phạm. Ngược lại, luật sư Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) phân tích khía cạnh hệ thống cơ quan tố tụng không thể tự phát hiện, "giống như lỗi của hệ thống phòng cháy mà không thể báo cháy". Nhiều đại biểu phản ánh hệ thống kiểm tra chéo giữa cơ quan điều tra - Viện Kiểm sát - Tòa án có hiệu lực không cao, có tình trạng xuê xoa cho nhau, thỏa thuận kiểu "người không phạm đến ta, ta không phạm đến người", có những vụ án, các cơ quan vẫn tổ chức họp án thống nhất trước giữa các cơ quan, việc định tội một người vẫn theo kiểu "trọng cung hơn trọng chứng"...

Tuân thủ tinh thần thượng tôn pháp luật

Giải trình và làm rõ thêm những vấn đề đại biểu QH nêu, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: Bộ đã quán triệt đến tất cả các đơn vị các biện pháp chống oan, sai với phương châm nghiêm cấm bức cung, dùng nhục hình. Với những cán bộ điều tra dùng nhục hình, quan điểm của Bộ Công an là xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Theo đó, từ tháng 1-2011 đến nay, đã có 20 cán bộ, chiến sĩ công an bị khởi tố xử lý về việc xâm phạm các hoạt động tư pháp. Trở lại với thí dụ đại biểu đề cập vụ bắt giam oan 7 thanh niên ở Sóc Trăng năm 2013, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, từ Phó Giám đốc Công an tỉnh kiêm thủ trưởng cơ quan điều tra, Phó Trưởng Công an Thị xã Vĩnh Châu... đến cán bộ điều tra đều bị xử lý từ miễn nhiệm, bãi nhiệm cách chức, đến buộc chuyển khỏi cơ quan điều tra.

Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định: Với tinh thần thượng tôn pháp luật, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo cơ quan điều tra Công an các cấp và các cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm với phương châm "không bỏ lọt tội phạm, không để oan, sai". Thời gian qua, ngành đã phát hiện, khởi tố điều tra và xử lý nghiêm minh, kịp thời theo đúng quy định của pháp luật các hành vi phạm tội xảy ra. Công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; tỷ lệ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và kết luận điều tra chuyển Viện Kiểm sát đề nghị truy tố năm sau cao hơn năm trước. Cơ quan điều tra các cấp đã chấp hành nghiêm những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự và những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong việc phát hiện, thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ; tập trung chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác điều tra, xử lý tội phạm...

Trong phần phát biểu ý kiến giải trình, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như ngành Kiểm sát đã áp dụng rất nhiều biện pháp phòng, chống oan, sai, loại trừ bức cung, nhục hình. Có những biện pháp lần đầu tiên áp dụng trên thế giới, như giải pháp nối mạng các phòng xét xử với phòng làm việc của Viện trưởng KSND cấp tỉnh để có điều kiện quan sát diễn biến, đánh giá chất lượng tranh tụng. Viện trưởng Viện KSND Tối cao nói: Chúng tôi xin lỗi những người bị oan cùng gia đình và sẽ tiếp tục quyết liệt hơn nữa để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ oan.

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cung cấp thông tin, liên quan vụ ông Nguyễn Thanh Chấn đòi bồi thường oan, sai, tòa án đã xin lỗi và thương lượng bồi thường. Ông Chấn đã đồng ý mức 7,2 tỷ đồng, hiện cơ quan hữu quan đang làm thủ tục để các cơ quan tài chính chi trả.

Cuối buổi chiều, tại hội trường, các đại biểu QH đã họp riêng nghe báo cáo tình hình liên quan vấn đề Biển Đông.

Thứ bảy, chủ nhật, Quốc hội nghỉ.

Hôm nay, thứ hai, ngày 8-6-2015, QH họp phiên toàn thể tại hội trường./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com