Biểu quyết thông qua năm dự án luật và Nghị quyết xây dựng Cảng hàng không Long Thành; Thảo luận ba dự án luật; Nghe tờ trình của Chánh án Toà án nhân dân Tối cao

08:06, 26/06/2015

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, ngày 24-6, các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi); thảo luận hai dự án luật: Luật An toàn thông tin và Luật Khí tượng thủy văn (KTTV); nghe Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao.

Đầu giờ làm việc buổi sáng, các đại biểu QH đã biểu quyết thông qua Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi), với 87,85% tổng số đại biểu QH tán thành. Một trong những điểm mới của Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) là nhiệm kỳ của người giữ vị trí Tổng Kiểm toán Nhà nước thay vì 7 năm như luật cũ sẽ rút lại chỉ còn 5 năm, tính theo nhiệm kỳ của QH. Luật cũng quy định, báo cáo của kiểm toán Nhà nước có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về các sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết Luật An toàn, vệ sinh lao động. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Đại biểu Quốc hội biểu quyết Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Thảo luận dự án Luật An toàn thông tin, nhiều ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành luật này, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế trong việc bảo đảm an toàn thông tin. Các ý kiến cho rằng, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc sử dụng internet ngày càng phát triển, bên cạnh những ưu thế, loại hình thông tin này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn. Do vậy, nhiều đại biểu thống nhất cao với ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH về việc điều chỉnh tên gọi của luật thành Luật An toàn thông tin mạng.

Đề cập công tác bảo đảm an toàn trong hoạt động thông tin mạng, nhiều ý kiến đề nghị có biện pháp hữu hiệu và chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi phát tán thông tin trên mạng, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng uy tín, danh dự, quyền lợi của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), hoạt động tiến công mạng đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ, trong đó có mạng của các cơ quan hành chính Nhà nước, nhưng vẫn chưa có giải pháp kiểm soát chế độ bảo mật và nhiều đơn vị vẫn lúng túng trong việc đấu tranh, ngăn chặn đối với hành vi này. Vì vậy, luật cần dành chương riêng quy định về vấn đề bảo mật thông tin.

Một nội dung được nhiều đại biểu góp ý là tình trạng tin nhắn rác tràn lan hiện nay. Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) nêu thực tế, mặc dù có nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý, nhưng tình trạng tin nhắn rác trên mạng và trên hệ thống điện thoại vẫn diễn ra phổ biến. Do vậy, việc nâng cao khả năng đấu tranh, ngăn chặn những hành vi này của các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thông tin là vấn đề cấp thiết đặt ra và việc xây dựng, hoàn thiện Hệ thống giám sát an toàn thông tin quốc gia phải được đặt lên hàng đầu.

Nhiều ý kiến đề nghị, bên cạnh sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, luật cần quy định rõ, các doanh nghiệp cung cấp thiết bị, nhập thiết bị thông tin liên lạc phải có trách nhiệm tự thẩm định, kiểm tra tính an toàn, bảo mật trước khi nhập, lắp đặt tại Việt Nam. Đồng thời, có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm.

Thảo luận về dự án Luật KTTV, các ý kiến phát biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật KTTV, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp lệnh hiện hành, tạo hành lang pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động KTTV, ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đại biểu Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) cho rằng, dự báo, cảnh báo KTTV, truyền tin dự báo thời tiết là nội dung rất quan trọng liên quan đến đời sống của nhân dân. Nếu thông tin không chính xác sẽ gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Thực tiễn trong những năm qua, trong một vài trường hợp cơ quan chức năng dự báo thời tiết không chính xác, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân, ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy, Ban soạn thảo cần bổ sung quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động dự báo KTTV. Về vấn đề này, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, Ban soạn thảo cần quy định rõ trách nhiệm của UBND các cấp trong việc hỗ trợ hoạt động KTTV và nên xem xét, xử lý trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền khi dự báo KTTV sai lệch, gây thiệt hại.

Đề cập thẩm quyền cấp phép cho tổ chức, cá nhân thực hiện chức năng cảnh báo, dự báo KTTV, nhiều đại biểu không đồng tình với quy định trong dự thảo luật cho phép UBND tỉnh được quyền cấp phép. Theo đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh), quy định như vậy không phù hợp các quy định trong Luật Chính quyền địa phương vừa được QH thông qua. Bên cạnh đó, KTTV có tính chất liên vùng, do vậy nên giao thẩm quyền cấp phép cho cơ quan chức năng thực hiện.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đề nghị, cần có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động KTTV như quan trắc, cảnh báo, thông báo tình hình KTTV, nhưng cần quy định rõ trách nhiệm trong việc bảo đảm tính chính xác của dự báo, cảnh báo KTTV. Đồng thời, có cơ chế bảo đảm quyền lợi của những tổ chức, cá nhân và không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Cũng trong ngày làm việc 24-6, QH nghe Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình trình bày Tờ trình đề nghị QH phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao và nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra tờ trình nói trên. Sau đó, các vị đại biểu QH họp tại Đoàn để thảo luận về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao.

Theo Tờ trình của Chánh án TAND Tối cao, có 15 người được đề nghị bổ nhiệm chức danh Thẩm phán TAND Tối cao, trong đó có 5 Phó Chánh án TAND Tối cao đương nhiệm, là thành viên đương nhiên của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao theo quy định của Luật Tổ chức TAND; 3 người không công tác trong các TAND và 7 người là nguồn nhân sự trong các TAND.

Tiếp tục chương trình làm việc của QH, sáng 25-6, QH biểu quyết thông qua 4 đạo luật, gồm: Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) (sửa đổi); Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND.

Về Luật NSNN (sửa đổi), theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, nội dung chi ngân sách đã có những điểm tiếp thu sửa đổi quan trọng. Một số đại biểu QH đề nghị quy định mở rộng hơn nội dung chi từ nguồn dự phòng để giải quyết các trường hợp cấp bách phát sinh, các vụ việc phức tạp cần giải quyết. Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, đề nghị của đại biểu QH là cần thiết. Dự thảo Luật đã được bổ sung như sau: Dự phòng ngân sách Nhà nước sử dụng để chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói; nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cần thiết khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp mình mà chưa được dự toán (…).

Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu QH đề nghị không tính các khoản hỗ trợ có mục tiêu để thực hiện các chính sách, chế độ mới vào mức khống chế không vượt quá 30% tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) của ngân sách Trung ương (NSTW); có ý kiến đề nghị chỉ khống chế mức hỗ trợ hằng năm của NSTW cho ngân sách địa phương (NSĐP) không vượt quá 30% tổng chi đầu tư XDCB của NSTW đối với nhóm hỗ trợ có mục tiêu thực hiện một số chương trình, dự án lớn, đặc biệt quan trọng; có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (không bao gồm các chính sách, chế độ mới; các chương trình mục tiêu quốc gia…).

Tiếp thu ý kiến này, dự thảo đã được tiếp thu điều chỉnh chính sách theo hướng mức khống chế không bao gồm các khoản hỗ trợ có mục tiêu, hỗ trợ khắc phục thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, chi chính sách, chế độ mới.

Đáng lưu ý, có ý kiến đại biểu QH đề nghị mức dư nợ vay của NSĐP không vượt quá 80% số thu NSĐP được hưởng theo phân cấp; có ý kiến đề nghị điều chỉnh tỷ lệ là 80% (đối với Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh), 40% đối với các tỉnh có điều tiết và 30% với các tỉnh còn lại. Có ý kiến đề nghị giải thích rõ lý do việc thay đổi cách tính mức giới hạn nợ vay của NSĐP so với tổng thu thay vì so với tổng vốn đầu tư XDCB trong nước như Dự thảo Luật đã được QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, quy định 3 mức như Dự thảo mới (60%, 30% và 20%) là nhằm quản lý chặt chẽ vay nợ của địa phương, đảm bảo khả năng trả nợ của địa phương dựa trên số thu ngân sách, đảm bảo an toàn nợ công. Trường hợp điều chỉnh tăng mức dư nợ vay của NSĐP lên cao hơn như ý kiến đại biểu QH đề nghị sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của địa phương và tăng nhanh nợ công. Trường hợp các tỉnh, thành phố muốn được vay nợ với mức cao hơn cần nâng cao số thu NSĐP để từ đó được áp dụng mức dư nợ cao hơn theo quy định của pháp luật.

Đáp ứng đề nghị giải thích lý do của việc thay đổi cách tính mức giới hạn nợ vay của NSĐP, ông Phùng Quốc Hiển cho biết: Dự thảo Luật trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 quy định mức dư nợ của chính quyền địa phương được căn cứ vào tổng vốn đầu tư XDCB hằng năm của ngân sách cấp tỉnh. Dự thảo mới quy định tính mức giới hạn nợ vay của NSĐP so với tổng thu NSĐP được hưởng theo phân cấp. Về cơ bản, số dư nợ được phép vay của NSĐP theo hai cách này là tương đương. Đồng thời, cách xác định trên số thu NSĐP được hưởng theo phân cấp đảm bảo mức dư nợ vay phù hợp với khả năng trả nợ, nhằm quản lý chặt chẽ việc vay nợ của từng địa phương, góp phần khuyến khích các địa phương tăng thu ngân sách, bảo đảm an toàn nợ công và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Về ý kiến đại biểu QH đề nghị để khắc phục tính chất NSNN lồng ghép thì cần minh bạch hơn về quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương; tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi ngân sách được phân quyền; ông Phùng Quốc Hiển giải thích: “Căn cứ thẩm quyền của các cơ quan có liên quan trong lĩnh vực NSNN đã được quy định tại Hiến pháp năm 2013 và các quy định khác của pháp luật, dự thảo Luật NSNN trình Quốc hội đã quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước và của HĐND, UBND các cấp ở địa phương”. Có ý kiến đại biểu QH đề nghị làm rõ việc chính quyền địa phương có quyền giao, điều chỉnh chỉ tiêu thu NSNN trên địa bàn hay không? Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, để dự toán thu NSNN sát thực tế hơn, cần phải tăng cường kỷ luật ngay từ khâu giao dự toán thu đối với chính quyền địa phương, do đó xin QH cho phép bổ sung quy định nhiệm vụ quyền hạn của HĐND (khoản 1, Điều 30) với nội dung: “Căn cứ vào nhiệm vụ thu, chi ngân sách được cấp trên giao và tình hình thực tế tại địa phương (HĐND địa phương - PV) quyết định dự toán thu NSNN trên địa bàn, bao gồm thu nội địa, thu dầu thô, thu từ hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu, thu viện trợ không hoàn lại, bảo đảm không thấp hơn dự toán thu NSNN được cấp trên giao”.

Cũng trong sáng 25-6, với 428 đại biểu (chiếm tỷ lệ 86,64% tổng số đại biểu QH) bấm nút tán thành, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9, QH khóa XIII đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đây là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm, theo dõi của dư luận ngay từ khi hình thành dự án và đã được QH cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8.

Ngay sau kỳ họp, các cơ quan của QH đã tổ chức Đoàn công tác khảo sát thực địa Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay quân sự Biên Hòa và địa điểm quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đồng Nai.

Đoàn công tác cũng đã làm việc với nhiều cơ quan, đơn vị và tổ chức xin ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cơ quan tham vấn để báo cáo QH.

Tán thành về mặt chủ trương, song, trong nghị quyết, QH yêu cầu việc xây dựng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành phải có phương án cụ thể và chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải quyết việc làm cho người dân có đất thu hồi.

Chính phủ cần có kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng và các hạng mục phụ trợ phục vụ thực hiện dự án; phát triển đồng bộ hệ thống giao thông kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

QH cũng yêu cầu triển khai dự án phải bảo đảm tiến độ, hiệu quả kinh tế - xã hội, có đánh giá tác động môi trường và giải pháp bảo vệ môi trường; huy động và cân đối nguồn đầu tư theo quy định của pháp luật; không gây tác động xấu đến nợ công.

QH giao Chính phủ chỉ đạo triển khai thu hồi đất một lần cho toàn bộ dự án (5.000ha); có giải pháp để quản lý và sử dụng hiệu quả đất chưa sử dụng của dự án. Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, tổ chức sản xuất, ổn định đời sống nhân dân vùng chịu ảnh hưởng.

Theo nội dung nghị quyết, QH tán thành việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành với vai trò là Cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, với mục tiêu giai đoạn 1 khắc phục tình trạng quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Về quy mô, dự án được đầu tư xây dựng để đạt công suất 100 triệu khách/năm, hàng hóa 5 triệu tấn/năm với công nghệ hiện đại trong việc xây dựng, quản lý và vận hành như các cảng hàng không quốc tế tiên tiến trên thế giới, bảo đảm năng lực khai thác đồng bộ theo tiêu chí thuận tiện, chất lượng, an toàn và hiệu quả.

Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là 336.763 tỷ đồng (tương đương 16,036 tỷ USD), trong đó giai đoạn 1 là 114.569 tỷ đồng (tương đương 5,456 tỷ USD). Dự án được sử dụng một phần vốn NSNN, vốn ODA, vốn doanh nghiệp, vốn cổ phần hóa, vốn đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2025.

Giai đoạn 2: Tiếp tục đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2, cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đáp ứng công suất 50 triệu khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Trong giai đoạn 3, sẽ hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu khách/năm, 5,0 triệu tấn hàng hóa/năm.

Cũng trong buổi làm việc sáng nay, QH đã thông qua Luật Tài nguyên môi trường, biển và hải đảo với 452 đại biểu tán thành (91,50% tổng số đại biểu QH). Cũng với 442 đại biểu (89,47 % tổng số đại biểu QH) bấm nút tán thành, QH đã thông qua Luật NSNN (sửa đổi).

Đáng chú ý, trong buổi làm việc sáng nay, QH vinh dự đón cụ bà Ngô Thị Huệ, lão thành cách mạng, phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến thăm QH.

Năm 2015, là năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1-7-1915 - 1-7-2015), nhằm tri ân và tôn vinh những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và sự nghiệp đổi mới của đất nước; đồng thời nêu cao tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư của đồng chí Nguyễn Văn Linh - Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ đầu đổi mới.

Buổi chiều, QH thảo luận về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi)./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com