Quốc hội thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị quyết việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội

08:06, 23/06/2015

Sáng 22-6, với 439 đại biểu tán thành (đạt 88,87% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật gồm 17 chương, 175 điều, quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Luật này không quy định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp và có hiệu lực từ ngày 1-7-2016…

Trước khi biểu quyết thông qua toàn văn luật, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 4 với 434 đại biểu tán thành. Theo đó, Quốc hội đã quyết định giao chính quyền cấp huyện, xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trước đó, nhiều ý kiến tán thành quy định thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã, tuy nhiên, đề nghị cần quy định chặt chẽ phạm vi, thủ tục, quy trình ban hành, nhất là đối với cấp xã. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị không giao thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho chính quyền cấp huyện, cấp xã.

Giải trình về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong Báo cáo số 868/BC-UBTVQH13 ngày 20-5-2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để bảo đảm chính quyền cấp huyện, cấp xã thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với đặc điểm của địa phương thì việc giao cho các cấp chính quyền này thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết. Tuy nhiên, để khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã như thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung, chỉnh lý Dự thảo Luật quy định rõ hơn căn cứ ban hành, phạm vi, thẩm quyền và hình thức văn bản. Theo đó, HĐND cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật giao.

Việc  xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải tuân thủ 6 nguyên tắc: Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật; tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm tính minh bạch trong các quy định của văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện của văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính; bảo đảm yêu cầu về quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm tính công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo luật được thông qua, cơ quan, người có thẩm quyền chịu trách nhiệm về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước cấp trên hoặc ban hành văn bản quy định chi tiết có nội dung ngoài phạm vi được giao quy định chi tiết.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan trong trường hợp dự thảo văn bản không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật được phân công thực hiện.

Ngoài ra, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về việc đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Theo đó, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiến hành đánh giá tác động chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Đại biểu Quốc hội tự mình hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành đánh giá tác động chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, xem xét, cho ý kiến dự án luật, pháp lệnh, nếu có chính sách mới được đề xuất thì cơ quan đề xuất chính sách đó có trách nhiệm đánh giá tác động.

Nội dung Báo cáo đánh giá tác động của từng chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phải nêu rõ: Vấn đề cần giải quyết; mục tiêu của chính sách; các giải pháp để thực hiện chính sách; các tác động tích cực, tiêu cực của chính sách; chi phí, lợi ích của các giải pháp; so sánh chi phí, lợi ích của các giải pháp; lựa chọn giải pháp của cơ quan, tổ chức và lý do của việc lựa chọn; đánh giá tác động thủ tục hành chính, tác động về giới (nếu có).

Cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội khi đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh có trách nhiệm nghiên cứu, soạn thảo dự thảo Báo cáo đánh giá tác động; lấy ý kiến; phản biện độc lập Báo cáo; tiếp thu, chỉnh lý Báo cáo.

Chiều 22-6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết “về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc”.

Theo đó, có 419 tham gia biểu quyết (84,82% số đại biểu), trong đó 404 đại biểu tán thành (81,78%); không tán thành: 9 (1,82%); không biểu quyết: 6 (1,21%).

Theo Nghị quyết, người lao động được bảo lưu thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu, nhằm đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật BHXH năm 2014. Trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng BHXH và chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH 1 lần.

Nghị quyết cũng xác định việc tổ chức có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH hướng đến mục tiêu an sinh xã hội lâu dài cho người lao động; chuẩn bị điều kiện, triển khai thực hiện chính sách BHXH tự nguyện có sự hỗ trợ của Nhà nước, tạo điều kiện cho người lao động tích lũy thời gian tham gia BHXH để đủ điều kiện được hưởng lương hưu.

Công khai, minh bạch thông tin về việc đóng, hưởng BHXH cho người lao động, người sử dụng lao động; cải cách thủ tục để tạo thuận lợi cho người lao động tiếp cận chính sách BHXH; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH.

Đến năm 2020, Chính phủ đánh giá, tổng kết chính sách, khi cần thiết báo cáo Quốc hội để xem xét, sửa đổi chính sách BHXH phù hợp với thị trường lao động, điều kiện kinh tế - xã hội và mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia hệ thống an sinh xã hội.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com