Thông qua bốn dự án luật và thảo luận hai dự án luật

08:06, 22/06/2015

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) khóa XIII, ngày 19-6, các đại biểu QH biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và Luật Thú y; thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Tạm giữ, tạm giam; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

Cân nhắc việc trao quyền điều tra cho một số lĩnh vực

Đầu giờ sáng, QH thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương với đa số ý kiến tán thành là 83% và 85,22%.

Theo Luật Tổ chức Chính phủ, số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6. Trong trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ QH xem xét, quyết định.

Tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính và phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương, Điều 4 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó, HĐND cấp phường vẫn được giữ.

Thảo luận về Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thẩm quyền điều tra các tội khủng bố, tội tài trợ khủng bố cho cơ quan an ninh điều tra. Ngoài ra, để bảo đảm tính linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, dự thảo luật cần bổ sung quy định cơ quan an ninh điều tra có thẩm quyền điều tra một số vụ án khác do cấp có thẩm quyền giao trong trường hợp cần thiết. Việc bổ sung quy định kiểm ngư, cơ quan thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, là nội dung được đề cập trong Dự án Luật Tổ chức điều tra hình sự và Dự án Luật Tố tụng Hình sự sửa đổi.

Tuy nhiên, qua thảo luận, một số ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định của pháp luật hiện hành, không bổ sung kiểm ngư, cơ quan thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) nêu quan điểm: Không nên bổ sung quy định kiểm ngư, cơ quan thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Trên thực tế qua quá trình điều tra, các cơ quan điều tra khi có yêu cầu đến lĩnh vực thu thuế, chứng khoán, đều có quyền ra quyết định trưng cầu các chuyên gia để phục vụ điều tra.

Về thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao quy định tại Điều 30 dự thảo luật, đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình), Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) và nhiều ý kiến đề nghị cơ bản giữ như quy định của Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004, nhưng quy định cụ thể hơn theo hướng chỉ rõ từng tội danh trong nhóm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền điều tra của các cơ quan này. Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao, cơ quan điều tra Viện Kiểm sát quân sự Trung ương không được độc lập tiến hành điều tra các vụ án về tham nhũng, chức vụ do cán bộ tư pháp thực hiện; chỉ khi tiến hành điều tra vụ án hình sự về tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức tư pháp, phát hiện người đó còn phạm tội về tham nhũng, chức vụ thì mới được khởi tố, điều tra để bảo đảm tính liên tục...

Các ý kiến đều khẳng định sự cần thiết thành lập lực lượng Cảnh sát chống buôn lậu chuyên trách; giao quyền điều tra ban đầu cho Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao...

Chú trọng rèn luyện đạo đức, nghiệp vụ cho cán bộ điều tra, chống bức cung, nhục hình

Buổi chiều, QH biểu quyết thông qua Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) với 100% đại biểu có mặt tán thành. Tiếp theo, QH biểu quyết thông qua Luật Thú y, với 422 đại biểu tán thành, chiếm 85,43%. Sau phần biểu quyết thông qua hai dự án luật, QH tiếp tục thảo luận những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau về dự án Luật Tạm giữ, tạm giam. Đa số các đại biểu đồng tình với dự thảo bởi đây là một bước tiến quan trọng nhằm bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam. Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự án luật, nhiều đại biểu tán thành với việc đổi tên thành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam nhằm bảo đảm phù hợp phạm vi điều chỉnh của luật. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị, trong dự thảo, cần làm rõ hai khái niệm: thế nào là tạm giam, thế nào là tạm giữ?

Vấn đề cách thức quy định quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam được các đại biểu QH tập trung thảo luận. Đại biểu Lê Đông Phong (TP Hồ Chí Minh) và đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng: Tạm giam, tạm giữ là hai biện pháp ngăn chặn, do đó, người bị tạm giữ, tạm giam phải chịu sự quản lý, cách ly theo quy định của pháp luật. Theo đó đương nhiên họ bị hạn chế một số quyền công dân. Tuy nhiên, ngoài một số quyền bị hạn chế cần được nêu cụ thể, họ vẫn được hưởng những quyền khác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Bên cạnh đó, đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) và một số đại biểu khác lại cho rằng: Những người bị tạm giữ là để phục vụ công tác điều tra, chưa bị đưa ra xét xử, chưa mất quyền công dân, đề nghị ban soạn thảo tách riêng quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ và quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giam vì đây là hai đối tượng khác nhau. Một số ý kiến khác đề nghị quyền của người bị tạm giữ, tạm giam phải khác, và ít bị hạn chế hơn so với quyền của người chấp hành án phạt tù theo đúng tinh thần của Bộ luật Tố tụng hình sự; đồng thời bổ sung các quyền như quyền được thông tin, quyền bầu cử, quyền về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần, phục hồi danh dự, nhân phẩm...

Về mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành tạm giữ, tạm giam, đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) cho biết: Theo một cuộc khảo sát tại những cơ sở tạm giữ, tạm giam tại tỉnh Phú Yên, có những cơ sở vượt 150% số can phạm theo quy định, có cơ sở lại chưa đầy 10%. Lý do là chưa có sự điều tiết hợp lý. Vì vậy, đại biểu Đặng Thị Kim Chi đề nghị nên giao sự quản lý này về Tổng cục 8 theo ý kiến của Ủy ban Tư pháp của QH, nhằm khắc phục tình trạng này, để hoạt động tạm giam, tạm giữ sẽ quy củ và tiết kiệm hơn.

Thứ bảy, ngày 20-6-2015 và chủ nhật, ngày 21-6-2015, QH nghỉ làm việc.

Hôm nay, thứ hai, ngày 22-6-2015, QH họp phiên toàn thể tại hội trường. Buổi sáng, QH biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thảo luận về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam. Buổi chiều, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc và thảo luận về Dự án Luật Thống kê (sửa đổi)./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com