Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, ngày 16-6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Nhiều ý kiến tại phiên thảo luận tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết, mục tiêu sửa đổi, bổ sung cơ bản, toàn diện Bộ luật Hình sự cũng như những quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Bộ luật Hình sự nhằm cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý bảo đảm thi hành Hiến pháp năm 2013 và tiếp tục thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng về công tác tư pháp, trong đó có pháp luật hình sự, đặc biệt là Nghị quyết số 08-NQ/TW, Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Dự thảo Bộ luật có tổng số 443 điều (tăng 99 điều so với Bộ luật Hình sự hiện hành), trong đó giữ nguyên nội dung 43 điều, bãi bỏ 06 điều, bổ sung mới 68 điều và sửa đổi 329 điều (trong đó có 51 điều được tách ra từ 20 điều của Bộ luật Hình sự hiện hành).
Theo đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh), Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) và một số ý kiến khác cho rằng để bảo đảm tính khả thi, chất lượng và hiệu quả của dự án Bộ luật, việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật lần này trước hết, cần tập trung giải quyết những vấn đề thực sự vướng mắc làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã được làm rõ trong quá trình tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự, chỉ bổ sung những vấn đề mới khi thực sự cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hoàn thiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước.
Các đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam), Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội), Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) và nhiều ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự án Bộ luật này. Tuy nhiên, trong điều kiện Quốc hội khóa XIII chỉ còn 3 kỳ họp, việc ban hành Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có ý nghĩa rất quan trọng, đây là cơ sở pháp lý để xây dựng các đạo luật khác như: Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Tạm giữ, tạm giam. Do đó, sau khi Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, đề nghị Quốc hội xem xét tổ chức lấy ý kiến nhân dân về một số vấn đề quan trọng còn nhiều ý kiến khác nhau, làm cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật.
Xem xét trách nhiệm hình sự của pháp nhân
Một trong những định hướng quan trọng sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự lần này được xác định là “Đổi mới tư duy về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới". Biểu hiện rõ nét của định hướng này chính là việc bổ sung vào Bộ luật Hình sự chế định trách nhiệm hình sự của các pháp nhân là các tổ chức kinh tế khi thực hiện một số tội phạm do Bộ luật Hình sự quy định.
Tán thành với quan điểm tiến bộ này, tuy nhiên đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam) đề nghị cần thận trọng và có lộ trình, bước đi phù hợp, tránh gây xáo trộn lớn trong việc thực hiện chính sách hình sự, tạo sự ổn định trong thực hiện Bộ luật Hình sự. Đại biểu nhất trí với quan điểm trước mắt chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân ở một số tổ chức kinh tế như tại Chương 11 dự thảo Bộ luật. Cụ thể khi hành vi vi phạm của pháp nhân cấu thành đầy đủ các yếu tố: hành vi phạm tội phải thực hiện nhân danh pháp nhân, hành vi phạm tội phải được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân và hành vi được thực hiện theo sự chỉ đạo hay nhận được sự đồng tình của pháp nhân.
Theo đại biểu, kinh nghiệm của thế giới xử lý hình sự đối với pháp nhân kinh tế chủ yếu là vì mục đích lợi nhuận. Hơn nữa về lý luận, đại biểu nêu rõ, muốn xem xét trách nhiệm hình sự của pháp nhân phải hội tụ 3 yếu tố: hành vi pháp nhân có tính nguy hiểm trong xã hội; hành vi đó tương đối phổ biến và hành vi đó phải chứng minh được bằng các thủ tục tố tụng.
Cũng tán thành với quan điểm đổi mới tư duy về tội phạm và hình phạt, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là phù hợp, đáp ứng công tác phòng, chống hành vi của các pháp nhân gây nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại, phân định rõ tất cả các pháp nhân hay chỉ một số loại pháp nhân cụ thể phải chịu trách nhiệm hình sự; có loại trừ trách nhiệm hình sự cá nhân trong pháp nhân hay không?
Cũng tán thành với quan điểm cần thiết có quy định này trong dự thảo Bộ luật, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) sẽ có hai khả năng xử lý trách nhiệm hình sự với pháp nhân và cả cá nhân và cũng có thể chỉ xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Một số ý kiến cũng đề nghị Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) cần thiết có những quy định phù hợp với trách nhiệm hình sự của pháp nhân.
Qua thảo luận cũng có ý kiến cho rằng căn cứ quy định hiện hành, vẫn có thể xử lý trách nhiệm dân sự, hành chính đối với pháp nhân và xử lý hình sự đối với người có thẩm quyền của pháp nhân. Bên cạnh đó, các chế tài hình sự áp dụng đối với pháp nhân theo phương án của dự thảo Bộ luật (tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ hoạt động, cấm kinh doanh...) cũng đã được áp dụng trong xử lý vi phạm hành chính, vì vậy cần xem xét, cân nhắc hơn về việc xem xét trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.
70 tuổi trở lên vẫn phải thi hành án tử hình nếu bị kết án
Giảm tử hình là một chủ trương lớn của Đảng được thể hiện trong các nghị quyết về cải cách tư pháp và trong thực tiễn lập pháp hình sự nước ta. Chủ trương này phù hợp với tinh thần bảo vệ các quyền con người, quyền công dân của Hiến pháp năm 2013 và xu hướng hội nhập quốc tế của nước ta.
Xung quanh vấn đề hạn chế hình phạt tử hình, tại phiên thảo luận vào buổi sáng, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội thể hiện sự tán thành với định hướng tiếp tục hạn chế hình phạt tử hình ở cả 3 phương diện: giảm bớt số tội danh có hình phạt tử hình; quy định điều kiện chặt chẽ nhằm hạn chế các trường hợp áp dụng hình phạt tử hình và mở rộng hơn đối tượng bị kết án tử hình nhưng không phải thi hành án tử hình nhằm thể hiện rõ sự khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước ta. Tuy nhiên, về giảm bớt số tội danh có hình phạt tử hình, nhiều ý kiến đề nghị chưa nên bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, Tội chống loài người, Tội phạm chiến tranh vì đây là loại tội nghiêm trọng nhất trong các tội đặc biệt nghiêm trọng và xét về ý nghĩa chính trị, chừng nào còn duy trì hình phạt tử hình thì không nên bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh này.
Về trường hợp không áp dụng, không thi hành án tử hình (Điều 39), Khoản 2 dự thảo quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội từ 70 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử; khoản 3 quy định không thi hành án tử hình nếu người bị kết án từ 70 tuổi trở lên. Qua thảo luận đa số ý kiến cho rằng, trong thực tế, nhiều người ở độ tuổi này vẫn phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, còn có thể là người cầm đầu các tổ chức tội phạm. Nếu quy định không áp dụng, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 70 tuổi trở lên có thể dẫn đến việc lợi dụng để trì hoãn, trốn tránh sự trừng phạt, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Hơn nữa, trong điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như hiện nay, tuổi 70 vẫn còn sức khoẻ, lẽ ra phải là tấm gương để giáo dục con cháu nhưng lại phạm tội, gây nên hình ảnh không tốt nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh./.
Theo TTXVN