Ngày 29-5, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp, buổi sáng, các đại biểu Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán và dự án Luật Phí, lệ phí. Buổi chiều, các đại biểu QH nghiên cứu tài liệu.
Bảo đảm minh bạch tài chính
Thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán, đại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hóa) và nhiều đại biểu đồng tình với nội dung sửa đổi, bổ sung những quy định về chế độ báo cáo tài chính minh bạch.
Góp ý với quy định trình độ của kế toán, đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp) cho rằng, thực tế hiện nay, hầu hết doanh nghiệp nhỏ chỉ có 10 đến 20 lao động, nếu quy định kế toán phải có trình độ đại học trở lên sẽ rất khó thu hút nhân lực. Quy định như vậy là cần thiết, nhưng phải có lộ trình thực hiện. Đề cập những quy định về lập sổ kế toán, đại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hóa) cho rằng, cần nghiên cứu, đưa quy định cấm lập hai sổ kế toán trở lên từ luật hiện hành vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm tính trung thực, minh bạch trong tài chính doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp lập hai sổ, thậm chí là ba loại sổ, trong đó một sổ để đối phó cơ quan Nhà nước, sổ khác báo cáo người lao động và một loại để thông báo nội bộ biết thực trạng tài chính... Đó là thực trạng mà luật cần xử lý bằng những quy định cụ thể, nếu không, số liệu kế toán sẽ sai lệch với hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán (Điều 55), đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) và một số đại biểu cho rằng: Nên bỏ hẳn quy định về đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán để tạo điều kiện cho người lao động làm việc, vì họ được quản lý bằng chứng chỉ hành nghề và cấp bằng chuyên môn là đủ; nên chuyển trọng tâm sang quản lý các doanh nghiệp dịch vụ kế toán.
Cần phân cấp thu phí, lệ phí cho phù hợp thực tế
Thảo luận về dự án Luật Phí, lệ phí, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) và đa số đại biểu nhất trí với việc cần thiết ban hành Luật Phí, lệ phí, nhằm khắc phục tồn tại của Pháp lệnh Phí, lệ phí hiện hành; đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, phù hợp với Chiến lược cải cách thuế. Dự thảo Luật Phí, lệ phí cần bảo đảm minh bạch, công bằng cho công dân.
Đề cập nguyên tắc xác định mức thu phí, lệ phí, đại biểu Đặng Ngọc Quỳnh (Hưng Yên) cho rằng, quy định của dự thảo là thu phí, lệ phí phải bảo đảm bù đắp mức chi và có lợi nhuận là chưa hợp lý. Bởi, đối với những khoản lệ phí mang tính chất dịch vụ công không phải là kinh doanh, do các cơ quan Nhà nước thực hiện thì không nên quy định có lợi nhuận.
Đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) đề nghị, cơ quan soạn thảo cần rà soát các nội dung bổ sung, sửa đổi, nhất là những quy định về danh mục phí, lệ phí cho thống nhất với hệ thống pháp luật. Luật không nên để Chính phủ quy định chi tiết phí, lệ phí mà nên quy định cụ thể ngay trong Luật để mỗi tổ chức, doanh nghiệp và người dân thực hiện. Theo một số đại biểu, Luật nên quy định phí, lệ phí cần phải nộp vào ngân sách Nhà nước, không nên trích một phần thu phí để lại, như vậy dễ nảy sinh tiêu cực, cơ chế xin cho. Đồng thời, cần phân cấp cụ thể cho Trung ương, địa phương thu phí, lệ phí cho phù hợp thực tế...
Thứ bảy, ngày 30-5 và chủ nhật, ngày 31-5-2015, Quốc hội nghỉ làm việc. Thứ hai, ngày 1-6-2015, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường./.
Theo Nhân dân