Ngày 27-5, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp, buổi sáng, các đại biểu Quốc hội (QH) nghe Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, nghe Ủy ban Tư pháp của QH trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật này. Các đại biểu thảo luận ở hội trường về: Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và Điều 60 của Luật BHXH năm 2014; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015. Buổi chiều, QH thảo luật ở tổ về dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).
Đầu giờ làm việc buổi sáng, QH nghe Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Theo đó, ngày 20-8-2004, Ủy ban Thường vụ QH ban hành Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004. Thực tế cho thấy, Pháp lệnh này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả điều tra hình sự, như: còn có nhiều quy định chung cho nên khi thực hiện phải có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, một số quy định về thẩm quyền điều tra, quan hệ phối hợp trong hoạt động điều tra, quan hệ giữa Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát, quy định về điều tra viên... chưa cụ thể. Pháp lệnh chưa có quy định về quản lý công tác điều tra hình sự dẫn đến tình trạng bộ, ngành nào tổ chức, quản lý Cơ quan điều tra thì bộ, ngành đó ban hành văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ điều tra, về bổ nhiệm, miễn nhiệm điều tra viên khiến thiếu tính thống nhất trong chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động điều tra hình sự.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho biết: Còn một số vấn đề quan trọng được sửa đổi trong dự thảo Luật, có nhiều ý kiến khác nhau nhưng chưa được nêu trong Tờ trình như bổ sung: đổi tên một số cơ quan điều tra chuyên trách, trách nhiệm của công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, cán bộ điều tra...; Báo cáo tổng kết chưa nêu được thực trạng và những mặt hạn chế cần khắc phục của các cơ quan điều tra. Ủy ban Tư pháp đề nghị Cơ quan soạn thảo cần hoàn thiện thêm Báo cáo này trước khi trình QH.
Các đại biểu đề nghị QH ưu tiên hàng đầu ban hành các dự án Luật để tiếp tục thi hành Hiến pháp năm 2013. Trong đó sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các dự án về kinh tế, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đặc biệt ưu tiên đưa vào chương trình những dự án Luật thuộc chương trình nhiệm kỳ QH khóa XIII đã thông qua.
Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 là nội dung được nhiều đại biểu QH quan tâm, đóng góp ý kiến. Hầu hết đại biểu khẳng định: Quá trình xây dựng Luật BHXH năm 2014 chặt chẽ, tuân thủ nghiêm túc các quy trình, quy định của pháp luật. Điều 60 của Luật tiến bộ và có nhiều điểm mới so với Luật BHXH năm 2006, trong đó tập trung bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động khi tham gia BHXH, chăm sóc, hỗ trợ cuộc sống của người lao động khi về già... Đây là một chính sách ưu việt và xu thế phát triển chung của thế giới.
Chia sẻ lo lắng, băn khoăn của người lao động về quy định trong Điều 60 của Luật BHXH năm 2014, một số đại biểu kiến nghị người lao động có quyền lựa chọn hình thức tham gia BHXH và việc hưởng thụ theo mong muốn của họ. QH nên ra Nghị quyết tiếp tục kéo dài điểm C, khoản 1, Điều 55 của Luật BHXH năm 2006 để đáp ứng nhu cầu chính đáng của một bộ phận người lao động. Có ý kiến đề nghị, cần điều chỉnh Điều 60 để đáp ứng nhu cầu và quyền lợi chính đáng của người lao động. Tuy nhiên, việc điều chỉnh cần được thực hiện đúng quy trình, quy định...
Nhiều đại biểu QH phân tích rõ những điểm mới, ưu việt của Điều 60 Luật BHXH năm 2014 so với Luật BHXH năm 2006, đồng thời bày tỏ băn khoăn, lo lắng cho một bộ phận người lao động muốn hưởng BHXH một lần để giải quyết khó khăn trước mắt. Điều đó có nghĩa là họ không thể đồng hành cùng chính sách BHXH, an sinh xã hội của Nhà nước, đồng thời khó nhận được hỗ trợ, bảo hiểm khi về già. Nhiều đại biểu đề nghị, các cơ quan chức năng cần triển khai khảo sát kỹ lưỡng mong muốn của người lao động để nắm rõ hơn nữa thực tế, kết hợp công tác tuyên truyền sâu sắc, cụ thể những điểm mới hướng về quyền lợi của người lao động trong Điều 60 của Luật BHXH. Từ đó, có những quyết định hợp lý về vấn đề này. Có đại biểu đề nghị, vì Luật BHXH năm 2014 chưa có hiệu lực thi hành, cho nên tại kỳ họp lần này, QH chưa nhất thiết phải thông qua việc điều chỉnh Luật hay ra nghị quyết mà dành thời gian nghiên cứu, khảo sát thực tế, có báo cáo, phân tích tổng hợp để trình QH xem xét vào kỳ họp cuối năm nay.
Thảo luận về Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), một số đại biểu tán thành với việc dự thảo quy định "Bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can" để tăng hiệu quả chống bức cung, dùng nhục hình. Tuy nhiên, một số đại biểu không tán thành quy định này. Các đại biểu lý giải, thực tiễn cho thấy trong trường hợp phạm tội quả tang, các vụ án chứng cứ đơn giản, rõ ràng và bị can đã nhận tội thì quy định hiện hành về hoạt động hỏi cung sẽ không có vướng mắc. Còn việc bức cung, nhục hình (nếu có) thường xảy ra trước khi khởi tố bị can hoặc trong trường hợp phạm tội không quả tang và trong những vụ án phức tạp mà bị can không nhận tội, đổ tội cho nhau. Để bảo đảm phù hợp thực tiễn, tránh phát sinh thủ tục rườm rà, đề nghị quy định theo hướng: trong trường hợp phạm tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù chung thân, tử hình hoặc trong trường hợp cần thiết khác thì cùng với việc lập biên bản phải ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung bị can.
Cơ bản tán thành việc mở rộng chủ thể thu thập chứng cứ với người bào chữa có quyền thu thập chứng cứ thay vì chỉ có quyền thu thập tài liệu, đồ vật như quy định hiện hành, nhưng nhiều đại biểu đề nghị, quy định rõ hơn cách thức thu thập chứng cứ của người bào chữa. Luật sư không được tiến hành các biện pháp điều tra như cơ quan điều tra vì trách nhiệm chứng minh của hai chủ thể này trong hoạt động tố tụng hình sự là khác nhau. Về bảo đảm quyền bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong trường hợp bắt buộc phải mời người bào chữa, nhiều ý kiến tán thành việc mở rộng trường hợp bắt buộc phải mời người bào chữa cho bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù chung thân, tử hình thay vì chỉ có hình phạt tử hình như hiện hành để bảo đảm tính khả thi, phù hợp điều kiện của nước ta. Cũng có ý kiến đề nghị, mở rộng trường hợp bắt buộc phải mời người bào chữa cho bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định 15 năm tù trở lên. Nhiều đại biểu cho rằng, thủ tục cấp giấy đăng ký người bào chữa thời gian qua còn một số bất cập, do đó, cần thay quy định thủ tục theo hướng đơn giản, thuận lợi hơn. Cụ thể, trong thời hạn 12 giờ, đối với trường hợp bào chữa cho người bị tạm giữ, 24 giờ đối với bị can, bị cáo kể từ khi có đề nghị của người bào chữa và họ xuất trình đủ giấy tờ theo luật định thì điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán được phân công thụ lý chính đối với vụ án phải cấp Giấy đăng ký người bào chữa cho họ. Thảo luận về tranh tụng trong xét xử, một số đại biểu đề nghị cân nhắc hợp lý trình tự xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa để bảo đảm tính khả thi, nâng cao chất lượng tranh tụng và chất lượng xét xử.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, QH khoá XIII, sáng 28-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu QH làm việc tại hội trường nghe trình bày Dự án Luật trưng cầu ý dân; Báo cáo thẩm tra dự án Luật Trưng cầu ý dân; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và tập trung thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Trưng cầu ý dân, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành luật nhằm kịp thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý cho người dân tham gia vào các công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước. Theo Báo cáo thẩm tra, dự án Luật Trưng cầu ý dân đã được chỉnh lý, hoàn thiện, làm rõ nhiều vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh như: bổ sung quy định về những trường hợp không tổ chức trưng cầu ý dân, bổ sung thẩm quyền, trách nhiệm của QH, Ủy ban Thường vụ QH trong việc trưng cầu ý dân…
Dự thảo Luật đã điều chỉnh việc trưng cầu ý dân; nguyên tắc trưng cầu ý dân; những vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân; quyền đề nghị trưng cầu ý dân; thẩm quyền quyết định và tổ chức trưng cầu ý dân; trình tự, thủ tục tổ chức trưng cầu ý dân; kết quả và hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân. Đối với vấn đề đề nghị QH quyết định trưng cầu ý dân (Điều 6), theo Báo cáo thẩm tra để như dự thảo Luật, tuy vậy một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa, như cần chỉnh lý lại quy định của dự thảo theo hướng QH có thể quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp thay cho “những vấn đề về Hiến pháp” để bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 120 của Hiến pháp năm 2013. Về phạm vi trưng cầu ý dân (Điều 7), dự thảo Luật quy định các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước để thống nhất với thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân là thuộc về QH đã được quy định trong Hiến pháp và Luật Tổ chức QH; đồng thời phù hợp với nguyên tắc các vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân phải là các vấn đề có tầm quan trọng lớn, ảnh hưởng đến lợi ích chung của quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của đông đảo nhân dân trong xã hội.
Đối với vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân ở một số địa phương hoặc vùng lãnh thổ nhất định, hiện nay pháp luật đã quy định cơ chế bảo đảm có sự tham gia ý kiến của người dân trực tiếp chịu tác động (ví dụ như việc cần lấy ý kiến của nhân dân địa phương trong trường hợp nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, lấy ý kiến nhân dân về xây dựng nhà máy điện hạt nhân…). Tính chất và giá trị pháp lý của các hình thức lấy ý kiến nhân dân theo nhóm đối tượng hay địa bàn này khác so với trưng cầu ý dân thực hiện trên quy mô toàn quốc. Do đó, đề nghị trong luật chỉ quy định phạm vi trưng cầu ý dân trên toàn quốc mà không tiến hành ở phạm vi địa phương.
Ngoài ra, tại Báo cáo thẩm tra dự án Luật Trưng cầu ý dân, các nội dung như: Chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân (Điều 13); Cơ quan, tổ chức phụ trách trưng cầu ý dân (từ Điều 20 đến Điều 25); Kết quả trưng cầu ý dân (Điều 51) hay Giải quyết khiếu nại về kết quả trưng cầu ý dân cũng được làm rõ.
Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban KH và CN của QH Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, đa số các đại biểu đồng ý với nội dung của báo cáo thẩm tra. Tuy nhiên để hoàn thiện Dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận 8 nhóm vấn đề gồm: Phạm vi điều chỉnh và tên gọi của luật; Giải thích từ ngữ (Điều 3) cho đầy đủ, rõ ràng, cụ thể hơn để các quy định của luật bảo đảm tính khả thi như: “Vùng bờ”, “Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ”, “Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo”, “Sự cố tràn dầu, hóa chất độc”, “Quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo”; “Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo” (Chương II); Điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (Chương III); Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ (Chương IV); Quản lý tài nguyên hải đảo (Chương V); Ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển (mục 2, Chương VI); Nhận chìm ở biển (mục 3, Chương VI); Trách nhiệm quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (Chương IX). Liên quan đến 8 nhóm vấn đề, đại biểu Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang (TP Hồ Chí Minh) khẳng định: Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý tổng hợp và thống nhất tài nguyên môi trường biển và hải đảo, kết hợp nhiều ngành nhiều lĩnh vực trên cơ sở một đầu mối. Phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã được nhiều nước có biển sử dụng. Đây là phương thức quản lý còn khá mới, nên việc thiết lập, thể chế hoá thành luật rất cần điều chỉnh tên gọi dự án Luật quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, có như vậy mới làm rõ được tính định hướng, mục tiêu của việc ban hành luật cũng như thấy được sự khác biệt cũng như tính bao trùm của luật trong các luật chuyên ngành khác liên quan đến biển.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, trong dự thảo luật, vai trò của người dân, doanh nghiệp trong việc tham gia khai thác, quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo khá mờ nhạt, việc phân cấp cho các địa phương có biển trong hoạt động liên quan đến lĩnh vực này chưa được đề cập nên cần xem xét bổ sung. Một số đại biểu khẳng định, việc ban hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là cần thiết và đồng tình với các nội dung nêu trong báo cáo thẩm tra. Đối với Điều 4 của dự án Luật cần bổ sung thêm cụm từ "Nhà nước chịu trách nhiệm về quy hoạch tổng thể biển, hải đảo", vì việc quy hoạch tổng thể biển và hải đảo rất quan trọng và sau khi có quy hoạch tổng thể về biển và hải đảo, lúc đó mới phân cho các chuyên ngành làm quy hoạch chuyên ngành. Ngoài ra, thực tế việc quản lý tài nguyên biển và thềm lục địa bị chia nhỏ do Bộ TN và MT quản lý một mảng, Bộ NN và PTNT quản lý một mảng, Bộ GTVT một mảng, Bộ Quốc phòng một mảng hay Bộ Công an một mảng... Việc phân cấp để quản lý chuyên sâu cũng tốt nhưng sự phối hợp giữa các bộ cũng chưa tốt, còn chồng chéo nên để thực hiện tốt Điều 5 của luật, Chính phủ nên nghiên cứu cho thành lập Bộ Kinh tế biển để khai thác, quản lý một cách có hiệu quả nhất ngành và lĩnh vực kinh tế này, bởi ngành kinh tế biển đóng góp khoảng hơn 50% GDP của cả nước.
Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị phải rà soát lại các nội dung, phạm vi, làm rõ quyền, nghĩa vụ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đối việc bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, đảo.
Những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường cùng Ban soạn thảo, Bộ TN và MT phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu và hoàn thiện phù hợp với phạm vi điều chỉnh đã thảo luận./.
PV