Ngày 22-5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) khóa XIII tiến hành ngày làm việc thứ 3. Các đại biểu QH thảo luận các nội dung liên quan trực tiếp công tác xây dựng pháp luật, như: Dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2016, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015; xem xét, điều chỉnh Điều 60 của Luật BHXH năm 2014; Dự án Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND; nghe Tờ trình của Chính phủ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán và thảo luận về một số nội dung của dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).
Thảo luận tại tổ về đề xuất của Chính phủ sửa Điều 60 Luật BHXH năm 2014, các đại biểu QH đề xuất nhiều quan điểm khác nhau chung quanh nội dung này. Một số ý kiến tán thành với chủ trương sửa đổi Điều 60 nhằm đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận người lao động. Theo các đại biểu, làm luật cần gắn với thực tiễn, dù là phương án hưởng bảo hiểm một lần hay hưởng lâu dài nhưng nên để người lao động có sự lựa chọn.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), người lao động hiểu quyền và lợi ích trong việc hưởng chế độ BHXH một lần hoặc bảo lưu để hưởng lương hưu, nhưng nhiều trường hợp người lao động muốn hưởng một lần để giải quyết khó khăn trước mắt. Đây là nguyện vọng chính đáng của người lao động và cần phải được xem xét. Tán thành với quan điểm nêu trên, các đại biểu Trần Thanh Hải, Ngô Ngọc Bình (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đây không phải chỉ là nguyện vọng của công nhân một Cty tại Thành phố Hồ Chí Minh, mà là mong muốn của người lao động ở nhiều địa phương, thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, bao gồm cả giáo viên mầm non, nhân viên y tế... Nhiều ý kiến đề nghị, QH cần nghiên cứu sửa đổi Điều 60 bảo đảm tính lâu dài, chứ không chỉ là sửa đổi để thực hiện trong thời gian "trước mắt".
Một số ý kiến đề nghị cần có biện pháp phù hợp hơn, vì luật chưa có hiệu lực thi hành, cho nên chưa thể đánh giá toàn diện tác động đối với xã hội. Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) đề xuất hai phương án. Một là sửa Điều 60 Luật BHXH như đề xuất của Chính phủ. Hai là, không sửa Điều 60 của Luật BHXH mà QH sẽ ra nghị quyết tạm dừng thi hành điểm a, khoản 1, Điều 60 và điểm a, khoản 1, Điều 77 Luật BHXH năm 2014 áp dụng theo quy định cũ để chờ khi sửa luật này. Cùng chung quan điểm, các đại biểu Trần Văn Bàn (Bình Định), Nguyễn Văn Khánh (Đồng Nai) cho rằng, nên nghiên cứu đánh giá tác động toàn diện của Điều 60 đối với đời sống xã hội, trước khi xem xét sửa đổi. Tránh tình trạng, sau khi sửa đổi lại phát sinh những vấn đề mới.
Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, thảo luận dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2016, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015, nhiều đại biểu kiến nghị, QH cần đặc biệt quan tâm chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật khi ban hành, tránh tình trạng xây dựng và thông qua luật để đáp ứng tiến độ, kế hoạch đề ra, nhưng không bảo đảm chất lượng. Công tác xây dựng pháp luật hiện nay trong nhiều trường hợp còn xa rời thực tiễn, như việc phải xem xét Điều 60 của Luật BHXH là do trong quá trình xây dựng luật, cơ quan soạn thảo và bản thân các đại biểu QH chưa nắm bắt hết nhu cầu, nguyện vọng của người lao động. Do vậy, công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới cần có sự cải tiến căn bản, nhất là việc lấy ý kiến của các đối tượng trực tiếp được điều chỉnh bởi các quy định trong luật, nhằm hoàn thiện và tạo thuận lợi khi áp dụng phải được đặc biệt quan tâm.
Thảo luận dự thảo Luật Ban hành VBQPPL, về thẩm quyền ban hành của HĐND và UBND cấp huyện, cấp xã, có ý kiến đề nghị không quy định các cấp này được ban hành văn bản, vì thực tế thời gian qua, ở nhiều địa phương đã không ban hành VBQPPL hoặc nếu ban hành thì có nhiều văn bản của cấp huyện, cấp xã thường sao chép lại văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, thậm chí là không phù hợp văn bản của cơ quan cấp trên... Vì vậy, không nên quy định cấp xã ban hành VBQPPL.
Tuy nhiên, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) và một số đại biểu cho rằng, nên quy định cấp huyện, cấp xã được ban hành VBQPPL. Bởi vì, để bảo đảm chính quyền cấp huyện, cấp xã thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phù hợp đặc điểm của địa phương thì việc giao cho các cấp chính quyền này thẩm quyền ban hành VBQPPL là cần thiết. Đây là công cụ quan trọng để chính quyền các cấp này thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước theo luật định. Đại biểu Trần Hồng Thắm (TP Cần Thơ) cho rằng, để khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc ban hành VBQPPL của cấp huyện, cấp xã như thời gian qua, dự thảo Luật cần quy định rõ phạm vi, thẩm quyền và hình thức văn bản; quy định chặt chẽ quy trình ban hành VBQPPL của các cấp chính quyền này và đồng bộ, thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Một số ý kiến cho rằng, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng là một loại hình đơn vị hành chính được quy định tại Điều 110 của Hiến pháp. Tuy nhiên, mô hình về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt hiện nay đang được nghiên cứu, chưa rõ là sẽ thuộc cấp hành chính nào. Do đó, dự thảo Luật chỉ nên quy định chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có thẩm quyền ban hành VBQPPL; còn thẩm quyền, hình thức văn bản sẽ căn cứ vào mô hình tổ chức của chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt khi QH quyết định thành lập.
Các đại biểu QH đã nghe Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán cho biết: Dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng... Tuy nhiên, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá sâu sắc về quá trình thực thi Luật, đề xuất các nội dung sửa đổi căn bản, toàn diện hơn, xác định đầy đủ các nội dung chưa được quy định ở Luật Kế toán hiện hành để có quy định bao quát các vấn đề phát sinh trong thực tiễn liên quan công tác kế toán, bảo đảm tính ổn định và đời sống lâu dài của Luật.
Ngày 23-5, ngày làm việc thứ 4 của Kỳ họp thứ 9, QH khóa XIII. Buổi sáng, QH thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi). Buổi chiều, QH nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Tạm giữ, tạm giam; thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thú y. Trong phiên làm việc buổi chiều, QH đón Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun đến thăm và nói chuyện.
Thảo luận tại tổ, đa số các đại biểu cơ bản nhất trí cao với việc cần thiết sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự. Kết quả tổng kết 10 năm thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự cho thấy, các quy định hiện hành bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập cần được khắc phục, như các quy định về thẩm quyền xét xử của tòa án chưa hợp lý; quy định về chứng cứ, cung cấp và thu thập chứng cứ chưa bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Tuy nhiên, các đại biểu lưu ý, cần làm rõ lý do của việc sửa đổi và chỉ sửa đổi, bổ sung các vấn đề thật sự cần thiết, khắc phục những bất cập, hạn chế của các quy định hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn xét xử các loại án dân sự hiện nay ở nước ta.
Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội), Lê Nam (Thanh Hóa) và nhiều đại biểu khác đồng tình quan điểm sửa đổi về quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp quy định tại Khoản 2, Điều 4, "Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng". Các đại biểu cho rằng, việc bổ sung quy định này là cần thiết, nhằm bảo đảm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về tòa án thực hiện quyền tư pháp. Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, do vậy, đối với những tranh chấp dân sự mà luật không quy định thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giải quyết thì tòa án phải đứng ra giải quyết. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) và một số đại biểu khác không đồng tình với quy định này, cho rằng, TAND xét xử các vụ án, giải quyết các vụ việc trên cơ sở các quy định của Hiến pháp và pháp luật, do vậy quy định như dự thảo là không phù hợp.
Thảo luận về công nhận kết quả hòa giải ngoài tòa án, đa số đại biểu tán thành với việc luật hóa theo định hướng Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 "khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông thường qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó". Việc thể chế hóa này bảo đảm làm tăng giá trị của việc hòa giải, khuyến khích việc tham gia hòa giải, giảm bớt vụ việc khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị, dự thảo cần quy định cụ thể những loại kết quả hòa giải ngoài tòa án nào được yêu cầu tòa án công nhận, cũng như có những quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, giá trị pháp lý và việc thi hành quyết định công nhận hòa giải ngoài tòa án.
Trong phiên làm việc buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang thay mặt Chính phủ đọc Tờ trình dự án Luật Tạm giữ, tạm giam. Dự án luật đã được xây dựng trên cơ sở tổng kết 16 năm thực hiện Quy chế về tạm giữ, tạm giam; nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm nước ngoài; đánh giá tác động và lấy ý kiến các cơ quan có liên quan... Tờ trình nêu rõ, quy định của pháp luật hiện hành về chế độ quản lý giam giữ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam chưa cụ thể (đặc biệt là việc thăm gặp thân nhân, người bào chữa, việc thực hiện các quyền nhân thân, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tạm giữ, tạm giam...); chế độ ăn, mặc, ở, khám, chữa bệnh còn chưa phù hợp điều kiện thực tế.
Tổ chức bộ máy và cơ chế quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ được điều chỉnh bởi nhiều văn bản khác nhau, chưa có sự thống nhất; đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng...
Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Tạm giam, tạm giữ của Ủy ban Tư pháp của QH, nêu rõ: Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, những người này chưa bị coi là có tội nên ngoài việc hạn chế một số quyền con người, quyền công dân như quyền tự do đi lại, cư trú, quyền bầu cử, ứng cử... thì các quyền khác của họ phải được bảo đảm, như quyền được sống, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, chăm sóc y tế, quyền được tiếp cận thông tin, quyền được gặp luật sư, người bào chữa, người thân và một số quyền dân sự khác... Tuy nhiên, trong dự thảo Luật thì các quyền của người bị tạm giữ, tạm giam còn quy định tản mạn, có tính chất liệt kê, chưa đầy đủ. Do đó, dự thảo Luật chỉ nên quy định theo hướng hạn chế một số quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, còn các quyền khác nếu không bị hạn chế thì vẫn được bảo đảm thực hiện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Thú y.
* Tại phiên làm việc buổi chiều, QH đón Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun tới thăm và nói chuyện.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Tổng Thư ký LHQ cho rằng, đây là vinh dự lớn đối với ông, đồng thời đánh giá cao vai trò của QH Việt Nam, đặc biệt là việc tổ chức thành công sự kiện Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU 132) với nhiều nội dung quan trọng được bàn thảo, thông qua liên quan đến tiến trình phát triển toàn cầu.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-Mun phát biểu tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: TTXVN |
Đánh giá cao thành tựu trong việc hoàn thành các mục tiêu Thiên niên kỷ của Việt Nam, Tổng Thư ký LHQ cho rằng, Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc hoàn thành các mục tiêu này, do đó, với nhiều kinh nghiệm phát triển, người dân tài năng, chắc chắn Việt Nam cũng sẽ là quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Đề cập đến những nguy cơ hiện hữu đang đe dọa hòa bình, an ninh toàn cầu, những vấn đề nhân đạo mà thế giới đang phải đối mặt, Tổng Thư ký Ban Ki Mun khẳng định, để vượt qua thử thách này, cần có sự đoàn kết trên toàn cầu, như một gia đình chung của nhân loại.
Ghi nhận và đánh giá cao sự tham gia của Việt Nam vào hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, Ngài Tổng Thư ký bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với LHQ trong hoạt động này.
Thay mặt QH, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng trân trọng cảm ơn các tổ chức thành viên LHQ và Ngài Tổng Thư ký đã luôn hợp tác, giúp đỡ, cùng với Việt Nam xây dựng và thực thi các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đồng thời khẳng định, trên tinh thần tôn trọng quyền con người, quyền dân chủ, quyền độc lập tự do của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam luôn chủ động tham gia tích cực vào các tổ chức của LHQ và của Liên minh nghị viện thế giới mà thành công của Đại hội đồng IPU lần thứ 132 với Tuyên bố Hà Nội vừa qua là một minh chứng cụ thể. QH và nhân dân Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức mình để hoàn thành trách nhiệm của Việt Nam với LHQ.
Chủ nhật, ngày 24-5-2015, QH nghỉ làm việc.
Hôm nay, thứ hai, ngày 25-5-2015 buổi sáng, QH họp phiên toàn thể tại hội trường; buổi chiều, QH làm việc ở tổ./.
PV