Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại

08:05, 11/05/2015

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại; thăm cấp Nhà nước Cộng hoà Séc và Cộng hoà A-déc-bai-gian

 

Sáng 9-5, trong không khí cả nước Nga hướng về Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến Điện Krem-lin. Tổng thống Nga Pu-chin đã đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng với nguyên thủ các nước, mời Chủ tịch nước lên vị trí danh dự chứng kiến lễ duyệt binh qua Quảng trường Đỏ, Thủ đô Mát-xcơ-va, Liên bang Nga.

Trước đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân đã dự lễ đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các liệt sĩ vô danh. Đây là nơi tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại với biểu tượng Ngọn lửa Vĩnh cửu trong vườn A-lếch-xan-đrốp-xki, gần Điện Krem-lin.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại cuộc hội đàm với Tổng thống Pu-chin Ảnh: Ria Novosti
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại cuộc hội đàm
với Tổng thống Pu-chin Ảnh: Ria Novosti

Tại buổi lễ, cùng với nguyên thủ các nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ những chiến sĩ Hồng quân Xô viết và quân đồng minh đã ngã xuống vì hòa bình, cứu cả nhân loại thoát ra khỏi cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, thoát khỏi bóng đêm những tội ác của Chủ nghĩa phát xít.

Chủ tịch nước đã dự khán màn diễu binh lớn nhất trong lịch sử nước Nga, với sự tham gia của nhiều quân chủng, binh chủng cùng các trang thiết bị vũ khí nổi tiếng đồng hành cùng quân đội Liên Xô trong chiến tranh vệ quốc trước đây và nước Nga đương đại.

Chia sẻ niềm xúc động và tự hào với các cựu chiến binh Nga, đông đảo người dân có mặt tại Quảng trường Đỏ, Chủ tịch nước cho rằng, thắng lợi vĩ đại trong cuộc đấu tranh tiêu diệt chủ nghĩa phát xít thuộc về tất cả các lực lượng dân chủ tiến bộ trên toàn thế giới, nhưng nếu không có vai trò của Hồng quân, không có sự hy sinh lớn lao của nhân dân Xô viết trong chiến tranh mà người dân Nga gọi là cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, loài người khó thoát khỏi thảm họa diệt vong. Thắng lợi của phe đồng minh tại Thế chiến thứ hai, trong đó quân đội Xô viết đóng vai trò quyết định, đã cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa chủ nghĩa phát xít và góp phần quan trọng gìn giữ nền hòa bình thế giới. Nhân dân toàn thế giới, trong đó có nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và biết ơn nỗ lực anh hùng và sự hy sinh anh dũng của hàng triệu chiến sĩ Hồng quân và người dân Liên Xô trong cuộc đấu tranh đập tan chủ nghĩa phát xít và không bao giờ quên những tổn thất của nhân dân Liên Xô trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt đó.

Thắng lợi của nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh giữ nước đã mở ra con đường giải phóng các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, cổ vũ nhân dân các nước, trong đó có người dân Việt Nam giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Với tầm nhìn sáng suốt, sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự đoàn kết một lòng của dân tộc Việt Nam và sự khích lệ của chiến thắng của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, nhân dân Việt Nam đã Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên và mãi ghi ơn sự giúp đỡ vô tư, chí tình và hào hiệp mà nhân dân Liên Xô anh em đã dành cho chúng tôi trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay luôn được giáo dục về truyền thống vẻ vang của cha ông, về lịch sử dân tộc, về tinh thần quốc tế cao cả và quan hệ gắn bó giữa nhân dân hai nước Việt - Nga. Những ký ức về các chiến công của cha ông trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước luôn được thế hệ trẻ Việt Nam khắc ghi, trân trọng và giữ gìn.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tin tưởng các thế hệ tương lai không quên quá khứ anh hùng, cống hiến sức mình xây dựng hiện tại và hướng tới tương lai tươi sáng của hai đất nước, hai dân tộc, góp phần tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên toàn thế giới.

Trong khuôn khổ dự Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại tại Liên bang Nga, chiều ngày 9-5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hội đàm với Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-chin.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn Tổng thống Pu-chin về lời mời dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng, khẳng định đây là sự kiện lịch sử mang tính thời đại, góp phần đem lại hòa bình cho toàn thế giới, cổ vũ và là tiền đề quan trọng cho cuộc đấu tranh giành độc lập của các dân tộc trên các châu lục Á - Phi - Mỹ La-tinh, trong đó có nhân dân Việt Nam.

Trong không khí hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, hai bên đã trao đổi ý kiến về các vấn đề hợp tác song phương và thống nhất nhiều biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga trong giai đoạn mới.

Về quan hệ chính trị, lãnh đạo hai nước đánh giá cao cơ chế trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao giữa Việt Nam và Nga, góp phần không ngừng tăng cường quan hệ tin cậy giữa hai nước. Hai bên nhất trí tiếp tục trao đổi đoàn các đoàn Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương, tạo thêm động lực thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Về quan hệ kinh tế, lãnh đạo hai nước cho rằng, hợp tác song phương thời gian qua phát triển năng động và hiệu quả. Việc hai bên sẽ ký Hiệp định về khu vực thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu cuối tháng 5-2015 sẽ là bước đột phá nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa kim ngạch song phương lên mức 10 tỷ USD vào năm 2020. Hai bên đánh giá cao hoạt động của các Cty dầu khí hai nước và các liên doanh đang hoạt động tại thềm lục địa Việt Nam và trên lãnh thổ Nga, khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các dự án thăm dò và khai thác dầu khí hiện nay cũng như các dự án mới trong các lĩnh vực chế biến và lọc hóa dầu. Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực đầu tư, tài chính - ngân hàng, hợp tác công nông nghiệp, khai khoáng…

Về quan hệ quốc phòng - an ninh, lãnh đạo hai nước nhất trí hai bên cần tăng cường phối hợp đưa hợp tác trong lĩnh vực này đi vào chiều sâu, hiệu quả, trước hết tích cực triển khai những lĩnh vực hợp tác truyền thống như đào tạo quân nhân, chuyên gia kỹ thuật.

Hai bên đánh giá cao hợp tác giữa các địa phương hai nước thời gian qua, đề nghị các bên chú trọng tăng cường quan hệ trong các lĩnh vực thế mạnh của nhau, trong đó xem xét khả năng thành lập xí nghiệp liên doanh chế biến thuỷ - hải sản và gỗ tại vùng Pri-mô-ri cũng như thành lập KCN nhẹ tại Mát-xcơ-va.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng cảm ơn Tổng thống V.Pu-chin và các cấp chính quyền Nga đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Nga được làm ăn, học tập và sinh sống hợp pháp, hoà nhập xã hội Liên bang Nga.

Chiều ngày 9-5, tại Mát-xcơ-va, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp với Tổng thống Ai Cập Áp-đen Pha-ta An Xi-xi.

Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước đã chúc mừng những thành công của Ai Cập trong công cuộc tái thiết đất nước, ổn định và phát triển kinh tế, khẳng định Việt Nam luôn coi Ai Cập là một đối tác quan trọng tại châu Phi và mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt. Tổng thống Áp-đen Pha-ta An Xi-xi chúc mừng những thành tựu của Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước và mong muốn hai nước triển khai hợp tác trên nhiều lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh và có thể bổ sung cho nhau.

Lãnh đạo hai nước nhất trí sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong các diễn đàn quốc tế và khu vực, trong khuôn khổ hợp tác Nam - Nam và Phong trào Không liên kết và sớm trao đổi đoàn cấp cao.

Cảm ơn Ai Cập là quốc gia đầu tiên ở Bắc Phi công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị hai nước đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư. Đẩy mạnh trao đổi đoàn doanh nghiệp và hoạt động xúc tiến thương mại, thành lập Hội đồng Doanh nghiệp 2 nước, sớm họp Ủy ban hỗn hợp lần 5 tại Hà Nội; qua đó rà soát, ký kết và phê chuẩn một số Hiệp định, thỏa thuận hợp tác giữa hai nước.

Hôm qua (10-5), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng đoàn cấp cao nước ta rời Thủ đô Mát-xcơ-va kết thúc chuyến tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại tại Liên bang Nga, lên đường thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Séc từ ngày 10 đến 13-5 và thăm Cộng hòa A-déc-bai-gian từ 13 đến 15-5 theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Séc Mi-lốt Dê-man và Tổng thống Cộng hòa A-déc-bai-gian I-ham A-li-ép.

Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với các nước bạn bè truyền thống.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước ta tới Cộng hòa Séc và Cộng hòa A-déc-bai-gian sau những biến động tại khu vực Tây Á - Trung và Đông Âu. Là 2 nước có quan hệ hữu nghị truyền thống, trong đó, trước khi tuyên bố độc lập vào ngày 30-8-1991 A-déc-bai-gian nằm trong thành phần Liên bang Xô viết và Tiệp Khắc - Cộng hòa Séc ngày nay là một trong các nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1950.

Trong trái tim mỗi người Việt Nam vẫn luôn ghi đậm những tình cảm chân thành và lòng biết ơn sâu sắc đối với sự giúp đỡ quý báu, hiệu quả mà nhân dân các nước đã dành cho Việt Nam suốt những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Trong 65 năm qua, kể cả khi có biến động trong khu vực những năm đầu 90 thế kỷ trước thì mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc vẫn luôn được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân các nước chung tay vun đắp trên cơ sở tin cậy, hiểu biết và giúp đỡ lẫn nhau. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp. Những năm gần đây, thương mại giữa Việt Nam và Séc được chú trọng đẩy mạnh. Đặc biệt, năm 2012, Việt Nam được Séc chọn vào danh sách 12 thị trường ưu tiên trong Chiến lược xuất khẩu quốc gia giai đoạn 2012-2020 và là nước duy nhất trong khu vực ASEAN.

Tính đến nay, Séc có 36 dự án đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ 42 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Séc thường xuyên tham gia các Hội nghị quốc tế tài trợ cho Việt Nam và là nước Đông Âu đầu tiên liên tục cấp ODA cho Việt  Nam.

Hai bên cũng đã ký Chương trình hợp tác giáo dục giai đoạn 2008-2011 nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Séc tháng vào 3-2008. Năm 2007, hai bên đã trao đổi dự thảo Bản ghi nhớ về hợp tác du lịch giữa Bộ VH, TT và DL Việt Nam và Bộ Phát triển vùng của Séc.

Hiện nay tại Séc có khoảng hơn 60 nghìn người Việt Nam sinh sống và nổi bật ngày 3-7-2013, Chính phủ Séc đã quyết định bổ sung đại diện người Séc gốc Việt vào Hội đồng Dân tộc thiểu số, qua đó công nhận sự tồn tại của người Séc gốc Việt như một dân tộc thiểu số tại Séc.

Với A-déc-bai-gian, Việt Nam chính thức công nhận độc lập vào ngày 27-12-1991; hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23-9-1992. Kế thừa truyền thống hợp tác tốt đẹp giữa hai nước những năm khi còn là thành viên của Liên Xô, A-déc-bai-gian đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều sinh viên, cán bộ có trình độ cao, nhất là trong ngành Dầu khí. Đây là lĩnh vực tiềm năng Việt Nam có thể thúc đẩy hợp tác với A-déc-bai-gian.

Hai nước cũng đã có những hiệp định đã ký kết như: Hiệp định miễn thị thực cho công dân mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ (ký tháng 4-2010); Hiệp định liên Chính phủ trong lĩnh vực hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật (ký tháng 5-2014); Hiệp định liên Chính phủ về tránh đánh thuế hai lần (ký tháng 5-2014); Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (ký tháng 4-2010).

Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, phối hợp hành động tại LHQ và các diễn đàn quốc tế. Về đầu tư trong những năm gần đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã chủ động tìm kiếm cơ hội, tăng cường quan hệ với đối tác A-déc-bai-gian trong lĩnh vực dầu khí, mở Văn phòng đại diện thường trực tại A-déc-bai-gian từ năm 2011. Hợp tác kinh tế thương mại, giữa hai nước đã có bước phát triển đạt 422 triệu USD năm 2014.

Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập và hợp tác ngày càng mạnh mẽ thì những bước phát triển vừa qua; nhất là trong lĩnh vực kinh tế thương mại còn chưa tương xứng với tiềm năng cũng như mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam với A-déc-bai-gian và Cộng hòa Séc.

Chúng ta tin tưởng rằng, kế thừa và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lần này sẽ góp phần củng cố, đưa các mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với A-déc-bai-gian và Cộng hòa Séc lên tầm cao mới, đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng mỗi nước, vì hòa bình, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới./.

Theo TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com