Ngày 24-3, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) họp báo công bố Báo cáo triển vọng phát triển châu Á năm 2015, trong đó dự báo năm 2015, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,1%; năm 2016 sẽ tăng trưởng khoảng 6,2%.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Tô-mô-y-u-ki Ki-mu-ra - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, mặc dù kinh tế Việt Nam có cải thiện nhưng các yếu tố mang tính cơ cấu sẽ ngăn cản Việt Nam phát huy tối đa tiềm năng tăng trưởng. Báo cáo triển vọng phát triển châu Á năm 2015 nhấn mạnh, trong ngắn hạn Việt Nam cần ưu tiên tăng cường hệ thống ngân hàng, vạch chiến lược rõ ràng giải quyết vấn đề nợ xấu, tăng cường cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước và thúc đẩy việc thoái vốn khỏi các doanh nghiệp này. Báo cáo nhận định, khu vực tư nhân là động lực chính giải phóng tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu để khai thác tối đa tiềm năng tăng trưởng.
Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam, chuyên gia kinh tế quốc gia của ADB tại Việt Nam - ông Dominic Mellor cho rằng, tăng trưởng kinh tế được cải thiện nhưng sẽ vẫn ở dưới mức tiềm năng. Lạm phát giảm nhưng vẫn ở mức thấp với dự báo khoảng 2,5% năm 2015 và 4% năm 2016. Thặng dư tài khoản vãng lai dự báo sẽ thu hẹp từ mức 3,1% GDP năm nay xuống 1,5% GDP vào năm tới. Ông Dominic Mellor cho rằng lạm phát giảm, xếp hạng tín nhiệm tăng, triển vọng xuất khẩu hàng hóa chế tác đầy hứa hẹn là các yếu tố cải thiện triển vọng đầu tư, một trong những động lực chính của tăng trưởng ở Việt Nam.
Về những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt, ông Dominic Mellor chia sẻ: Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam nhìn chung vẫn thiếu năng lực tham gia chuỗi cung cấp cho các nhà máy nước ngoài đầu tư. Hiện chỉ có 36% doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạng lưới sản xuất định hướng xuất khẩu, 21% doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính phủ vẫn đang hỗ trợ phát triển công nghiệp theo chiều sâu và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ./.
Theo: TTXVN