Ngành GD và ĐT tỉnh Đác Lắc đang đồng loạt thí điểm và triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án như: Đề án dạy và học ngoại ngữ, chương trình Seqap, dự án Mô hình trường học mới, phương pháp dạy học "Bàn tay nặn bột"... nhằm nâng cao chất lượng giáo dục bậc tiểu học.
Trong đó, thành công nhất là Mô hình trường học mới VNEN, được triển khai thí điểm từ năm học 2011-2012, với 8 lớp học, 242 học sinh. Từ thành công và hiệu quả thu được, mô hình này nhanh chóng được nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Đến năm học 2013-2014, toàn tỉnh có 74 trường tiểu học với 23.585 học sinh (trong đó hơn 6.300 học sinh dân tộc thiểu số) từ lớp 2 đến lớp 5 tham gia mô hình trường học mới.
Để triển khai hiệu quả Mô hình trường học mới, Ban chỉ đạo và Ban Quản lý dự án VNEN của tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, cụ thể hóa các văn bản hướng dẫn cho phù hợp thực tế các trường và địa phương.
Theo đánh giá của ngành GD và ĐT Đác Lắc, Mô hình trường học mới đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học trên địa bàn, đặc biệt là với học sinh dân tộc thiểu số. Kết quả học tập của học sinh các lớp VNEN đã có sự tiến bộ so với khi chưa triển khai, tỷ lệ học sinh yếu của các lớp đều giảm. Bên cạnh đó, nhận thức của phụ huynh và giáo viên về Mô hình trường học mới được nâng lên...
Sơn La: Chú trọng phát triển mạng lưới văn hóa cơ sở
Tỉnh Sơn La hiện có 180 xã trong tổng số 204 xã, phường, thị trấn có NVH hoạt động thường xuyên.
Bên cạnh đó, còn có gần 2.000 NVH bản, hơn 200 thư viện, tủ sách các cấp. Các huyện trong tỉnh duy trì 11 đội thông tin lưu động, 10 liên đội điện ảnh với 26 đội chiếu bóng cơ sở phục vụ đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao ở Sơn La phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La còn chú trọng xây dựng và phát triển hàng trăm đội văn nghệ quần chúng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, giữ gìn văn hóa, nghệ thuật quần chúng, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.
Toàn tỉnh Sơn La hiện có 50 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó có 13 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 37 di tích xếp hạng cấp tỉnh.
Nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc của các dân tộc có nguy cơ thất truyền đã và đang được sưu tầm, phục dựng và phát huy giá trị. UBND tỉnh Sơn La đang chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung rà soát các thiết chế văn hóa; đầu tư xây dựng, sắp xếp trình tự ưu tiên các thiết chế văn hóa còn thiếu dựa trên điều kiện cân đối nguồn vốn của tỉnh; đồng thời làm tốt công tác quy hoạch sử dụng đất, bảo đảm công tác xây dựng các thiết chế văn hóa phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, Sơn La còn chú trọng nghiên cứu, bảo tồn các di sản văn hóa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, có chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân cơ sở./.
Theo Nhân dân