Hội nghị trực tuyến toàn quốc ứng phó với bão mạnh, siêu bão

08:10, 08/10/2014

Ngày 7-10-2014, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác ứng phó với bão mạnh, siêu bão (BM, SB). Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị. Dự hội nghị, tại đầu cầu tỉnh ta có đồng chí Bùi Đức Long, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh; đại diện 3 huyện ven biển Hải Hậu, Nghĩa Hưng và Giao Thủy và các cơ quan liên quan.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị. Ảnh: Minh quyết - TTXVN
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị. Ảnh: Minh quyết - TTXVN

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên hiện tượng BM, SB đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nước ta là một trong những quốc gia có nhiều nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp của BM, SB. Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo của các cơ quan khoa học dự báo tình huống BM, SB và phương án chủ động phòng ngừa, ứng phó với BM, SB để bảo vệ tính mạng nhân dân, tài sản và bảo vệ sản xuất. Theo đó, nước ta có 5 vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp khi có BM, SB gồm: Quảng Ninh - Thanh Hóa; Nghệ An - Thừa Thiên Huế; Đà Nẵng - Bình Định; Phú Yên - Khánh Hòa; Ninh Thuận - Cà Mau. Trong đó vùng ven biển từ Quảng Ninh - Thanh Hóa là vùng có số cơn bão đổ bộ và ảnh hưởng nhiều với tần số trung bình năm từ 1-1,5 cơn. Tính chất của các cơn bão đổ bộ vào những tháng đầu năm; lượng mưa lớn, cường độ bão mạnh và có nguy cơ chịu cường độ bão tới cấp 15, 16 với mức gió mạnh nhất 50-60m/s. Mực nước dâng do bão và thủy triều xảy ra khi có BM, SB tại các khu vực ven biển được chia thành 5 vùng tương ứng với 5 khu vực ảnh hưởng với mức nước dâng cao nhất có thể tới 4,5m và mức nước tổng cộng trong bão có thể xảy ra từ 5,7-6,2m. Khu vực Nghệ An - Thừa Thiên Huế là nơi có nguy cơ xảy ra nước dâng cao nhất. Trước nguy cơ ảnh hưởng lớn của BM, SB các bộ, ngành đã nghiên cứu, dự báo tình huống BM, SB đổ bộ vào đất liền để xây dựng phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản nhân dân và các công trình. Đặc biệt đối với các tàu thuyền đang hoạt động trên biển và các công trình phải chịu tác động của siêu bão tới nhà ở, công trình dân dụng. Các công việc cần triển khai để ứng phó với tình huống BM, SB là: Cảnh báo, theo dõi chặt chẽ diễn biến của siêu bão. Chú ý ảnh hưởng của gió mạnh và ngập lụt do nước dâng khi BM, SB đổ bộ vào bờ là rất rộng và khó xác định chính xác vị trí, đặc biệt là khu vĩ tuyến thấp ở Nam Bộ. Sơ tán toàn bộ tàu thuyền ra khỏi khu vực có khả năng siêu bão đổ bộ. Với những tàu thuyền không kịp sơ tán thì triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn như tháo máy, đánh chìm, kéo lên bờ. Sơ tán triệt để người dân tại khu vực có nguy cơ ảnh hưởng bởi BM, SB. Đặc biệt không để người dân ở trên tàu thuyền, chòi canh, lồng bè nuôi thủy sản, nhà bán kiên cố, nhà kiên cố một tầng ở khu vực ven biển. Triển khai hệ thống thông tin liên lạc, chỉ huy chuyên dụng để sẵn sàng huy động, sử dụng trong điều kiện hệ thống thông tin công cộng không hoạt động, hệ thống điện bị cắt hoàn toàn. Toàn bộ LLVT, xung kích, dân sự trên địa bàn có phương án đảm bảo an toàn cho lực lượng và sẵn sàng huy động ứng cứu khi có yêu cầu. Có phương án sẵn sàng thiết lập cầu hàng không để kết nối với các khu vực xung quanh. Huy động lực lượng ứng phó với thiên tai của quốc gia bố trí tại các khu vực chiến lược để sẵn sàng hỗ trợ địa phương ứng phó với thiên tai. Tổ chức tuyên truyền về tác động của siêu bão, khả năng bảo vệ của đê điều, khu neo đậu tàu thuyền và đặc biệt là dân cư khu vực Nam Bộ và khu vực ít ảnh hưởng của bão. Có phương án đề phòng mưa lũ sau bão như cảnh báo cho dân cư sống ven sông suối, vùng trũng thấp có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét; sơ tán dân cư bảo vệ an toàn; thường trực phương tiện, vật tư tại các trọng điểm xung yếu để sẵn sàng cứu hộ công trình đê điều, hồ đập, công trình PCLB; xả nước đón lũ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; kiểm soát giao thông tại các khu vực bị ngập, bến đò, ngầm qua đường để hướng dẫn người, phương tiện qua lại… Đồng thời sắp xếp những việc cần làm một cách khoa học theo từng giai đoạn của bão: siêu bão gần và trên Biển Đông; siêu bão gần bờ và khẩn cấp; siêu bão đổ bộ vào đất liền và mưa lũ sau bão để đảm bảo hiệu quả phòng tránh ứng phó cao. Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đã phát biểu ý kiến về thuận lợi, khó khăn của địa phương trong việc ứng phó với BM, SB. Đồng thời kiến nghị một số vấn đề liên quan đến việc rà soát quy chế ứng phó với siêu bão; ban hành quy chuẩn đối với các công trình xây dựng ứng phó với siêu bão; gia cố lại các khu vực tránh trú bão, các thương cảng, khu neo đậu sửa chữa… tránh thiệt hại ngay trong khu neo đậu tàu thuyền; sớm xây dựng bản đồ ngập lụt sau bão và nước biển dâng cho các địa phương để đảm bảo an toàn cho đời sống dân cư và các công trình phục vụ sản xuất, phúc lợi xã hội. Xây dựng bản đồ cảnh báo khu vực không an toàn cho dân cư sinh sống. Tăng cường tiềm lực cho các đơn vị tìm kiếm cứu nạn; đảm bảo an toàn hồ đập thủy lợi; trang bị thiết bị định vị vệ tinh cho các tàu cá. Đa dạng các hình thức thông tin liên lạc phục vụ công tác điều hành PCLB-TKCN. Chủ động phương án TKCN sau bão.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao sự nỗ lực của các bộ, ngành trong việc nghiên cứu, đánh giá và đề ra những giải pháp ứng phó với BM, SB. Đồng chí nhấn mạnh trước nguy cơ ảnh hưởng lớn đến tính mạng, tài sản và các công trình công cộng, các bộ, ngành và địa phương cần lập phương án ứng phó với BM, SB cụ thể cho từng đơn vị. Trong đó tập trung làm tốt công tác dự báo, dự tính mức độ ảnh hưởng, thiệt hại cho từng khu vực. Đảm bảo thông tin tuyên truyền phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trước, trong và sau bão. Tiếp tục hỗ trợ các địa phương bổ sung hoàn thiện phương án chi tiết ứng phó với BM, SB. Bộ TN và MT tiếp tục hoàn thiện và công bố phân vùng bão, xác định nguy cơ bão, nước dâng cho dải ven biển Việt Nam; vùng ảnh hưởng của siêu bão đổ bộ vào các vùng miền ven biển và đi sâu vào đất liền; tác động của gió bão đến các công trình cơ sở hạ tầng. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo đối với siêu bão, trong đó tập trung vào nhận định khả năng xuất hiện siêu bão, tính toán phạm vi gió mạnh, nước dâng, mưa lũ sau bão. Bộ NN và PTNT, Ban Chỉ đạo PCLB và TKCN Trung ương ban hành hướng dẫn neo đậu tàu thuyền trong tình huống siêu bão; xây dựng bản đồ ngập lụt do nước biển dâng tại các địa phương. Bộ Xây dựng chủ trì điều chỉnh các quy định và hướng dẫn các địa phương việc xây nhà ở, công trình theo phân vùng bão và điều kiện thiên tai. UBND các huyện, thành phố căn cứ phân vùng bão, xây dựng phương án ứng phó, đặc biệt là phương án sơ tán dân; rà soát, phân loại các công trình, nhà ở có thể đảm bảo an toàn theo cấp gió bão làm cơ sở để xây dựng phương án di dân. Kiểm soát quy hoạch, xây dựng công trình, nhà ở các khu vực ven biển, cửa sông để hạn chế rủi ro thiên tai; đối với công trình, nhà ở hiện có trong khu vực nguy hiểm, nhất là vùng trũng thấp ven biển, cửa sông. Thống kê các vị trí ngầm tràn, đường qua suối, bến đò ngang, đò dọc; có phương án bố trí lực lượng canh gác khi xảy ra mưa bão. Ưu tiên các phương tiện TKCN và các vật tư, phương tiện theo phương án “4 tại chỗ”; đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo ứng phó với BM, SB. Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với biến đổi khí hậu và kỹ năng ứng phó với BM, SB. Tổ chức diễn tập ứng phó với siêu bão ở các cấp, đặc biệt là cấp phường, xã và cộng đồng. Đẩy mạnh việc xây dựng mô hình cộng đồng ứng phó với thiên tai. Chủ động hợp tác quốc tế trong việc ứng phó với sự cố thiên tai. Phấn đấu đến tháng 6-2015, tất cả các địa phương và các bộ, ngành phải có phương án bổ sung ứng phó với BM, SB./.

Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com