Tây Ninh: Kiểm soát vi-rút Ebola tại 5 cửa khẩu trong tỉnh

08:08, 13/08/2014

2 cửa khẩu quốc tế thuộc tỉnh Tây Ninh là Mộc Bài, Xa Mát và 3 cửa khẩu phụ Chàng Riệc, Kà Tum, Tống Lê Chân (nơi thường xuyên diễn ra hoạt động xuất, nhập cảnh của khách quốc tế và cư dân biên giới) trên địa bàn tỉnh đã được bố trí lực lượng làm công tác kiểm dịch về y tế.

Riêng tại 2 cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát, nơi khách quốc tế làm thủ tục nhập cảnh với số lượng lớn, khoảng 1.300-1.500 người/ngày, tỉnh đã trang cấp 3 máy đo thân nhiệt từ xa. Các máy này hoạt động liên tục từ 6 giờ đến 22 giờ/ngày để đo thân nhiệt cho tất cả hành khách nhập cảnh.

Bắt đầu từ 0 giờ ngày 15-8, ngành Y tế Tây Ninh phối hợp với BĐBP các cửa khẩu áp dụng quy chế kiểm tra, lấy tờ khai kiểm dịch y tế đối với hành khách thuộc 4 quốc gia đang có dịch Ebola (Ghi-nê, Li-bê-ri-a, Xi-ê-ra Lê-ôn và Ni-giê-ri-a) và những trường hợp có thời gian đi về từ vùng có dịch trong vòng 21 ngày. Khi phát hiện có trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do vi-rút Ebola, lực lượng chức năng sẽ lấy mẫu gửi về Viện Pát-xtơ (TP Hồ Chí Minh) để xét nghiệm, đồng thời đưa người vào trung tâm y tế địa bàn gần nhất để tiếp tục theo dõi, cách ly, điều trị.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Tây Ninh đã tiến hành kiểm dịch y tế cho 320.644 lượt hành khách từ 65 quốc gia nhập cảnh vào Việt Nam, chưa có trường hợp nào phát hiện dương tính với vi-rút Ebola.

Quảng Bình: Ngôi trường đầu tiên mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp

UBND tỉnh Quảng Bình vừa quyết định đổi tên Trường THPT chuyên Quảng Bình phường Nam Lý, Thành phố Đồng Hới thành Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp. Đây là ngôi trường đầu tiên tại Quảng Bình vinh dự được mang tên vị Đại tướng của dân tộc Việt Nam. Đây là vinh dự to lớn đối với thầy, cô giáo và học sinh của nhà trường. Tự hào được mang tên vị đại tướng kính yêu, thầy và trò của nhà trường hứa sẽ luôn cố gắng dạy tốt, học tốt để xứng đáng với tên gọi mới này.

Điện Biên: Biểu dương những điển hình thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng

Từ năm 2002 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh Điện Biên có 3.952 người chấp hành xong án phạt tù, trong đó có 2.976 người được tạo việc làm, chủ yếu là công việc trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng… Đại đa số người chấp hành xong án phạt tù đều được cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tạo điều kiện để tái hòa nhập cộng đồng, xây dựng cuộc sống mới.

Vừa qua, UBND tỉnh Điện Biên đã công bố quyết định thành lập “Quỹ hoàn lương” nhằm tạo nguồn lực để tiếp tục tổ chức thực hiện tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn toàn tỉnh. Ngay sau khi công bố quyết định, nhiều tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm đã tham gia ủng hộ “Quỹ hoàn lương” với số tiền trên 400 triệu đồng.

Để kịp thời biểu dương và nhân rộng những mô hình, cá nhân điển hình thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, UBND tỉnh Điện Biên đã tặng Bằng khen cho 2 tập thể, 3 cá nhân; Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an tặng Giấy khen 2 tập thể, 5 cá nhân; Công an tỉnh Điện Biên tặng Giấy khen cho 10 tập thể, 4 cá nhân tiêu biểu trong tham gia thực hiện tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com