Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thuỷ sản

07:08, 25/08/2014

Sáng 22-8, tại Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã diễn ra Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh.

Tại Hội nghị, Bộ NN và PTNT, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã giới thiệu 10 Quyết định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 67.

Điểm đáng chú ý là dựa trên các nghiên cứu về nguồn lợi thủy sản biển, chiến lược phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ tới năm 2020, Bộ NN và PTNT đã quy định số lượng tàu đánh bắt xa bờ không vượt qua con số 2.097 tàu và 205 tàu dịch vụ hậu cần cho cả nước. Đồng thời, Bộ cũng phân bổ cụ thể từng địa phương được đóng bao nhiêu tàu cá đánh bắt xa bờ, bao nhiêu tàu dịch vụ hậu cần. Đơn cử, Thành phố Hải Phòng chỉ đóng thêm 36 tàu cá và 6 tàu dịch vụ hậu cần. Tương tự, loại tàu cần đóng thêm của Nam Định là 30 tàu cá, 4 tàu dịch vụ; Bình Định là 280 tàu cá 25 tàu dịch vụ; tỉnh Quảng Ngãi là 172 tàu cá 15 tàu dịch vụ; Phú Yên là 170 tàu cá 20 tàu dịch vụ…

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì Hội nghị.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì Hội nghị.

Tuy nhiên, tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương đều cho rằng qua khảo sát, nhu cầu đóng tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân là rất lớn, vượt quá chỉ tiêu mà Bộ NN và PTNT giao.

Giải đáp mong mỏi của ngư dân, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết không phải ngẫu nhiên Bộ đưa ra con số 2.079 tàu đánh bắt xa bờ: “Sản lượng đánh bắt thủy sản theo quy định là là 2,2 triệu tấn/năm, trong đó đánh bắt gần bờ là 0,8 triệu tấn, còn đánh bắt xa bờ là 1,4 triệu tấn. Con số này là phù hợp, nhưng hiện nay, sản lượng đánh bắt của gần bờ và xa bờ lại ngược nhau. Do đó, cần khuyến khích đánh bắt xa bờ và quan trọng nữa là phải tăng cường chất lượng hải sản bằng việc bảo quản và đưa về ngay đất liền nhờ tàu dịch vụ hậu cần”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh không tăng vô hạn tàu đánh bắt xa bờ và không phải nghề đánh bắt xa bờ nào cũng đẩy mạnh phát triển vì phải đảm bảo phù hợp với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phù hợp với quy hoạch phát triển đội tàu cá đánh bắt xa bờ. Bộ NN và PTNT chỉ đề nghị tăng lượng đánh bắt ở 5 nghề: Câu, vây, rê, chụp và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Về điều kiện cho vay ưu đãi đóng tàu xa bờ, Bộ trưởng Cao Đức Phát đồng tình với kiến nghị của các địa phương và cho biết Bộ NN và PTNT sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn để các địa phương căn cứ thực hiện, xây dựng chương trình đào tạo nghề cho ngư dân, trong đó ưu tiên đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và ngư dân với những kỹ năng đặc thù của mỗi nghề.

Giải đáp thêm về nguyện vọng của các địa phương và ngư dân, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết Nghị định 67 không thể cho ngư dân vay để trả nợ việc đóng tàu sắt trước đây vì sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu nâng cấp, đóng tàu mới theo khoản ngân sách đã được Nhà nước phê duyệt. Bên cạnh đó, Nghị định 67 cũng không hỗ trợ cho hoạt động thu mua, chế biến hải sản mà chỉ phục vụ trực tiếp cho chủ tàu, doanh nghiệp có hoạt động nghề cá.

Trước băn khoăn khi địa phương đã phê duyệt đối tượng ưu đãi đóng tàu cá nhưng ngân hàng thương mại không đồng ý thì phải giải quyết vấn đề này thế nào, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết, khi xét duyệt đối tượng, các địa phương cần tham khảo ý kiến của chi nhánh NHNN. Sau đó chi nhánh NHNN sẽ có chỉ đạo tới từng ngân hàng thương mại tiếp cận với người vay và cho vay.

Ngoài ra, NHNN đã chỉ đạo 5 ngân hàng thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối chủ động tham gia chương trình.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ, phát triển kinh tế biển nói chung và thủy sản nói riêng là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước. Trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phát triển thủy sản với nhiều thành công nhưng cũng không ít thất bại.

Nghị định 67 là chính sách có sự kế thừa những thành quả của các chính sách cũ, đồng thời bổ sung những giải pháp căn cơ, tổ chức lại hoạt động nghề cá, hướng tới đánh bắt xa bờ, tạo bước phát triển đột phá cho ngành thủy sản trong thời gian tới. Do đó Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện chắc chắn, đảm bảo thành công.

Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương chủ động làm thí điểm, sau đó nhân rộng cho vay đóng mới, cải hoán tàu ở khu vực của mình. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc thì phải báo cáo kịp thời để bộ, ngành liên quan tháo gỡ.

Đi vào những yêu cầu cụ thể, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng tình với các giải đáp của lãnh đạo các bộ, đồng thời nêu rõ các thông tư hướng dẫn phải thể hiện rõ ngư dân, chủ tàu là người quyết định hoạt động nghề cá của mình dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của Nhà nước. Theo đó, ngư dân có quyền lựa chọn ngân hàng để vay, được quyền tham gia vào thiết kế mẫu tàu…

Bộ NN và PTNT tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu nguồn lợi thủy sản, các mẫu tàu đánh bắt thủy sản để ngư dân lựa chọn.

Phó Thủ tướng giao Bộ KH và ĐT, Bộ Tài chính khi xây dựng kế hoạch 5 năm (2016-2020) phải đặt chi nguồn lực đầu tư hạ tầng nghề cá cao hơn năm trước. Các địa phương rà soát công trình hạ tầng trọng tâm để Trung ương ứng vốn thực hiện trước.

Sau Hội nghị này, các bộ, ngành tổng hợp các ý kiến, hoàn thiện và ban hành các văn bản hướng dẫn đúng ngày Nghị định 67 có hiệu lực (25-8) và chủ động chỉ đạo cân đối nguồn vốn để thực hiện./.

Theo chinhphu.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com