Bắt đầu từ ngày 7-8 đến giữa tháng 8-2014, lao động Việt Nam làm việc tại Li-bi sẽ được di tản theo 3 hướng chính để về nước: Đường bộ và đường hàng không về biên giới Ai Cập; đường bộ về biên giới Tuy-ni-di; đường thủy và đường hàng không về Thổ Nhĩ Kỳ và Man-ta.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB và XH), tính đến ngày 5-8, đã có 209 lao động Việt Nam rời khỏi Li-bi về nước an toàn và 182/281 lao động ra khỏi khu vực có xung đột là Tri-pô-li và Ben-gia-gi. Số còn lại đang được khẩn trương sơ tán trong vòng 48 giờ tới.
Trước tình hình căng thẳng hiện nay ở Li-bi, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ LĐ-TB và XH tạm dừng đưa lao động sang Li-bi, đồng thời, yêu cầu Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam tại Li-bi theo dõi sát tình hình, chủ động phối hợp chặt chẽ để có phương án, biện pháp bảo đảm an toàn tối đa cho người lao động.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ LĐ-TB và XH chuẩn bị phương án và thời điểm đưa toàn bộ lao động Việt Nam tại Li-bi về nước khi tình hình diễn biến xấu. Ngoài ra, Thủ tướng chỉ đạo Bộ LĐ-TB và XH sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước để mua vé máy bay cho lao động về nước (đối với những trường hợp chủ sử dụng lao động không có khả năng chi trả).
Theo ông đại diện Bộ LĐ-TB và XH, nguồn tiền chuẩn bị để mua vé cho người lao động (với những trường hợp chủ sử dụng lao động không có khả năng chi trả) đã sẵn sàng. Để kết nối với các bên hỗ trợ lao động Việt Nam di tản, ngày 2-8, ông Nguyễn Đức Nam, nguyên Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Li-bi đã sang Li-bi theo chỉ đạo của Bộ LĐ-TB và XH nhằm phối hợp với Đại sứ quán tổ chức chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn và đưa lao động Việt Nam về nước.
Ngoài ra, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và An-giê-ri đã khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng sở tại đề nghị các nước phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để các lao động Việt Nam quá cảnh về nước./.
Theo chinhphu.vn