Sáng 14-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc Phiên họp thứ 29, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Trong phiên họp, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Căn cước công dân và dự án Luật Hộ tịch.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN |
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Phiên họp thứ 29 là phiên họp quan trọng, mở đầu cho các phiên họp của UBTVQH để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Tại phiên họp này, UBTVQH dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Cụ thể, UBTVQH sẽ cho ý kiến về một số dự án luật: dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, đồng thời cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý một số dự án Luật vừa được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 7 như: dự án Luật Căn cước công dân; Luật Hộ tịch; Luật Tổ chức TAND (sửa đổi); Luật Tổ chức Viện KSND (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)… UBTVQH cũng sẽ dành thời gian đánh giá kết quả kỳ họp thứ 7 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.
Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân. Cho ý kiến vào dự án luật này, nội dung được các đại biểu quan tâm là số định danh cá nhân và tuổi được cấp thẻ căn cước công dân.
Về tuổi được cấp thẻ căn cước công dân, hiện vẫn còn có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí với quy định của dự thảo Luật về việc cấp thẻ căn cước công dân ngay từ khi sinh ra và không cần cấp giấy khai sinh. Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định cấp thẻ căn cước công dân cho công dân đủ 14 tuổi trở lên để bảo đảm ổn định các thông tin nhận dạng của công dân đã được quy định trong Luật Căn cước công dân; trẻ dưới 14 tuổi thì cấp giấy khai sinh và quy định trong Luật Hộ tịch.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, tán thành với loại ý kiến thứ nhất vì việc cấp thẻ căn cước công dân dưới 14 tuổi sẽ bảo đảm quyền bình đẳng của công dân theo Hiến pháp năm 2013, không có sự phân biệt công dân theo độ tuổi; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong giao dịch, giảm thủ tục hành chính, góp phần hiện đại hóa, tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước. Việc quy định cấp thẻ căn cước công dân từ khi sinh ra để thay thế cho giấy khai sinh cũng góp phần bảo đảm yêu cầu quản lý dân cư tập trung, thống nhất từ khi sinh ra, giảm giấy tờ công dân, khắc phục tình trạng sửa chữa giấy khai sinh, cố ý làm sai lệch hồ sơ.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cũng nhất trí với loại ý kiến thứ nhất. Tuy nhiên, ông đề nghị thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi phải có tên bố, mẹ; đồng thời chưa có nhận dạng.
Về quy định số định danh cá nhân 12 số, một số ý kiến đề nghị cân nhắc số lượng chữ số trong số định danh cá nhân là 12 số để vừa bảo đảm yêu cầu quản lý, vừa tránh gây phiền hà cho công dân khi thực hiện quản lý bằng số định danh cá nhân.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng nếu chỉ để mỗi người có một số định danh không trùng nhau thì không cần tới 12 chữ số mà chỉ 7-8 chữ số là đủ. “Từ 8 đến 12 chữ số là cực kỳ tốn kém, vì vậy cần tính toán lại” - ông đề nghị.
Về vấn đề này, đại diện Bộ Công an cho biết: Số định danh cá nhân như quy định của dự thảo Luật là số tự nhiên duy nhất cấp cho mỗi công dân, bảo đảm không trùng lặp. Để nghiên cứu xây dựng số định danh cá nhân, Bộ Công an và Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh đã tổ chức các hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, xin ý kiến các chuyên gia, các bộ, ngành có liên quan, tham khảo kinh nghiệm của một số nước. Đại diện Bộ Công an khẳng định, mã số không chỉ có ý nghĩa phân biệt các cá nhân mà còn có các chữ số thể hiện người được cấp thẻ là nam/nữ/năm sinh/sinh ra ở nước ngoài hay trong nước, địa phương nào… Và xác định số định danh cá nhân gồm 12 chữ số là phù hợp quy mô dân số trước mắt và lâu dài, đã được xử lý theo nguyên tắc toán học.
Trong phiên khai mạc, UBTVQH cũng cho ý kiến về dự án Luật Hộ tịch. Cho ý kiến về dự án Luật này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu: “Dự Luật phải nói rõ cơ sở dữ liệu quốc gia gồm những thông tin gì? Dữ liệu hộ tịch gồm những thông tin gì? Bao giờ phải khai? Phải ghi rõ vào luật một cách minh bạch và mạch lạc”. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng: Giấy tờ tùy thân của người dân chỉ là thẻ căn cước, người dân sẽ khai để nhập cơ sở dữ liệu thông tin về bản thân mình, nhưng chỉ phải khai một lần. Sau này các cơ quan nào cần thì cứ truy cập vào kho dữ liệu đó để lấy chứ đừng đòi hỏi người dân đi khai nhiều lần...
Theo vov.vn