Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

07:07, 16/07/2014

Sáng 14-7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chủ trì buổi họp nhằm đánh giá tình hình tổ chức triển khai thực hiện sơ kết Nghị quyết trong cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp về công tác sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X). Ảnh: PV
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp về công tác sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X). Ảnh: PV

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã tổ chức các Đoàn công tác khảo sát và làm việc với 9 bộ, ngành Trung ương, 7 địa phương trọng điểm thuộc 3 vùng, miền, lắng nghe ý kiến của hơn 25 tập đoàn và tổng Cty Nhà nước, 9 ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính. Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự Đảng Bộ KH và ĐT, các bộ, ngành Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo, các tỉnh, thành ủy và thành viên Tổ Biên tập xây dựng Báo cáo sơ kết. Trên cơ sở báo cáo của 15 Ban Cán sự Đảng các bộ, ngành và báo cáo của 61/63 tỉnh ủy, thành ủy; báo cáo tổng hợp kết quả khảo sát của các Đoàn công tác; kế thừa nguồn tài liệu từ tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới; tham khảo các tài liệu, báo cáo của Bộ KH và ĐT; tổ chức tọa đàm, hội thảo, tham vấn và lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý, Ban Chỉ đạo đã tổng hợp, xây dựng Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) phù hợp với yêu cầu và chỉ đạo của đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo.

Các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo báo cáo, đánh giá tình hình tổ chức quán triệt, triển khai và đánh giá kết quả qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các thành viên nhất trí với các nội dung trong dự thảo báo cáo do Thường trực Ban Chỉ đạo (Ban Kinh tế Trung ương), đồng tình với những kiến nghị, đề xuất, chủ trương và giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, báo cáo sơ kết đã phân tích, luận giải sâu sắc nhiều vấn đề cơ bản và bức thiết về nhận thức lý luận cũng như quan điểm phát triển thực tiễn trong việc thực hiện Nghị quyết. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, qua hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung uơng 6 (khóa X) (từ năm 2008) cho thấy Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành, các đơn vị triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, sâu rộng; nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được nâng lên; hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được ban hành tương đối đầy đủ; việc thực thi hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đã đạt được kết quả quan trọng; các yếu tố nền tảng cơ bản của kinh tế thị trường dần được hình thành và được nhiều nước thừa nhận.

Tuy vậy, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn một số hạn chế: Nhận thức về phạm trù, nội hàm của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đủ rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, hiệu lực và hiệu quả thấp; chất lượng thể chế chưa trở thành động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia; cải cách thể chế còn chậm, thiếu kiên quyết và chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, chưa có đột phá lớn trong thể chế huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội theo cơ chế thị trường; quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ; giá cả chưa thực sự tuân thủ và vận hành theo nguyên tắc và quy luật kinh tế thị trường; sự phát triển về quy mô, cơ cấu và trình độ các loại thị trường còn nhiều hạn chế, bất cập; các chính sách an sinh xã hội còn thiếu tính hệ thống, chồng chéo về nội dung, đối tượng và phân công tổ chức thực hiện, nguồn lực còn phân tán, hiệu quả thấp; hiệu lực quản lý Nhà nước chưa cao; kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm…

Thủ tướng yêu cầu, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; hoàn thiện thể chế về giá, phí, về cạnh tranh và kiểm soát độc quyền trong kinh doanh; thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường, đa dạng và hiện đại hóa thị trường hàng hóa, dịch vụ; cơ cấu lại thị trường tài chính theo hướng đảm bảo cân bằng hơn giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ; chú trọng phát triển thị trường khoa học công nghệ theo hướng chuyển từ bao cấp đầu vào sang tài trợ đầu ra; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách để thị trường bất động sản được vận hành thông suốt, phù hợp cung - cầu. Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển đồng bộ, liên thông thị trường lao động cả về quy mô, chất lượng lao động và cơ cấu ngành nghề đáp ứng yêu cầu hội nhập; hoàn thiện thể chế gắn kết tăng trưởng kinh tế với tiến bộ công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển và bảo vệ môi trường; hoàn thiện thể chế vùng kinh tế trọng điểm, liên kết vùng, quy hoạch và phân công, phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương. Cần chú ý việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền. Trong đó, cần tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, đảm bảo vai trò làm chủ của nhân dân, sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội./.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com