Thời gian vừa qua, việc điều chỉnh giá xăng dầu đã linh hoạt hơn nhưng vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là tính minh bạch trong việc điều chỉnh giá của các doanh nghiệp. Ông Trần Văn Thịnh - Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã nêu cơ sở để Petrolimex tăng giá xăng dầu từ đầu năm đến nay. Theo ông Trần Văn Thịnh: Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, chịu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Việc điều chỉnh giá bán xăng dầu căn cứ vào Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15-10-2009 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Kể từ cuối quý 1-2010 đến nay, việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước do liên bộ Tài chính - Công thương quyết định; căn cứ vào chỉ đạo của liên bộ, Petrolimex triển khai theo đúng chỉ đạo. Cụ thể từ đầu năm 2014 đến nay, liên bộ chỉ đạo các lần điều chỉnh giá như sau: mặt hàng xăng năm lần (năm lần tăng); diesel chín lần (bốn lần tăng, năm lần giảm); dầu hỏa bảy lần (bốn lần tăng, ba lần giảm); mazut bảy lần (ba lần tăng, bốn lần giảm).
Đồng thời với việc điều chỉnh giá trên, liên bộ đã sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá với số lần điều chỉnh cụ thể là mặt hàng xăng 10 lần, mức chi sử dụng hiện tại là 500 đồng/lít; mặt hàng diesel sáu lần, mức hiện tại 0 đồng/lít; mặt hàng dầu hỏa chín lần, mức hiện tại 0 đồng/lít; mặt hàng mazut bảy lần, mức hiện tại là 300 đồng/lít.
Riêng ngày 7-7 vừa qua, giá xăng dầu tăng do giá cơ sở theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP cao hơn giá bán thực tế tại Việt Nam, việc này Bộ Tài chính đã thông báo tại văn bản 9154/BTC-QLG.
Trước ý kiến cho rằng giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm nhưng giá xăng dầu trong nước lại có xu hướng tăng. Ông Trần Văn Thịnh khẳng định việc điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước thời gian qua do liên bộ quyết định, doanh nghiệp thực hiện đúng chỉ đạo. Việc điều hành giá tuân thủ đúng Nghị định 84, phù hợp với thị trường, cân đối hài hòa các mục tiêu.
Theo thống kê, việc điều chỉnh giá của liên bộ thời gian qua là có tăng, có giảm phù hợp với thị trường (giá thế giới) đối với các mặt hàng dầu; riêng mặt hàng xăng giá không giảm, Petrolimex cho rằng, nguyên nhân chính vẫn do giá thế giới tăng, cụ thể giá xăng thế giới (xăng RON 92) theo tờ Platt tại thị trường Xinh-ga-po, trung bình tháng tính từ đầu năm đến nay trong xu thế tăng, cụ thể ba tháng gần đây nhất, tháng 5 là 117,96 USD/thùng, tháng 6 là 120,46 USD/thùng và tính đến 14-7 là 123 USD/thùng.
Ngoài ra, cũng từ đầu năm đến nay, tới 75% thời gian (khoảng 145/195 ngày) liên bộ đã áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với mặt hàng xăng thông qua việc cho phép doanh nghiệp chi sử dụng quỹ bình ổn giá (như thống kê trên) góp phần giảm áp lực tăng giá. Bên cạnh đó, ngày 19-6 vừa qua, tỷ giá VND/USD đã tăng 1%; như vậy, giá vốn hàng nhập khẩu tăng tương ứng khoảng 1%.
Về việc thực hiện Chỉ thị 11/CT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công thương ngày 22-4-2014 về tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu? Ông Trần Văn Thịnh cho biết: Ngay sau khi Chỉ thị số 11/CT-BCT của Bộ Công thương được ban hành, Petrolimex đã nghiêm túc chấp hành các nội dung. Bắt đầu từ tháng 5-2014, Petrolimex đã quyết định mở riêng một chuyên mục với tên gọi “minh bạch xăng dầu” trong mục “tin tức - sự kiện” trên website công cộng có địa chỉ www.petrolimex.com.vn để công bố, công khai các thông tin của doanh nghiệp đến đông đảo người tiêu dùng, khách hàng, đối tác, cổ đông, phóng viên các cơ quan báo chí truyền thông.
Về quỹ bình ổn giá xăng dầu, định kỳ theo quý, Petrolimex sẽ công bố tình hình biến động của quỹ bình ổn (số dư đầu kỳ, số phát sinh trong kỳ, luỹ kế phát sinh kỳ báo cáo, số dư cuối kỳ); đồng thời Petrolimex tiếp tục thực hiện chế độ báo cáo nhanh về quỹ bình ổn theo chỉ đạo tại Văn bản số 4233/BTC-TCDN ngày 5-4-2013 của Bộ Tài chính.
Đối với việc công khai kết quả sản xuất, kinh doanh, từ khi chuyển sang cổ phần (1-12-2011) đến nay, Petrolimex vẫn công bố thông tin đầy đủ tại chuyên mục “Nhà đầu tư” trên website Petrolimex theo đúng quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, gồm các báo cáo tài chính chưa kiểm toán (quý, năm) và báo cáo tài chính đã kiểm toán (sáu tháng, cả năm). Từ tháng 5-2014, các báo cáo này được hiển thị thêm tại chuyên mục “minh bạch xăng dầu” và bổ sung địa chỉ nhận thông tin là Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương theo yêu cầu của Chỉ thị 11.
Về giá bán lẻ xăng dầu, Petrolimex đã và đang thực hiện, hiện đã thành nề nếp. Mỗi khi điều chỉnh giá, Petrolimex đăng thông cáo báo chí và gửi đến tất cả các cơ quan báo chí Trung ương, chuyên ngành và các địa phương...
Để có thêm thông tin mở rộng về hoạt động kinh doanh xăng dầu tại nước ngoài (không bị chi phối bởi Nghị định 84), Petrolimex đã chỉ đạo các đơn vị thành viên Petrolimex ở nước ngoài (Petrolimex Xinh-ga-po, Petrolimex Lào và Văn phòng đại diện Petrolimex tại Căm-pu-chia) thực hiện bản tin thị trường xăng dầu định kỳ theo tháng...
Đối với các thông tin về giá xăng dầu thế giới, giá cơ sở (cơ cấu, số liệu hình thành, cơ sở hình thành) và thị phần của các doanh nghiệp đầu mối - Petrolimex thực hiện việc đăng tin tại website của Bộ Công thương.
Trong thời gian tới, để ổn định thị trường xăng dầu trong nước, điều quan trọng đầu tiên là phải đủ nguồn xăng dầu cung cấp ra thị trường trong mọi tình huống.
Để thực hiện mục tiêu này, Petrolimex chủ yếu ký hợp đồng mua hàng dài hạn (theo năm, sáu tháng và quý) và đa dạng hóa nguồn mua, nguồn nhập khẩu từ các khu vực để hạn chế ảnh hưởng bởi yếu tố khách quan ngoài tầm kiểm soát. Hai là, Petrolimex đề ra các giải pháp tiết giảm chi phí kinh doanh một cách thiết thực, thường xuyên nhằm kinh doanh có hiệu quả; ba là, hiện nay nguồn xăng dầu sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu và bán theo giá thế giới, phần còn lại phải nhập khẩu nên giá xăng dầu trong nước vẫn phụ thuộc chủ yếu vào giá thế giới.
Việc bình ổn giá trong nước không phải là cố định giá mà cần được điều chỉnh phù hợp với thị trường, hài hòa các mục tiêu Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp./.
Theo: TTXVN