Trong những năm qua, Hội đồng Đội các cấp trên địa bàn tỉnh Hà Giang thường xuyên tổ chức các hoạt động bổ ích, giúp các đội viên Đội Thiếu niên tiền phong hoàn thiện nhân cách, phấn đấu trở thành đoàn viên. Nhiều chương trình, phong trào đã được thiếu nhi Hà Giang tích cực thực hiện như: Chương trình “Xây dựng Đội ta vững mạnh, tiếp bước lên Đoàn”; thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; phong trào “Nghìn việc tốt” trong giai đoạn mới; chương trình “Vòng tay bè bạn”, “Giúp bạn đến trường”; chương trình “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam ”… Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều", thiếu nhi vùng cao Hà Giang đã có nhiều việc làm cụ thể, ý nghĩa như: Quyên góp quần áo, sách vở, giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn... 5 năm qua, thiếu nhi Hà Giang đã thành lập được hơn 5.000 mô hình giúp nhau học tập, giúp nhau cùng tiến bộ..
Bạc Liêu: Hiệu quả phong trào "Đỡ đầu hộ nghèo"
Phong trào "Đỡ đầu hộ nghèo" được thực hiện đầu tiên ở huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Đến nay, phong trào đã được đảng viên và các cơ quan, tổ chức đoàn thể của tỉnh Bạc Liêu thực hiện, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Đến hết quý I-2014, các đơn vị nhận "đỡ đầu" hộ nghèo theo phân công của UBND tỉnh đã tiếp xúc với hộ nghèo ở các địa phương. Những đơn vị nhận đỡ đầu hộ nghèo cũng đã “thuần thục” hơn với công tác ngoài nhiệm vụ chuyên môn này.
Trong năm 2013, 73 đơn vị, ban, ngành cấp tỉnh ở Bạc Liêu được phân công hỗ trợ 478 hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh; trong đó 12 đơn vị cấp tỉnh được phân công "đỡ đầu" hộ nghèo ở huyện Giá Rai, giúp 58/60 hộ thoát nghèo; đến nay đã có 419 hộ nghèo được công nhận thoát nghèo.
Năm 2014, các ngành trong tỉnh tiếp tục được phân công "đỡ đầu" các hộ nghèo, phấn đấu đạt chỉ tiêu xóa khoảng 7.000 hộ nghèo và hơn 4.100 hộ cận nghèo. Các đơn vị khảo sát cụ thể đối tượng nhận "đỡ đầu" về nhân lực, vốn, phương thức sản xuất; phân công cán bộ phối hợp với địa phương vận động, hướng dẫn các hộ dân cách tổ chức sản xuất, lựa chọn cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp cho phù hợp. Phương châm "đỡ đầu" là ''trao cần câu, không trao xâu cá'' được các đơn vị quán triệt trong suốt quá trình thực hiện. Cách làm mới của đơn vị nhận "đỡ đầu" là tìm đầu ra cho sản phẩm của hộ được "đỡ đầu", giúp các hộ nghèo yên tâm với phương thức sản xuất mới./.
Theo Nhân dân