Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý công dân, dân cư

07:06, 10/06/2014

Tiếp tục kỳ họp thứ 7, QH khóa XIII, sáng 9-6, QH thảo luận ở tổ về dự án Luật Căn cước công dân và dự án Luật Hộ tịch.

Thảo luận về 2 dự án Luật, ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết phải ban hành 2 dự án Luật nhằm thể chế hóa các quy định mới của Hiến pháp về quyền công dân, quyền con người; góp phần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý công dân, dân cư theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch và tạo thuận lợi cho người dân. ĐBQH Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) cho rằng, 2 dự án Luật này có sự quan hệ mật thiết với nhau, đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát các quy định của 2 dự án Luật cũng như với các luật khác như Luật Nuôi con nuôi, Luật Cư trú… để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong quản lý người dân. Cho rằng hiện nay công dân đang có quá nhiều các loại giấy tờ quản lý, đại biểu Luyến băn khoăn, không biết khi hai dự án Luật được ban hành sẽ giảm được bao nhiêu loại giấy tờ cho người dân.

Về mối quan hệ giữa việc cấp Giấy khai sinh với Thẻ căn cước công dân trong hai dự án Luật, tờ trình của Chính phủ đề xuất duy trì việc cấp Giấy khai sinh cho trẻ khi sinh ra và cấp Thẻ căn cước công dân ngay khi làm thủ tục khai sinh. ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, nên tiếp tục giữ quy định cấp Giấy khai sinh vì đây là quyền đã được ghi trong Công ước quốc tế về các quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn Công ước này; đồng thời, đây cũng là truyền thống đã được thực hiện nhiều năm để công dân thực hiện các quyền cơ bản như học tập, khám chữa bệnh, cư trú, đi lại.

Về quy định cấp số định danh trong dự thảo Luật Căn cước công dân, ĐBQH Đặng Thuần Phong (Bến Tre) và nhiều ý kiến đại biểu tán thành với quy định này và cho rằng, đây là bước đột phá quan trọng về cải cách thủ tục hành chính liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân theo Đề án 896. Có ý kiến đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung một số quy định cụ thể hơn về phương thức xác lập số định danh cá nhân, thủ tục và thẩm quyền cấp số định danh cá nhân; việc cấp số định danh cá nhân đối với những người đã có chứng minh nhân dân; việc cấp số định danh cá nhân trước và sau khi xây dựng xong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; giá trị sử dụng số định danh cá nhân.

Các đại biểu cũng cho rằng, cơ sở dữ liệu trong việc cấp thẻ Căn cước công dân và xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, theo ĐBQH Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho biết, qua thực tế giám sát ở một số địa phương, việc lưu trữ và thu thập cơ sở dữ liệu còn nhiều bất cập, khi công dân đến tra cứu lại thông tin thì không còn thông tin lưu trữ. ĐBQH Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) đề nghị quy định trách nhiệm của bộ, ngành trong việc điều tra, cập nhật các thông tin liên quan trong 2 dự thảo Luật cần rõ hơn để bảo đảm theo dõi, cung cấp thông tin chính xác cho thống kê, hoạch định chính sách và thực hiện an sinh xã hội. Tránh các hành vi gian dối để trục lợi.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Hộ tịch, ĐBQH Huỳnh Tuấn Dương (Hải Dương) đề nghị ban soạn thảo cần xem xét để bảo đảm sự thống nhất với các quy định về thẩm quyền về khai sinh, thẩm quyền đăng ký khai tử. Về thẩm quyền đăng ký hộ tịch theo nguyên tắc “nơi cư trú” nên bổ sung thêm nơi trẻ em đang sinh sống trên thực tế. Mặt khác, đại biểu thể hiện sự băn khoăn, Luật Căn cước công dân đang xem xét trình QH thông qua, trong dự thảo Luật Hộ tịch lại quy định khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch phải xuất trình thẻ căn cước công dân cho cơ quan đăng ký hộ tịch, đối với những người yêu cầu đăng ký hộ tịch trước khi Luật Căn cước công dân được thông qua thì giải quyết như thế nào? ĐBQH Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) đề nghị cần có quy định giải quyết hậu quả pháp lý khi điều chỉnh, cải chính hộ tịch, việc điều chỉnh một văn bản giấy tờ thì các văn bản, giấy tờ khác có phải điều chỉnh theo hay không, trách nhiệm điều chỉnh này như thế nào.

Về phạm vi điều chỉnh của hai dự án Luật, ĐBQH Thuận Hữu (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị cần xem xét giao việc quản lý hộ tịch và căn cước công dân cho một bộ nhằm tạo sự thống nhất quản lý. Một số ý kiến đề nghị gộp hai dự án Luật làm một với những quy định thật rõ ràng, cụ thể để tạo sự thuận lợi cho người dân.

Buổi chiều, QH làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2012; Nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; nghe và thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2015./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com