Ngày 18-6, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, thảo luận dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); thông qua Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng (sửa đổi).
Buổi sáng, QH biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công với 440 phiếu tán thành, chiếm 88,35% tổng số đại biểu QH.
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đa số ý kiến đại biểu đề nghị, về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở, cần bổ sung quy định phải tuân thủ các hình thức, điều kiện về chủ thể tham gia giao dịch nhà ở và điều kiện có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở, đồng thời quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là thời điểm đăng ký quyền sở hữu.
Tán thành quy định cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở như quy định của dự thảo Luật, nhưng nhiều đại biểu cho rằng, trong khi nhu cầu về nhà ở còn rất lớn và điều kiện để tạo lập nhà ở của người dân còn khó khăn, cần làm rõ sự tác động việc mở rộng đối tượng được sở hữu nhà ở đến quyền có nơi ở của người dân, sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản trong nước. Liên quan nội dung này, nhiều ý kiến cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng sở hữu nhà ở, như: Nhà nước, dòng họ...
Theo quy định tại khoản 1 Điều 54 của dự thảo Luật, một trong các hình thức phát triển nhà ở xã hội là hình thức Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở bằng vốn Nhà nước để cho thuê. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là chính sách đúng đắn hướng tới các đối tượng thật sự khó khăn về nhà ở và khó có khả năng mua nhà ở, nhưng quy định tại điểm e (khoản 1 Điều 59) lại cho thấy mục đích xây nhà ở xã hội thực chất vẫn là để bán, vì nếu người thuê nhà (sau tối thiểu 5 năm) không đủ điều kiện mua thì chủ đầu tư sẽ được phép bán. Do đó, đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu quy định chính sách phát triển nhà ở xã hội để cho thuê bảo đảm tính thống nhất và phù hợp.
Về thời hạn sử dụng nhà chung cư (Điều 100), một số ý kiến đề nghị, cần quy định cụ thể, rõ ràng, minh bạch, đồng thời quy định rõ việc xử lý đối với các nhà chung cư, nhà ở riêng lẻ đã xuống cấp, hư hỏng nặng và mất an toàn.
Buổi chiều, QH biểu quyết thông qua dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) với 397 phiếu tán thành, chiếm 79,72% tổng số đại biểu QH.
Thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, dự án Luật cần giải quyết được những bất cập hiện nay của thị trường bất động sản, tránh những "cơn sốt" về nhà đất với giá ảo khiến người có nhu cầu về nhà ở không mua được nhà. Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đề nghị, cần cân nhắc quy định cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân người nước ngoài tham gia kinh doanh bất động sản tại Việt Nam. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tổ chức người nước ngoài tham gia kinh doanh bất động sản tại Việt Nam là cần thiết nhằm thu hút nguồn lực đầu tư.
Liên quan điều kiện tham gia kinh doanh bất động sản, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đề nghị, Ban Soạn thảo cần làm rõ căn cứ quy định doanh nghiệp tham gia kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định 50 tỷ đồng. Đồng thời đề nghị cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong kinh doanh bất động sản nhằm tạo thị trường phát triển cạnh tranh lành mạnh. Một số ý kiến đề nghị, cần quy định cụ thể, chặt chẽ điều kiện tham gia thị trường bất động sản nhằm sàng lọc, lựa chọn các doanh nghiệp có đủ năng lực, tránh tình trạng đầu tư tràn lan khiến cung vượt quá cầu, gây bất ổn đối với thị trường, lãng phí nguồn lực của xã hội.
Để bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) đề nghị, cần có dự báo mang tính dài hạn đối với thị trường bất động sản nhằm điều tiết thị trường, tránh cấp phép tràn lan, đồng thời có chế tài xử lý các cơ quan có thẩm quyền trong việc thẩm định, cấp phép tràn lan đối với các dự án bất động sản, gây bất ổn thị trường.
Sáng 19-6, tiếp tục kỳ họp thứ 7 của QH với đa số phiếu tán thành, QH đã thông qua Luật Phá sản (sửa đổi). Cùng với đó, QH thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân; các đại biểu đã tập trung thảo luận vào tính khả thi của dự án luật này. Thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân, các đại biểu tập trung vào tính khả thi của dự án Luật này; cơ sở dữ liệu căn cước công dân với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, số định danh cá nhân, thẻ căn cước công dân, đặc biệt là quy định thẻ căn cước công dân sẽ thay thế cho chứng minh nhân dân, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu; thẩm quyền, trình tự thủ tục cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân.
Về số định danh cá nhân, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, đây là vấn đề không chỉ của dự án Luật Căn cước mà còn cả dự án Luật Hộ tịch. Hiện đã có địa phương triển khai cấp mẫu chứng minh nhân dân 12 số, cơ quan soạn thảo dự án Luật Căn cước công dân cũng dự kiến mã hóa dữ liệu và gắn chức năng định danh cho 12 số này, với mục tiêu không trùng lặp, không tràn số trong 500 năm. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng, dự thảo quy định thay thế chứng minh nhân dân 9 số bằng chứng minh nhân dân 12 số sẽ gây xáo trộn và lãng phí lớn. Chỉ xét riêng về mặt kỹ thuật, việc tăng từ 9 lên 12 số phải tốn tài nguyên lưu trữ, làm chậm tốc độ truyền dẫn và xử lý dữ liệu. Đại biểu Phạm Trọng Nhân phân tích: Với 9 số của chứng minh hiện nay, chỉ đơn giản là hợp nhất lại ở các địa phương chúng ta có gần 1 tỷ đầu số. Trong khi đó theo tờ trình của Chính phủ mới cấp hơn 68 triệu số. Với tốc độ tăng dân số hiện nay, kho số này chí ít cũng dùng được hơn 400 năm. Vì vậy, QH cần được nghe một lời giải trình mang tính khoa học thuyết phục hơn. Về mặt xã hội, việc thay đổi này sẽ tạo một sự xáo trộn lãng phí vô cùng lớn. Bỏ đi 68 triệu chứng minh cũ với những mối quan hệ đã thiết lập chằng chịt lan tỏa trong toàn xã hội là một việc làm cần được cân nhắc. Từ những phân tích nêu trên, đại biểu Phạm Trọng Nhân kiến nghị: Dừng cấp chứng minh nhân dân 12 số và tiến hành hợp nhất toàn quốc kho chứng minh nhân dân 9 số hiện nay.
Về cơ sở dữ liệu công dân, đại biểu Đỗ Trọng Niễn (Bình Thuận) cho rằng: Dự thảo có quy định, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xác lập từ 2 nguồn gồm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công dân trực tiếp đi khai báo khi đến làm thẻ căn cước công dân là chưa khoa học. Theo đại biểu Đỗ Trọng Niễn, xác định như vậy chưa ổn, công tác chuẩn bị chưa thật sẵn sàng. Cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có nghĩa là lấy cái có sẵn, cập nhật khi công dân đến làm thẻ công dân có nghĩa là lấy cái có sau, cái mới, như vậy có thể sẽ có những thông tin sai lệch không thống nhất với nhau giữa 2 nguồn cung cấp thông tin. Vậy, đâu được xác định làm nguồn chính xác để làm căn cứ, giải quyết mâu thuẫn này ra sao, đề nghị cần phải được làm rõ. Giải pháp tốt nhất theo tôi, đẩy nhanh hơn nữa quá trình xây dựng để hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước khi ban hành luật.
Đồng tình với quan điểm này, một số đại biểu kiến nghị cần thay đổi mô hình, cách làm thủ công trước đây, chỉ xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia duy nhất về căn cước và hộ tịch, giao trách nhiệm quản lý Nhà nước cho 1 bộ duy nhất tiến hành cập nhật và đồng bộ dữ liệu hộ tịch vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong hệ thống này, mỗi công dân sẽ có một mã số để xác định các dữ kiện căn cước và sự kiện hộ tịch của công dân đó trong suốt cuộc đời… Chính 2 hệ thống này không thể tách rời nên có ý kiến đề nghị nhập Luật Căn cước công dân trở thành 1 chương của Luật Hộ tịch để đảm bảo tính thống nhất.
Liên quan đến quy định trong dự thảo về việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi, nhiều đại biểu cho rằng cần cân nhắc kỹ vấn đề này để tránh lãng phí. Theo đại biểu Đặng Thị Kim Liên (Yên Bái), trẻ dưới 14 tuổi đặc điểm nhận dạng chưa ổn định, chưa phải chịu trách nhiệm về hình sự và trong các giao dịch nhân sự cũng cần có cha mẹ, người giám hộ làm đại diện. Trong khi đó, Điều 3 dự thảo quy định, thẻ căn cước công dân là thẻ định dạng riêng cho công dân; trong đó 2 yếu tố định dạng bên ngoài là hình ảnh và vân tay là căn bản, nhưng lại không được ghi vào thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi. Như vậy, chưa tạo sự thống nhất cho dự thảo Luật và gây phiền hà cho công dân. Đại biểu Đặng Thị Kim Liên cho rằng: Việc cấp thẻ căn cước cho công dân khi sinh ra là thêm thủ tục cho công dân, tạo sự tốn kém không cần thiết. Dự thảo Luật quy định đủ 14 tuổi thì đổi cấp lại thẻ, bổ sung định dạng bằng hình ảnh và vân tay. Với những lý do nêu trên cho thấy, thẻ căn cước công dân cấp cho trẻ dưới 14 tuổi không đảm bảo được phân biệt với người khác, vậy mục đích dự thảo Luật định hướng đến đối với cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi là gì đề nghị cần làm rõ. Đại biểu Đặng Thị Kim Liên cho rằng: Nên quy định theo hướng, trẻ sinh ra bên cạnh đăng ký khai sinh vẫn đăng ký thông tin vào cơ sở dữ liệu đến khi đủ 14 tuổi sẽ cấp thẻ đầy đủ với định dạng cá nhân như quy định của dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, vẫn còn có những ý kiến khác nhau về tên gọi của Luật là Luật Căn cước công dân hay Luật Chứng minh thư nhân dân; nên hay không nên ghi nhóm máu về thời điểm cập nhật nhóm máu trên thẻ căn cước công dân.
Buổi chiều, QH làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật Hộ tịch./.
Theo Nhân dân