Ngày 23-5, kỳ họp thứ bảy, QH khóa XIII sang ngày làm việc thứ tư. Buổi sáng, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước năm 2013; phương án bảo đảm cân đối ngân sách Trung ương và địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2014; Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2012. Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, nghe đại diện Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và Báo cáo thẩm tra dự án Luật nói trên; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh
Buổi sáng, thảo luận ở tổ về kết quả phát triển KT-XH thời gian qua, phần lớn ý kiến phát biểu đánh giá cao những giải pháp Chính phủ đã thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển KT-XH. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nền kinh tế phát triển chưa bền vững và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Một số đại biểu nêu rõ, hiện nay các doanh nghiệp (DN) vẫn gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, trong đó nhiều DN ngừng sản xuất, khiến một lượng lớn người lao động bị mất việc làm, ảnh hưởng đến đời sống. Do vậy, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ các DN ổn định sản xuất, nhất là các biện pháp giúp DN vay vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Một số đại biểu đề nghị, Chính phủ cần đẩy nhanh giải ngân đối với các công trình xây dựng nhằm thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Một số ý kiến đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể số lượng người lao động bị mất việc làm hằng năm và biện pháp hỗ trợ người lao động mất việc làm.
Đề cập kết quả phát triển KT-XH khu vực nông thôn, nhiều đại biểu cho rằng, trong bối cảnh giá nông sản luôn có xu hướng giảm, trong khi giá vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng như hiện nay, Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nhất là các giải pháp "dài hơi" như đầu tư vào khoa học công nghệ nhằm chủ động nguyên liệu, vật tư đầu vào. Một số đại biểu đề nghị, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đầu tư cho ngư dân, nhất là đầu tư phát triển các đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ. Điều này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả trong khai thác hải sản, nâng cao đời sống ngư dân mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Hoàn thiện các quy định liên quan xuất, nhập cảnh
Buổi chiều, QH thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung, làm rõ một số nội dung trong dự thảo Luật. Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, các quy định liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cần được cải cách theo hướng tạo thuận lợi hơn nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần phát triển KT-XH.
Trước thực trạng nhiều lao động người nước ngoài lợi dụng thị thực du lịch để vào Việt Nam làm việc, một số ý kiến đề nghị cần có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, nhằm từng bước ngăn chặn và chấm dứt tình trạng trên.
Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu kéo dài thời hạn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam đối với người nước ngoài là các nhà khoa học đến Việt Nam để hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, sinh viên nước ngoài đến Việt Nam học tập, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, tỉnh Thái Nguyên phát biểu ý kiến. (Ảnh:TTXVN) |
Trong phiên họp buổi chiều, các đại biểu QH nghe đại diện Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và nghe báo cáo thẩm tra tờ trình nói trên. Theo Ban soạn thảo, dự án Luật này được xây dựng theo hướng khắc phục các hạn chế, phát sinh trong thực tiễn đầu tư, quản lý vốn Nhà nước tại DN thời gian qua. Đồng thời, đáp ứng các yêu cầu quản lý của Nhà nước đối với DN Nhà nước trong việc định hướng, tổ chức lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN, thực hiện tái cơ cấu DN và phù hợp quy định của Hiến pháp (sửa đổi), bảo đảm tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan.
Ngày 24-5, buổi sáng, QH nghe đại diện Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra dự án Luật nêu trên; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi). Buổi chiều, QH nghe Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra dự án Luật này; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đầu tư công.
Tăng cường quản lý Nhà nước trong đầu tư xây dựng
Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi), một số đại biểu cho rằng, vật liệu xây dựng (VLXD) có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng, tiến độ và chi phí đầu tư xây dựng công trình... Tuy nhiên, dự thảo Luật đề cập đến vấn đề này (ở các Điều: 4, 11, 80, 120...), còn rời rạc, chung chung. Do vậy, các đại biểu này đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung thành một chương riêng quy định về quản lý VLXD, để tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý, giám sát chất lượng, sản xuất, kinh doanh, lưu thông và sử dụng VLXD, định hướng cho việc phát triển thị trường VLXD.
Đề cập đến hoạt động đầu tư xây dựng, đại biểu Lê Quang Hiệp (Thanh Hóa) cho rằng, thời gian qua, số lượng DN đăng ký đầu tư vào lĩnh vực xây dựng là rất lớn, song do năng lực, trách nhiệm của nhiều chủ đầu tư còn hạn chế, gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, nhất là chủ đầu tư ở các địa phương, cơ sở... Cùng với đó, thời gian qua, nhiều nhà thầu nước ngoài vào nước ta đầu tư, tư vấn xây dựng, nhưng không đăng ký với cơ quan chức năng, một số nhà thầu kéo dài thời gian xây dựng công trình... Do vậy, dự thảo Luật cần quy định cụ thể về năng lực của nhà thầu phù hợp quy mô hoạt động và có các chế tài đủ mạnh để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà thầu triển khai hoạt động xây dựng tại Việt Nam... Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đầu tư xây dựng, một số đại biểu cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Luật cần quy định rõ hơn về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm; nhất là bổ sung quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước và cá nhân trong việc kiểm tra công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư, triển khai xây dựng các công trình bằng nguồn vốn Nhà nước.
Cũng trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu QH nghe đại diện Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và nghe Báo cáo thẩm tra tờ trình nói trên. Theo Ban soạn thảo, dự án Luật này được xây dựng theo hướng khắc phục những tồn tại, vướng mắc, không phù hợp thực tiễn của Luật hiện hành. Đồng thời, để thể chế hóa các quan điểm của Đảng trong lĩnh vực nhà ở, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền có nơi ở, quyền sở hữu nhà ở của công dân.
Chú trọng hiệu quả trong đầu tư công
Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Theo đó, Luật được nghiên cứu, bổ sung một số nội dung mới, trong đó bảo đảm việc đầu tư kinh doanh bất động sản cần tuân thủ đúng quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng NTM và theo kế hoạch thực hiện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để khắc phục tình trạng đầu tư bất động sản tự phát, theo phong trào, mất cân đối, lệch pha cung - cầu hàng hóa bất động sản, nhất là nhà ở như những năm vừa qua, bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả. Mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhằm thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh có tính cạnh tranh cao, đồng thời giải quyết nhiều việc làm...
Trong phiên làm việc buổi chiều, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công. Theo đó, Dự thảo Luật Đầu tư công đã tiếp thu để bổ sung thêm 21 điều, trong đó có những điều thể hiện rõ hơn tiêu chí xác định, phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và quyết định các dự án đầu tư, kế hoạch đầu tư trung hạn để bảo đảm thực hiện đầu tư công hiệu quả...
Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đầu tư công, có đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao với các Điều 8, Điều 9, Điều 10 về phân loại dự án đầu tư và cho rằng các quy định như vậy là chặt chẽ, hợp lý. Tuy nhiên, một số đại biểu khác nêu ý kiến, cách phân loại chủ yếu dựa vào quy mô dự án, chưa dựa vào nguồn vốn đầu tư cho nên chưa thể tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương tự cân đối nguồn vốn. Đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, sửa đổi để tăng sự chủ động cho các địa phương trong quyết định đầu tư công.
Xác định, làm rõ hiệu quả của đầu tư công là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm và cho rằng đây là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình thực hiện đầu tư công. Nếu thực hiện tốt việc này sẽ tránh được lãng phí, khắc phục cơ chế xin - cho, hạn chế đầu tư dàn trải và phòng, chống tham nhũng trong đầu tư công. Một trong những việc cần tập trung chú trọng là làm rõ hơn, cụ thể hơn các hành vi bị cấm trong đầu tư công. Bên cạnh đó, các quy định trong dự thảo Luật cần có sự gắn kết với Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để phát huy hiệu quả đồng bộ.
Một số ý kiến đề nghị, để công khai, minh bạch và thực hiện giám sát hiệu quả tốt đầu tư công, Luật cần bổ sung rõ ràng hơn những quy định về vai trò của người dân, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tấn báo chí trong việc tham gia giám sát đầu tư công, góp phần chống thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực quan trọng này.
Hôm qua, chủ nhật, ngày 25-5, QH nghỉ. Hôm nay, thứ hai, ngày 26-5, QH họp phiên toàn thể tại hội trường./.
Theo Nhân dân