Cần quy định cụ thể tiêu chí doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán

07:05, 27/05/2014

Tiếp tục kỳ họp thứ bảy, QH khóa XIII, sáng 26-5, QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi). Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp.

Trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban TVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, dự thảo Luật sau khi QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu đã được cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, báo cáo Ủy ban TVQH tại phiên họp thứ 24. Tiếp đó dự thảo
được lấy ý kiến thông qua hội thảo và ý kiến của các Đoàn đại biểu QH. Báo cáo của Ủy ban TVQH đã giải trình, tiếp thu các ý kiến về: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật; tiêu chí xác định doanh nghiệp, HTX mất khả năng thanh toán; người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; thẩm quyền giải quyết vụ việc phá sản của TAND; thủ tục phá sản, phương thức xác định các khoản nợ…

Cơ bản tán thành với dự thảo luật và Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi), các đại biểu đồng tình với quy định phạm vi điều chỉnh cũng như đối tượng áp dụng của Luật là doanh nghiệp và HTX. Các đại biểu nhận định Luật Phá sản (sửa đổi) kế thừa luật hiện hành, tiếp tục quy định thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh là hướng đi phù hợp với chủ trương chung về tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Việc phục hồi hoạt động kinh doanh nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX thanh toán được các khoản nợ, thoát khỏi tình trạng phá sản và tiếp tục hoạt động kinh doanh. Cùng với đó, đại biểu QH đã tập trung thảo luận về các nội dung lớn còn ý kiến khác nhau.

Chiều qua, 26-5, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN
Chiều qua, 26-5, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Về tiêu chí xác định doanh nghiệp, HTX mất khả năng thanh toán, đại biểu Đặng Công Lý (Bình Định) cho rằng, tình trạng mất khả năng thanh toán chỉ có tính chất nhất thời tại một thời điểm nào đó. Thực tế, vấn đề chiếm dụng vốn lẫn nhau giữa các doanh nghiệp kéo dài, thời hạn thanh toán phổ biến nên việc xác định tiêu chí doanh nghiệp mất khả năng thanh toán theo yêu cầu của các chủ nợ trong thời gian bao lâu là để tiến hành thủ tục phá sản có ý nghĩa rất lớn, vừa làm lành mạnh hóa nền kinh tế, vừa bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tránh việc lợi dụng khó khăn nhất thời của doanh nghiệp để yêu cầu mở thủ tục phá sản nhằm hạ uy tín lẫn nhau. Tiêu chí xác định doanh nghiệp, HTX lâm vào tình trạng phá sản không thực hiện được các nghĩa vụ thanh toán đến hạn theo yêu cầu của chủ nợ trong 6 tháng là hợp lý, đây là khoảng thời gian vừa đủ để doanh nghiệp có điều kiện khắc phục khó khăn nhất thời, có các giao dịch với các đối tác để thực hiện nghĩa vụ thanh toán và nếu doanh nghiệp, HTX không thanh toán được các khoản nợ theo yêu cầu của chủ nợ thì việc cho phép mở thủ tục phá sản là phù hợp.

Về quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của người lao động và công đoàn, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng, cần phải làm rõ người lao động có quyền nộp đơn là thế nào, một người lao động nộp đơn có được hay không hay đây là quyền của tập thể lao động với số lượng nhất định được tính trên tổng số người lao động và tập thể này cử người đại diện nộp đơn như luật hiện hành quy định. Bên cạnh đó, cần cân nhắc việc có nên tiếp tục quy định quyền của người lao động trực tiếp nộp đơn hay chỉ cần quy định về quyền này của người lao động thông qua công đoàn. Quy định như vậy sẽ phù hợp với quy định của Luật Công đoàn cũng như Bộ luật Lao động mới được QH thông qua. Mặt khác, cần làm rõ trường hợp người lao động, công đoàn nộp đơn thì họ có phải nộp lệ phí phá sản hay không. Theo đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam), không nên quy định người lao động trực tiếp nộp đơn xin phá sản mà nên thông qua tổ chức công đoàn. Nhất trí với quy định về quyền nộp đơn của chủ nợ được quy định tại Điều 5 của dự thảo Luật, tuy nhiên, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) đề nghị dự thảo Luật cần cân nhắc trường hợp nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là người lao động còn đang bị nợ lương, trong trường hợp người lao động có mức lương thấp thì đối tượng này rất khó có khả năng để nộp lệ phí và tạm ứng phí.

Về căn cứ ra quyết định mở thủ tục phá sản, đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) đề nghị, không nên quy định TAND ra quyết định mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, HTX không thanh toán, trì hoãn thanh toán khoản nợ đến hạn. Trong trường hợp này, nên quy định hướng dẫn chủ nợ về quyền khởi kiện tòa án dân sự, tòa án kinh tế và sử dụng trình tự tố tụng dân sự hoặc kinh tế để giải quyết vấn đề theo đúng bản chất vụ việc cần giải quyết. Về ý nghĩa của hội nghị chủ nợ, đại biểu đề nghị cần phải bổ sung quy định trách nhiệm của tòa án đối với hướng kết luận thứ nhất của hội nghị chủ nợ. Đối với quy định đình chỉ việc tiến hành thủ tục phá sản, đề nghị bổ sung một điều khoản quy định hậu quả pháp lý của quyết định đình chỉ việc tiến hành thủ tục phá sản, trong đó cần phải rà soát, xác định tất cả các quyết định cần được hủy bỏ, chấm dứt hiệu lực hoặc thay thế, các biện pháp cần hủy bỏ hoặc thay đổi, các quyền hạn, trách nhiệm nghĩa vụ cần phải được khôi phục để doanh nghiệp, HTX hoặc các chủ thể tham gia thủ tục phá sản khác có thể trở về ngay trạng thái bình thường. Mặt khác, để bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp, HTX thì quyết định đình chỉ thủ tục phá sản phải được công bố công khai.

Trước đó, QH đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Buổi chiều, QH nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); thảo luận về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của QH./.

Theo daibieunhandan.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com