Ngày 21-5, kỳ họp thứ bảy, QH khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ hai. Buổi sáng, QH làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa và thảo luận về một số nội dung của dự thảo Luật này. Buổi chiều, QH thảo luận ở tổ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của QH và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
Mở đầu phiên họp buổi sáng, QH nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Đa số các đại biểu đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của UBTVQH.
Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này, một số đại biểu cho rằng, ở nước ta nhiều sông, ngòi, vì vậy hoạt động giao thông đường thủy nội địa chưa được quản lý hết. Trong khi đó, việc đi lại của các phương tiện thủy nội địa còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Do vậy, cần có các quy định pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và bảo đảm an toàn đối với hoạt động giao thông đường thủy nội địa. Cùng với đó, dự thảo Luật cần quy định mọi tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa về phát triển giao thông đường thủy nội địa cũng như quy định việc mua bảo hiểm bắt buộc đối với tất cả các phương tiện, nhằm giảm bớt gánh nặng cho xã hội khi xảy ra tai nạn, rủi ro. Bên cạnh đó, hiện nay, hoạt động của thuyền du lịch loại nhỏ (bo bo) phát triển tự do và hoạt động nhiều trên sông, biển, dễ gây nguy hiểm, do vậy cần có quy định để quản lý các loại phương tiện này.
Cuối giờ làm việc buổi sáng, các đại biểu thảo luận tại đoàn về tình hình Biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; chủ trương và giải pháp của Việt Nam.
Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của QH và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
Thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhiều ý kiến cho rằng, cần điều chỉnh chương trình theo hướng đẩy nhanh việc xây dựng, trình QH thông qua nhiều dự án luật quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội. Đại biểu Nguyễn Minh Thông (Thanh Hóa) cho rằng, Hiến pháp (sửa đổi) vừa có hiệu lực thi hành đầu năm 2014, trong đó quy định nhiều vấn đề mới, do vậy nhiệm vụ trong thời gian tới là rà soát các luật nhằm sửa đổi, bổ sung phù hợp Hiến pháp. Các đại biểu Đặng Văn Hiếu (Thanh Hóa), Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, cần có sự ưu tiên thỏa đáng đối với các luật quan trọng, bức thiết hiện nay như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi). Thực tế cho thấy, các vấn đề liên quan đến chính quyền địa phương đã được quy định trong Hiến pháp, tuy nhiên hiện nay rất khó triển khai vì chưa có luật quy định cụ thể vấn đề này. Một số ý kiến đề nghị, cùng với việc đẩy nhanh xây dựng các dự án luật, cần chú trọng đến chất lượng của luật,
vì trong thời gian qua, nhiều luật được thông qua, nhưng khó đi vào cuộc sống và phải sửa đổi, bổ sung. Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh), hiện nay nhiều vấn đề bức thiết của xã hội cần có luật để điều chỉnh, nhưng cơ quan soạn thảo khi xây dựng luật không bảo đảm chất lượng khiến thời gian xem xét, thông qua bị kéo dài. Do vậy, cần có chế tài xử lý đối với các cơ quan soạn thảo không bảo đảm chất lượng khi xây dựng luật. Bên cạnh đó, cần có quy định khi trình dự án luật, cơ quan soạn thảo cần đồng thời trình các dự thảo Nghị định kèm theo, tránh tình trạng luật ban hành nhưng không có nghị định hướng dẫn thi hành.
Các đại biểu thảo luận tại tổ |
Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, các ý kiến tập trung làm rõ các quy định liên quan nhà chức trách trong lĩnh vực hàng không; hoạt động thanh tra hàng không; các quy định về phí, dịch vụ hàng không và công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không. Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), vấn đề an ninh, an toàn hàng không phải được đặt lên hàng đầu. Mặc dù, dự án Luật quy định cụ thể những hành vi bị cấm nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, nhưng chưa quy định cụ thể đơn vị nào chịu trách nhiệm chính. Hiện nay, trong khu vực sân bay có nhiều lực lượng thực thi pháp luật, như công an, hải quan, biên phòng, an ninh hàng không, do vậy nếu không quy định cụ thể dễ gây chồng chéo trong hoạt động của các cơ quan chức năng.
Ngày 22-5, ngày làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 7, buổi sáng QH thảo luận tại Hội trường về Luật BHYT (sửa đổi). Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã được các đại biểu QH thảo luận tại kỳ họp thứ 6 QH khóa XIII và dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 7 này.
Thảo luận về những nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, nhiều ý kiến đại biểu đồng tình với dự thảo Luật quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc để đẩy nhanh lộ trình thực hiện BHYT toàn dân. Bên cạnh đó, tính pháp lý của việc bắt buộc tham gia BHYT mang ý nghĩa nhân văn vì lợi ích chăm sóc sức khỏe cho người dân, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng, như các quy định bắt buộc tiêm chủng với phụ nữ có thai và trẻ em trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; quy định về bắt buộc chữa bệnh đối với người mắc bệnh tâm thần thể nặng, bệnh lao, phong đang thời kỳ lây truyền, bệnh lây truyền qua đường sinh dục và một số bệnh truyền nhiễm khác có thể gây nguy hại cho xã hội trong Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân; hay quy định đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá đối với quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá...
Để đảm bảo tính khả thi và thúc đẩy việc thực hiện chính sách BHYT bắt buộc, các ý kiến đại biểu đề nghị Nhà nước phải tăng cường hoạt động tuyên truyền vận động các đối tượng, bố trí nguồn lực đảm bảo, nâng cao y đức và chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), đổi mới phương thức thực hiện chính sách BHYT để vừa khuyến khích, vừa hỗ trợ người dân chủ động tham gia BHYT, nâng cao trách nhiệm an sinh đối với bản thân, gia đình và xã hội; đồng thời, tổ chức để người dân có thể tiếp cận và đóng BHYT theo hộ gia đình được thuận lợi tại tất cả các địa bàn trên phạm vi cả nước.
Một số đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ đảm bảo tính khả thi và nghiêm minh và có chế tài xử phạt đủ mạnh đối với trường hợp trốn tránh không đóng BHYT bắt buộc; song song với đó cũng cần đơn giản hóa thủ tục mua BHYT, cấp thẻ BHYT, đặc biệt nâng cao chất lượng KCB BHYT, đáp ứng yêu cầu KCB của nhân dân, linh hoạt để mọi người dân có thể tiếp cận KCB BHYT. Đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân thu hút đông đảo người dân tham gia BHYT bắt buộc.
Các đại biểu cũng bày tỏ sự đồng tình nhất trí cao với việc khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình, cho rằng hình thức tham gia BHYT theo hộ gia đình sẽ góp phần khắc phục được tình trạng chỉ có người ốm mới tham gia BHYT, bên cạnh đó tăng thêm nguồn lực cho quỹ BHYT, thể hiện sự chia sẻ cộng đồng, tinh thần tương trợ, giúp đỡ người khó khăn, hộ gia đình khó khăn.
Nhiều ý kiến đại biểu không đồng tình với đề nghị bỏ quy định tuyến KCB, người tham gia BHYT được hưởng 100% chi phí KCB BHYT khi đi KCB tại bất kỳ cơ sở y tế nào, bởi theo quy định pháp luật hiện hành, trường hợp cấp cứu, người bệnh có thể đến bất kỳ cơ sở y tế nào để KCB và được quỹ BHYT chi trả. Với các trường hợp không phải cấp cứu thì sẽ theo tuyến chuyên môn kỹ thuật y tế từ thấp đến cao, quy định này nhằm tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân, đồng thời góp phần sử dụng quỹ BHYT hợp lý. Trong điều kiện hiện nay, quy định như trong dự thảo Luật về tuyến KCB đối với người tham gia BHYT là tương đối hợp lý.
Việc người có thẻ BHYT có thể đi đến bất cứ bệnh viện tuyến nào để KCB và được quỹ BHYT chi trả toàn bộ thường chỉ áp dụng với BHYT tư nhân/thương mại, vì đó là loại mức phí phải đóng rất cao và chỉ bảo hiểm một số loại bệnh nhất định. Hiện nay, các bệnh viện ở nước ta chưa đồng đều về trình độ chuyên môn kỹ thuật y tế, nếu bỏ quy định về tuyến vào thời điểm này là chưa phù hợp.
Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, QH đã nghe Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình dự án Luật Tổ chức Viện KSND (sửa đổi) và nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức Viện KSND (sửa đổi).
Buổi chiều, QH thảo luận ở tổ về Dự án Luật Tổ chức Viện KSND (sửa đổi) và Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)./.
Theo Nhân dân