Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4-2014

08:05, 02/05/2014

Ngày 29-4, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4-2014 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2014 của Bộ KH và ĐT, kinh tế vĩ mô bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực; lạm phát được kiềm chế, giá cả, thị trường tương đối ổn định. Lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tỷ giá, thị trường ngoại hối tương đối ổn định; dự trữ ngoại tệ của Nhà nước tăng cao; thị trường vàng từng bước đi vào hoạt động ổn định.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với báo chí làm rõ về một số vấn đề người dân quan tâm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với báo chí làm rõ về một số vấn đề người dân quan tâm.

Xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất, kinh doanh tăng trở lại. Vốn FDI đăng ký và thực hiện đều tăng so với tháng trước; giải ngân vốn ODA đạt khá. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, chứa đựng nhiều rủi ro. Cả khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực công nghiệp, xây dựng đều còn nhiều khó khăn; chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản còn gặp nhiều dịch bệnh; sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến và chế tạo gặp khó khăn do chi phí đầu vào cao, sức mua giảm, tiêu thụ chậm; tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Trong lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết tính thanh khoản của hệ thống tiếp tục được cải thiện; lãi suất cho vay giảm; thị trường ngoại hối và thị trường vàng ổn định; không có yếu tố đột biến về giá... Từ những kết quả thực tế đạt được trong công tác chỉ đạo, điều hành, NHNN cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 12-14%, mục tiêu kiềm chế lạm phát đã được đề ra cho năm 2014 là hoàn toàn có thể thực hiện được.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cho rằng, những kết quả tích cực đạt được trong 4 tháng đầu năm, đặc biệt là việc giữ được sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế được lạm phát, duy trì được sự ổn định của giá cả, thị trường... sẽ tạo điều kiện, tiền đề thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2014 đã đề ra.

Các thành viên Chính phủ cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm tiếp tục thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Nhiều thành viên Chính phủ đề nghị đi liền với duy trì và tăng cường tính ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô cần tiếp tục tập trung cao độ cho tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa; thực hiện hiệu quả hơn các giải pháp quản lý giá cả, thị trường, bảo đảm cung - cầu hàng hóa; tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, trốn thuế, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... Cùng với đó cần đặc biệt quan tâm theo dõi, giám sát diễn biến tình hình dịch bệnh, tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh sởi.

Đề cập đến công tác phòng chống dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả các chương trình phòng chống dịch bệnh, đồng thời cân đối, tăng thêm kinh phí cho chương trình y tế dự phòng, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Về dịch sởi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng khi dịch sởi xảy ra, Bộ Y tế đã trực tiếp chỉ đạo và đạt được những kết quả tích cực, song có 2 điều cần nhìn nhận, nghiêm túc rút kinh nghiệm: Thứ nhất là số trẻ mắc sởi vừa rồi chủ yếu là do không tiêm chủng, trong khi vắc-xin sởi Việt Nam đã tự sản xuất được; thứ 2 là số trẻ mắc sởi và tử vong chiếm tới 97% ở Bệnh viện Nhi Trung ương chủ yếu là do lây nhiễm chéo. Qua đó cho thấy công tác tuyên truyền cho nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, tác dụng của tiêm chủng, trong đó có tiêm vắc-xin sởi là chưa tốt, cùng với đó cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác tuyên truyền, chỉ đạo phân tuyến bệnh nhân, tránh bệnh nhân đổ dồn về một bệnh viện, gây hiện tượng lây nhiễm chéo.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phòng chống các dịch bệnh khác theo chu kỳ mùa như dịch sốt xuất huyết, bệnh chân tay miệng.

Nhấn mạnh thời gian qua tình hình dịch bệnh ở người diễn biến phức tạp, gây tử vong cao khiến nhân dân hoang mang, lo lắng, đồng thời xuất hiện nhiều thông tin trái chiều, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các cơ quan hữu quan cần làm rõ hơn nguyên nhân, kịp thời thông tin để nhân dân hiểu rõ, tránh lan truyền những luồng thông tin không chính xác, không có lợi.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm thúc đẩy cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi đến làm việc tại các cơ quan công quyền; đẩy mạnh tiến độ giải ngân, giải phóng mặt bằng cho các dự án, nhất là những dự án giao thông trọng điểm.

Nhận định xu hướng phục hồi, phát triển kinh tế tương đối tốt, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý cần tiếp tục quan tâm xây dựng các kế hoạch, nhiệm vụ mang tính dài hạn; quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu doanh nghiệp, xử lý nợ xấu nhanh và hiệu quả hơn; quan tâm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, nhất là trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội... Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm tới việc chỉ đạo đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; tăng cường kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả do nạn khai thác cát lậu gây ra; tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất sữa cho trẻ em.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ VH, TT và DL Hoàng Tuấn Anh đã báo cáo Chính phủ về việc tổ chức Đại hội thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 5. Về vấn đề này, Thủ  tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành chức năng, các địa phương liên quan chuẩn bị và tổ chức tốt Đại hội thể thao này trên tinh thần cơ sở vật chất đã có đủ, không đầu tư ngân sách thêm cho bất cứ một công trình nào.

Một số thành viên Chính phủ cũng đề xuất cần đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm quốc gia; tiếp tục tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn...

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, bức tranh chung của tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2014 tiếp tục trên đà chuyển biến tích cực ở các lĩnh vực; kinh tế vĩ mô nhìn tổng thể là ổn định; lạm phát được kiểm soát tốt, từ kết quả thực tế cụ thể có cơ sở khẳng định kiểm soát được lạm phát của cả năm ở mức dưới 6%; tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng mạnh, lãi suất giảm; trong 4 tháng qua xuất nhập khẩu tăng mạnh, có xuất siêu; thu ngân sách đạt những kết quả tích cực...

Tuy nhiên Thủ tướng cũng cho rằng, sự chuyển biến của tình hình còn chậm, còn chưa vững chắc; kinh tế - xã hội của đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, công nghiệp tăng song còn chậm, doanh thu bán lẻ hàng hóa dịch vụ đạt thấp, tổng cầu tăng thấp, tổng phương tiện thanh toán tăng chậm; lĩnh vực văn hóa, xã hội, cải cách hành chính tuy có nhiều tiến bộ song vẫn còn mặt này, mặt khác chưa đạt được như mong muốn.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra từ đầu năm; chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần trách nhiệm cao nhất, quyết liệt, bao quát, sâu sát, kịp thời, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra cho năm 2014.

Với tinh thần chung như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ các nhiệm vụ cụ thể, trước hết là phải tập trung tăng tổng cầu, quyết liệt chỉ đạo tăng tổng cầu bằng 2 kênh chính, thứ nhất là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn FDI, ODA, vốn đối ứng, đẩy nhanh tiến độ các dự án, các công trình trọng điểm... Đảm bảo việc sử dụng các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách đúng mục đích, hiệu quả và theo đúng quy định. Thủ tướng khẳng định: “Kênh giải ngân là kênh góp phần quan trọng vào tăng tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng”.

Kênh thứ 2 là tiếp tục quan tâm tăng dư nợ tín dụng gắn liền với giải quyết nợ xấu, đảm bảo chất lượng tín dụng. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh, trong đó hết sức chú ý đến cải cách thủ tục hành chính; cải cách những thủ tục còn rườm rà, dễ phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực... nhất là thủ tục về đăng ký kinh doanh, đất đai, hải quan, thuế, việc thanh tra, kiểm tra; nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức. “Tăng trưởng, công ăn việc làm cho người lao động phụ thuộc vào việc tăng tổng cầu”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý việc tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp theo kế hoạch, làm nhanh nhưng phải chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định.

Cơ bản nhất trí với chủ trương về việc áp dụng biện pháp bình ổn đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo đề nghị của Bộ Tài chính, song Thủ tướng nhấn mạnh phải thực hiện một cách bài bản, chặt chẽ về pháp luật, đồng thời làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền cho dư luận, nhân dân, doanh nghiệp về chủ trương này.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, kịp thời hỗ trợ các hộ nghèo, các hộ khó khăn trong thời kỳ giáp hạt, thực hiện tốt các biện pháp dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; Bộ Y tế giám sát chặt chẽ, thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan, phát sinh trên diện rộng; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông.

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe, thảo luận về Báo cáo tình hình thị trường bất động sản, nhà ở và sửa đổi bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; Tờ trình của Bộ Tài chính về việc áp dụng biện pháp bình ổn đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; thảo luận và cho ý kiến đối với Dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai Hiến pháp năm 2013; Báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 13, Luật Quốc tịch Việt Nam; Dự án Luật An toàn thông tin số./.

Theo baodientu.chinhphu.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com