Sơn La: Ưu tiên phát triển thương mại và dịch vụ

08:04, 29/04/2014

Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội giai đoạn 2014-2020, tỉnh Sơn La triển khai nhiều giải pháp phát triển lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Theo đó, tỉnh huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, các trung tâm thương mại, siêu thị ở những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển; mở rộng mạng lưới dịch vụ nông nghiệp ở nông thôn, hệ thống các chợ đầu mối để giao lưu buôn bán, tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu. Nâng cấp cửa khẩu quốc tế Lóng Sập (Mộc Châu) và cửa khẩu Chiềng Khương (Sông Mã) để phát huy tiềm năng, củng cố quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào. Xây dựng quy hoạch khu du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La; xây dựng Mộc Châu trở thành khu du lịch quốc gia; ưu tiên phát triển du lịch vùng lòng hồ Sông Đà...

Tỉnh đang tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thủ tục thành lập doanh nghiệp... Xúc tiến đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, chế biến hàng hóa nông sản; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng để đến năm 2020 phát triển các tổ chức tín dụng nhiều thành phần theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả với quy mô, loại hình có khả năng cạnh tranh lớn hơn trên thương trường. Tỉnh cũng tiếp tục hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Ninh Bình: Hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp

Tỉnh Ninh Bình tiến hành triển khai chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa với mục tiêu xây dựng, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng và trình độ để mang lại giá trị sản phẩm, đồng thời thúc đẩy khả năng cạnh tranh trên thị trường của các doanh nghiệp…

Theo đó, tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt dự án "Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp", trong đó ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện, xác định rõ các sản phẩm chủ lực mang tính đặc thù nhằm khai thác lợi thế và điều kiện sẵn có tại địa phương. Các đơn vị sản xuất chủ động tham gia dự án để được hỗ trợ về đào tạo, tiếp cận các giải pháp tiên tiến. Đây là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp phát triển và lấy được uy tín trên thị trường. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp trong tỉnh cần tăng cường liên doanh, liên kết để sản xuất hàng hóa theo hướng khép kín, đồng thời tham gia tuyển chọn mặt hàng chủ lực tại địa phương để ưu tiên phát triển./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com