Tỉnh ủy Phú Yên vừa đề ra chương trình, kế hoạch đẩy mạnh đổi mới GD và ĐT toàn diện với mục tiêu: Xây dựng nền GD và ĐT mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt tạo chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả, bảo đảm giáo dục toàn diện. Theo đó để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh Phú Yên tập trung vào các giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với giáo dục; đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD và ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; đổi mới căn bản hình thức và phương thức thi, kiểm tra đánh giá kết quả GD và ĐT. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở; đổi mới công tác quản lý giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo; nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục; ứng dụng khoa học công nghệ trong giảng dạy và quản lý; chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế.
Hải Dương: Ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin nâng cao năng lực quản lý, điều hành
Tỉnh Hải Dương đầu tư 41 tỷ đồng, trong đó, 40 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, để đầu tư phát triển công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành của tỉnh.
Theo đó, tỉnh tập trung mở rộng hệ thống giao ban trực tuyến đối với các cơ quan Đảng và các cơ quan đoàn thể; Triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc đồng bộ tới tất cả các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã; Tiếp nhận, triển khai và phát triển các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng; Nâng cấp cổng thông tin điện tử của tỉnh; Xây dựng, cung cấp các dịch vụ hành chính công mức độ 3 cho các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã... Tỉnh phấn đấu đến hết năm 2014, tất cả các văn bản quy phạm pháp luật do tỉnh ban hành, toàn bộ thông tin chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh được đưa lên cổng thông tin điện tử của tỉnh. Toàn bộ các sở, ngành, UBND cấp huyện có trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử. Các huyện, thị xã, thành phố áp dụng mô hình "một cửa" hiện đại để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp...
Thanh Hóa: Tái cơ cấu các ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản
Tỉnh ủy Thanh Hóa đang tập trung thảo luận việc tái cơ cấu các ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị nông sản. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa mở rộng diện tích gieo cấy lúa lai, phát triển vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng cao; nhân rộng vùng trồng cây hoa màu có lợi thế so sánh, giá trị vượt trội như ớt, đậu tương; chuyển diện tích chuyên canh lúa thiếu nước tưới, năng suất thấp sang trồng mía, thâm canh cây lạc trên đất màu. Tỉnh Thanh Hóa ưu tiên, bố trí nguồn vốn tập trung nâng cấp các công trình thủy lợi, bảo đảm an toàn hồ đập; rà soát, chuyển diện tích trồng mía trên đất có độ dốc 15 độ trở lên sang trồng cây cao su, cây lâm nghiệp.
Trước mắt, tỉnh bố trí 2.600ha trồng cỏ, bảo đảm thức ăn cho các trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung. Các doanh nghiệp cùng nông dân đầu tư thâm canh cây sắn trồng tập trung, nhằm tăng năng suất, cung cấp cho ba nhà máy chế biến tinh bột sắn; phát triển, mở rộng vùng trồng cây cao su lên 25 nghìn ha; chuyển 14 nghìn ha quy hoạch vùng nguyên liệu giấy sang trồng cây cao su, các loại cây lâm nghiệp hàng hóa khác. Thanh Hóa định hướng phát triển diện tích trồng rừng; thâm canh hơn 70 nghìn ha luồng...
Theo Nhân dân