Cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự

07:04, 22/04/2014

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 27, sáng 21-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Dương Giang - TTXVN
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp.
Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Lượng án tồn đọng còn lớn

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh: Thi hành án dân sự (THADS) có vai trò quan trọng trong hoạt động tố tụng nói chung và quá trình giải quyết vụ án nói riêng. Đây là công đoạn cuối cùng của hoạt động tố tụng, bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án được chấp hành nghiêm chỉnh, góp phần tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước; qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước.

Tuy nhiên, thời gian qua công tác thi hành Luật THADS còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, thậm chí yếu kém. Trong đó nổi lên là: kết quả THADS có tăng lên so với trước khi có Luật nhưng chưa thật bền vững (năm 2013 đạt thấp hơn so với năm 2012 và chưa hoàn thành chỉ tiêu theo Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội); lượng án tồn đọng tuy có giảm nhưng số việc và tiền chuyển kỳ sau vẫn còn rất lớn và có xu hướng tăng lên (năm 2013 còn tồn 239.144 việc và trên 41.597 đồng, tăng so với năm 2012); việc phân loại án ở một số cơ quan THADS vẫn chưa thật chính xác, vẫn còn tình trạng chuyển từ án có điều kiện sang án không có điều kiện, trong khi Tòa án không nắm được bản án, quyết định mà Tòa án đã tuyên có được chấp hành đầy đủ hay không; việc tổ chức thi hành án trong nhiều vụ việc còn chưa kịp thời, gặp khó khăn, vướng mắc, trong đó có những trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ ràng, thiếu khả thi nhưng việc trả lời của Tòa án đối với yêu cầu của cơ quan thi hành án về giải thích bản án còn chậm, nhiều trường hợp dẫn đến khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài; công tác phối hợp trong THADS tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn còn bất cập, một số cấp uỷ, chính quyền địa phương có lúc, có nơi chưa thực sự quan tâm, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho công tác THADS...

“Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là những nguyên nhân xuất phát từ quy định của Luật THADS. Vì vậy việc sửa đổi, bổ sung Luật THADS là rất cần thiết” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường nêu rõ.

Dự thảo Luật bổ sung mới 11 điều; sửa đổi 65/183 điều và bãi bỏ 04/183 điều so với Luật hiện hành.

Cần bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật

Cơ quan thẩm tra dự án luật là Ủy ban Tư pháp và các ý kiến thảo luận tại phiên họp đều tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật. Tuy nhiên, các ý kiến thảo luận đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại dự án Luật nhằm bảo đảm thống nhất, tương thích với hệ thống pháp luật, nhất là các đạo luật liên quan trực tiếp đến hoạt động THADS như Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, các đạo luật về tố tụng...

Góp ý vào các nội dung cụ thể, về  phạm vi sửa đổi, bổ sung, các ý kiến cho rằng Luật THADS có hiệu lực từ ngày 1-7-2009, thực tế mới thực hiện được hơn 4 năm, phần lớn các quy định của Luật đang phát huy hiệu quả, nên phạm vi sửa đổi, bổ sung phải bảo đảm đúng theo Nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, với tính chất là luật sửa đổi, bổ sung một số điều, dự án Luật chỉ nên tập trung vào các nội dung nhằm giải quyết những vấn đề thực sự bức thiết cần phải sửa đổi ngay để tháo gỡ khó khăn, ách tắc trong công tác THADS. Do đó, phạm vi sửa đổi, bổ sung lần này nên tập trung vào các quy định không phù hợp với thực tiễn, khó triển khai thực hiện; xác định rõ quyền, nghĩa vụ của đương sự; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan; đặc biệt là quy định nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc hiện nay như: việc xác minh, truy tìm tài sản thi hành án; cưỡng chế thi hành án; việc phân loại điều kiện thi hành án và điều kiện xét miễn, giảm THADS...

Một trong những nội dung sửa đổi đáng lưu ý trong dự án luật liên quan tới khoản tiền chậm thi hành án. Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng án tồn đọng trong thời gian qua là do nhiều trường hợp người phải thi hành án mặc dù có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện, cố tình trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án của mình. Trong khi đó, theo pháp luật xử lý vi phạm hành chính, mức phạt hành chính đối với hành vi trì hoãn thực hiện nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp có điều kiện thi hành án là từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Mức phạt này không đủ sức răn đe đối với những trường hợp phải thi hành án khoản tiền lớn. Do đó, để tăng cường tính răn đe của pháp luật, đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bản án, quyết định của Tòa án, góp phần hạn chế tình trạng án tồn đọng, dự thảo Luật bổ sung quy định ngoài các khoản tiền phải thi hành theo bản án, quyết định của Tòa án, cứ mỗi ngày chậm thi hành thì người phải thi hành án phải nộp ngân sách nhà nước 0,05% trên tổng số tiền chưa thi hành án theo bản án, quyết định, kể từ ngày cơ quan THADS, người được thi hành án hoặc người được người thi hành án ủy quyền xác minh người phải thi hành án có điều kiện thi hành án.

Ủy ban Tư pháp tán thành với quan điểm cần có chế tài phù hợp đối với người phải thi hành án trong trường hợp họ có điều kiện nhưng cố tình trì hoãn không chấp hành án. Tuy nhiên, quy định mức thu 0,05% trên tổng số tiền chậm thi hành án để nộp vào ngân sách Nhà nước là chưa thỏa đáng. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Hiện lý giải, về nguyên tắc, hành vi trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, theo đó, mỗi ngày chậm nộp phạt sẽ bị tính thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp (khoản 1, Điều 78, Luật Xử lý vi phạm hành chính), nay lại quy định thu thêm 0,05% trên tổng số tiền chưa thi hành án để nộp ngân sách Nhà nước là không có cơ sở và trái với bản chất của xử phạt vi phạm hành chính. Hơn nữa, theo quy định tại Điều 305 Bộ luật Dân sự, trường hợp người có nghĩa vụ chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền thì người đó còn phải trả lãi đối với khoản tiền chậm trả và bên được hưởng phải là người được thi hành án. "Như vậy, dự thảo Luật quy định mức thu 0,05% trên tổng số tiền chậm thi hành án và nộp vào ngân sách Nhà nước là trái với quy định về trách nhiệm dân sự" - Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện khẳng định./.

Theo qdnd.vn


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com