Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam

08:01, 20/01/2014

Ngày 17-1-2014, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý (TGPL) ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Internet
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Internet

Ngày 10-5-2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 678/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Qua hơn 2 năm triển khai Chiến lược, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong phạm vi toàn quốc và đã đạt được những kết quả nhất định. Thông qua thực hiện các mục tiêu, giải pháp của Chiến lược, công tác TGPL đã trở thành cầu nối giữa chính quyền và nhân dân, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL; nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân, tích cực tham gia xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan, ban, ngành trong công tác này, góp phần ổn định tình hình chính trị xã hội. Đồng thời góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong việc bảo vệ nhân quyền, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới. Bộ máy cán bộ của tổ chức TGPL Nhà nước tiếp tục được kiện toàn và nâng cao năng lực. Đến nay, cả nước có 63 Trung tâm TGPL; tổng số biên chế của các trung tâm là 1.244 người; các Trung tâm TGPL đã thành lập 199 chi nhánh và 4.345 CLB TGPL tại các xã, phường, thị trấn. Các vụ việc TGPL tăng về số lượng và ngày càng bảo đảm về chất lượng, bước đầu đáp ứng được nhu cầu TGPL ngày càng tăng, đa dạng và phức tạp của người dân. Trong 2 năm, các tổ chức TGPL thực hiện trợ giúp 231.830 vụ việc, với 240.176 người được TGPL... Tuy nhiên, một số mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp đề ra trong Chiến lược chưa phù hợp; việc nâng cao nhận thức về TGPL còn hạn chế; công tác phát triển mạng lưới tổ chức TGPL Nhà nước chưa phù hợp, mạng lưới hỗ trợ hoạt động TGPL ở cơ sở chưa hiệu quả; đội ngũ người thực hiện TGPL chưa ổn định và việc bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ người thực hiện TGPL chưa được đầu tư xứng đáng; công tác xã hội hóa hoạt động TGPL chưa được đẩy mạnh; chất lượng vụ việc tham gia tố tụng chưa cao; công tác quản lý Nhà nước và công tác phối hợp trong hoạt động TGPL ở một số địa phương chưa hiệu quả; kinh phí cấp cho hoạt động TGPL còn hạn chế…

Để tiếp tục thực hiện chiến lược cần tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp như: Trong giai đoạn 2014-2016 tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về TGPL, đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động TGPL. Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội tham gia TGPL. Sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực và ngân sách cho công tác TGPL. Rà soát tính hiệu quả của tổ chức TGPL Nhà nước, đội ngũ người thực hiện TGPL. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về TGPL. Trong giai đoạn 2017-2020 cần tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật TGPL sửa đổi, bổ sung. Có lộ trình chuyển dần đội ngũ trợ giúp viên pháp lý thành luật sư. Nâng cao năng lực của đội ngũ người thực hiện TGPL. Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về TGPL…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, hoạt động TGPL là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta. Đồng chí đề nghị, Bộ Tư pháp cần tăng cường phối hợp với các bộ, ngành tổ chức tổng kết rà soát hoàn thiện thể chế để thực hiện tốt Chiến lược. Trong đó thể chế tổ chức hoạt động TGPL cần đổi mới hoàn thiện phù hợp với 3 trụ cột chính của Nhà nước và xã hội Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH đã được khẳng định trong Hiến pháp là kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Ngay sau hội nghị này, Bộ Tư pháp cần nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới công tác TGPL mới theo hướng Nhà nước quản lý và điều phối nhân lực và tài chính đảm bảo hoạt động TGPL có hiệu quả. Đề xuất các chính sách thiết thực đảm bảo hoạt động TGPL với những giải pháp và bước đi phù hợp với từng vùng, miền, đồng thời hoàn thiện TGPL trong chương trình giảm nghèo, phát triển xã hội đảm bảo quyền con người, quyền công dân, không để người dân đói nghèo về pháp lý. Rà soát sửa đổi, bổ sung chỉ tiêu chưa phù hợp trong Chiến lược; tập trung rà soát Đề án quy hoạch mạng lưới TGPL, kịp thời chấm dứt hoạt động của các tổ chức TGPL hoạt động không hiệu quả; quan tâm xây dựng nguồn nhân lực TGPL chất lượng cao./.

Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com