Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Cải cách tư pháp đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, chính trị - pháp lý của đất nước

07:12, 09/12/2013

Ngày 7-12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Cải cách tư pháp Trung ương tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan ở Trung ương và các địa phương khu vực phía Bắc về Dự thảo Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng BCĐ, cùng các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng BCĐ; Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao đồng chủ trì hội nghị.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương nỗ lực, tinh thần trách nhiệm cao của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình tiến hành tổng kết Chiến lược Cải cách tư pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị; đồng thời nhấn mạnh, chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng ta đề ra là một quyết định mang tính lịch sử, được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001). Thực hiện chủ trương này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 49-NQ/TW về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020. Thực hiện chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này sẽ tạo ra bước ngoặt cho nền tư pháp nước nhà với mục tiêu: "Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN". Đây là một trong những yêu cầu cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN mà chúng ta đã và đang xây dựng. Chủ tịch nước cho rằng, qua 8 năm triển khai thực hiện với sự triển khai đồng bộ, công tác cải cách tư pháp đã đạt được những kết quả bước đầu và có tác động tích cực đến đời sống xã hội, đời sống chính trị - pháp lý của đất nước. Bên cạnh đó, việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp cũng đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết. Chủ tịch nước đề nghị, các đại biểu cần thảo luận kỹ các nội dung nêu trong Dự thảo báo cáo, trong đó tập trung ba vấn đề quan trọng trong đổi mới tổ chức các cơ quan tư pháp, đó là: Tổ chức hệ thống TAND theo bốn cấp, gồm TAND cấp khu vực, cấp tỉnh, cấp cao và cấp tối cao; đồng thời tổ chức hệ thống Viện KSND bốn cấp phù hợp với hệ thống TAND. Cùng với đó là việc tổ chức, quản lý công tác thi hành án và tổ chức lại cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, làm rõ việc triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW thời gian qua trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, từng nhiệm vụ cụ thể của công tác cải cách tư pháp, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm. Các đại biểu cũng đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số nội dung về quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động của các cơ quan tư pháp, phù hợp với các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Hiến pháp (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, để có định hướng, xây dựng lộ trình và biện pháp thực hiện phù hợp tình hình thực tế của đất nước trong thời gian tới.

Dự kiến, bản Dự thảo sẽ được tiếp tục đưa ra lấy ý kiến tại khu vực phía Nam; sau đó, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh để trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến vào cuối năm 2013./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com