Rà soát, kiểm tra các dự án thủy điện; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

07:12, 04/12/2013

Ngày 2-12, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ KH và ĐT cho biết: tính đến ngày 20-11, dư nợ tín dụng ước tăng 7,21% so tháng 12-2012 (cùng kỳ tăng 3,5%). Tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) lũy kế đến ngày 15-11 ước đạt 657,55 nghìn tỷ đồng, bằng 80,6% dự toán năm (cùng kỳ 2012 đạt 80,1%). 11 tháng qua: tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 121 tỷ USD, tăng 16,2%; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 121,12 tỷ USD, tăng 16,5% so cùng kỳ năm 2012; nhập siêu 11 tháng khoảng 96 triệu USD, bằng 0,08% tổng kim ngạch xuất khẩu; giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi đạt khá, ước 4,043 tỷ USD, tăng 13,5% so cùng kỳ năm 2012; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,6% (cùng kỳ 2012 tăng 5,9%); tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 12,56% so cùng kỳ năm 2012; phát triển doanh nghiệp (DN) có dấu hiệu cải thiện, số DN đăng ký thành lập mới có xu hướng tăng dần, 11 tháng tăng 9,5% và số DN quay trở lại hoạt động khoảng 12,7 nghìn DN...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp. Ảnh: Đức Tám - TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp. Ảnh: Đức Tám - TTXVN

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng nghe và thảo luận: Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Báo cáo về kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện; dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số giải pháp thực hiện NSNN theo Nghị quyết của Quốc hội...

Thảo luận về việc phát triển nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đưa nhiều giống mới vào sản xuất nông nghiệp vì tăng trưởng của ngành đang có dấu hiệu chậm lại; khuyến khích, có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để DN đầu tư xây dựng nhà máy ở khu vực nông thôn để giải quyết việc làm; ưu đãi đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đồng tình với ý kiến này, Bộ trưởng Bộ KH và CN Nguyễn Quân khẳng định, muốn đưa KHCN vào lĩnh vực nông nghiệp thì sản xuất phải tiến hành trên quy mô lớn như cánh đồng mẫu lớn mới có thể đưa cơ giới vào.

Các thành viên Chính phủ cũng dành nhiều thời gian thảo luận vấn đề các dự án thủy điện (DATĐ), nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc phân cấp quản lý các dự án này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sự cần thiết phải tiếp tục phát triển các DATĐ nhưng cần thiết phải rà soát, kiểm tra lại an toàn, quy trình vận hành của tất cả hồ đập, hạn chế các tác động tiêu cực. Mặc dù được phân cấp nhưng Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước phải chịu trách nhiệm chính việc này. Đối với những DATĐ đang triển khai xây dựng, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước kiểm tra thấy dự án nào an toàn, đủ điều kiện thì cho phép tiếp tục làm, dự án nào không bảo đảm an toàn thì kiên quyết đình chỉ. Bộ NN và PTNT rà soát, phải có cơ chế đặc thù để làm tốt hơn công tác di dân, tái định cư các DATĐ, nhất là dứt điểm những nơi còn tồn đọng, vướng mắc. Đẩy mạnh công tác trồng bù rừng đối với các DATĐ. Bộ TN và MT phải chịu trách nhiệm hoàn thành việc ban hành quy trình vận hành hồ chứa cả mùa lũ lẫn mùa kiệt đối với những lưu vực còn lại. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm buộc chủ đầu tư DATĐ phải tuân thủ đúng quy trình vận hành. Đối với các DATĐ chưa làm nhưng nằm trong quy hoạch, Bộ Công thương chịu trách nhiệm phối hợp các địa phương rà soát chặt chẽ từ thiết kế kỹ thuật, an toàn đập, trồng bù rừng, quy trình vận hành hồ chứa...

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng qua có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến tăng mạnh hơn. Tuy nhiên, khó khăn và thách thức vẫn còn nhiều, nhiệm vụ cuối năm hết sức nặng nề, do đó, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung chỉ đạo, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tiền tệ, tài khóa, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, cân đối hàng hóa, tăng cường kiểm soát thị trường, không để giá cả tăng đột biến. Chú ý quan tâm, chăm lo Tết cho các đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công, đồng bào vùng bị thiên tai. Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng trên cơ sở làm nhà tránh lũ có kết quả tốt vừa qua, tính toán, cân đối nguồn lực để triển khai tiếp chương trình.

Thủ tướng chỉ đạo, từ nay đến cuối năm, nhất là dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, các bộ, ngành chức năng phải tăng cường bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm ATGT, tăng cường phòng, chống cháy nổ. Trên cơ sở đề xuất về ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH, ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng nhất trí nghỉ Tết sẽ bắt đầu từ ngày 28-1 (ngày 28 tháng Chạp âm lịch) đến hết ngày 5-2-2014 (mùng 6 Tết). Như vậy tổng số ngày nghỉ Tết là chín ngày và sẽ làm bù vào hai ngày thứ bảy trước và sau Tết (25-1 và 8-2). Điều này sẽ tạo điều kiện cho người dân có thêm thời gian nghỉ trước Tết để mua sắm, đi lại, góp phần làm giảm áp lực giao thông mà vẫn tuân thủ Luật Lao động. Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay đang là mùa khô, cho nên các bộ, ngành, địa phương cần tập trung quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân các công trình trọng điểm, cấp bách. Những công trình nào chưa bố trí được vốn trái phiếu Chính phủ, NSNN, ODA... thì xem xét tạm ứng vốn; ưu tiên tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Bộ Công thương tập trung chỉ đạo, quyết liệt thúc đẩy nhanh đầu tư xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện, bảo đảm cung ứng điện đầy đủ, ổn định, có dự phòng an toàn trong những năm tới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, các bộ, ngành liên quan phải bảo đảm kế hoạch thu NSNN năm nay, bảo đảm thu đúng, thu đủ, chống thất thu; tăng cường tiết kiệm chi chặt chẽ.

Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các ngành tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành pháp luật, bảo đảm hết năm 2013 cơ bản không còn văn bản nợ đọng và nâng cao chất lượng văn bản.

* Chiều 2-12, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên. Cùng dự, có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Sau khi thông báo vắn tắt những nội dung chính của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Nên, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành trả lời một số câu hỏi của các nhà báo.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Đồng Tiến cho biết: Nhằm chia sẻ với người dân khắc phục hậu quả các trận bão lũ vừa qua, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương đánh giá mức độ thiệt hại liên quan khoản vay của các ngân hàng; các tổ chức tín dụng đang tiến hành miễn giảm lãi, cơ cấu các khoản nợ, khoanh nợ cho các hộ dân bị thiệt hại, dành vốn cho vay mới cho sản xuất, khắc phục khó khăn đời sống. NHNN tiếp tục tập hợp báo cáo để đưa ra các biện pháp hỗ trợ tiếp theo, vấn đề nào vượt thẩm quyền sẽ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đánh giá sơ bộ tại 10 tỉnh, NHNN cho biết, thiệt hại ước khoảng 1.500 tỷ đồng đối với các khoản vay. Các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ 300 tỷ đồng; miễn, giảm lãi, khoanh nợ hơn 200 tỷ đồng...

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com