Bộ Tài chính triển khai nhiệm vụ công tác tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2014

08:12, 31/12/2013

Ngày 30-12-2013, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố cả nước tổng kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2013, triển khai nhiệm vụ công tác tài chính - NSNN năm 2014. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh, Cục Dự trữ Nhà nước Hà Nam Ninh và Chi cục Hải quan Nam Định.

Hội nghị triển khai công tác năm 2014 của Bộ Tài chính.
Hội nghị triển khai công tác năm 2014 của Bộ Tài chính.

Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, sự nỗ lực vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, công tác điều hành tài chính - NSNN năm 2013 đã đạt được những kết quả tích cực. Tổng thu NSNN đạt khoảng 99% dự toán, tăng trên 16 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội. Chi NSNN ước đạt dự toán Quốc hội đã quyết định. Công tác quản lý chi tiêu được tăng cường. Bội chi NSNN được điều hành trong phạm vi Quốc hội đã cho phép điều chỉnh là 5,3% GDP. Năm 2013, nhu cầu huy động vốn cho bù đắp bội chi ngân sách, trái phiếu Chính phủ và đảo nợ lên tới 300 nghìn tỷ đồng, tăng trên 100 nghìn tỷ đồng so với năm 2012. Bộ Tài chính đã công bố công khai kế hoạch phát hành trái phiếu ngay từ đầu năm; điều hành linh hoạt lãi suất, kỳ hạn, tần suất phát hành để đảm bảo khối lượng huy động với chi phí phù hợp; tăng cường phát hành trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 15 năm... Nhờ vậy, việc huy động vốn đã đạt yêu cầu đề ra, riêng trái phiếu Chính phủ đã phát hành được trên 181 nghìn tỷ đồng, đạt kế hoạch huy động, góp phần quan trọng vào việc cân đối NSNN. Dự kiến dư nợ công đến hết năm 2013 là 56,2% GDP, nợ Chính phủ là 42,6% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 39,5% GDP, đảm bảo các chỉ tiêu nợ vẫn nằm trong giới hạn an toàn, không tác động lớn đến kinh tế vĩ mô.

Căn cứ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015), Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2014 đã được Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính xác định mục tiêu tổng quát nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2014 là: Thực hiện điều chỉnh chính sách thu nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư; xây dựng dự toán thu ngân sách tích cực, đúng chế độ, phản ánh sát hoạt động của nền kinh tế và tình hình tài chính của các doanh nghiệp; bố trí dự toán chi chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, cơ cấu lại các nhiệm vụ, chương trình, dự án theo hướng lồng ghép, tiết giảm; đảm bảo các nhiệm vụ chi cần thiết, quan trọng nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi tăng trưởng, đảm bảo quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại trong tình hình mới. Về thu NSNN, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua dự toán thu cân đối NSNN năm 2014 là 782.700 tỷ đồng. Dự toán chi NSNN năm 2014 là 1.006.700 tỷ đồng, tăng 28.700 tỷ đồng so với dự toán năm 2013; trong đó dành khoảng 54 nghìn tỷ đồng cho các nhiệm vụ tăng chi. Bội chi NSNN được Quốc hội thông qua năm 2014 là 5,3% GDP. Với tỷ lệ bội chi này, dự kiến đến 31-12-2014, dư nợ công khoảng 59,8% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 46,2% GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,4% GDP. Về huy động vốn: Mức phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư năm 2014 là 100 nghìn tỷ đồng, cộng với huy động cho bù đắp bội chi và đảo nợ thì tổng số tiền phải huy động trong năm 2014 tăng gần 100 nghìn tỷ đồng so với năm 2013. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2014, hội nghị thống nhất một số giải pháp: Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi tăng trưởng, tạo nguồn thu ngân sách; kết hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tài khóa - tiền tệ. Quản lý chi chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; cơ cấu lại chi NSNN; rà soát lại các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách chi ngân sách để đảm bảo thiết thực, hiệu quả; quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ các loại hình thị trường; quản lý nợ công chặt chẽ, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia; đẩy mạnh tái cấu trúc DNNN; đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công, giá dịch vụ công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ biểu dương sự nỗ lực, phấn đấu và kết quả đạt được của ngành Tài chính trong năm 2013. Về công tác thu ngân sách vượt gần 1% so với dự toán đầu năm, đảm bảo cân đối ngân sách năm 2013 theo đúng kế hoạch. Từ việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh đã góp phần vào kết quả tăng trưởng GDP cả năm đạt mức gần 5,5%. Công tác quản lý, điều hành thị trường chứng khoán, bảo hiểm có sự khởi sắc, an sinh xã hội được đảm bảo, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế có những kết quả bước đầu khả quan... Thủ tướng nhấn mạnh: Năm 2014 nền kinh tế trong nước có những chuyển biến tích cực nhưng tăng trưởng còn ở mức thấp, kinh tế vĩ mô có lĩnh vực chưa thật vững chắc... Bối cảnh đó sẽ đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với ngành Tài chính. Để phục hồi nền kinh tế cần tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo hướng không để lạm phát vượt quá mức 7%. Tiếp tục ổn định tỷ giá, giữ vững giá trị đồng nội tệ (VND) và mức lãi suất ngân hàng đang được duy trì trong năm 2013, giá trị xuất khẩu đảm bảo mức tăng trưởng không dưới 10%, tăng dự trữ ngoại tệ; phấn đấu mức tăng trưởng của nền kinh tế đạt mức 5,8%, giảm 1,7-2% tỷ lệ hộ nghèo, tạo việc làm mới cho 1,6 triệu lao động... Thủ tướng đồng tình với những giải pháp của ngành, đồng thời đề nghị ngành Tài chính phải phối hợp chặt chẽ và hiệu quả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ. Triển khai có hiệu quả các chính sách tài chính, chính sách thuế, thực hiện nghiêm các chính sách miễn, giảm về thuế để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Các ngành cần phối hợp tốt trong việc huy động vốn bằng trái phiếu Chính phủ, phấn đấu mức huy động đạt 400 nghìn tỷ đồng để có vốn đầu tư cho nền kinh tế. Quản lý tốt về giá để tránh lạm phát, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán 2014, Bộ Tài chính cần kiểm soát giá thị trường theo lộ trình khoa học, có chính sách cụ thể đối với hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa; bảo đảm công khai, minh bạch về giá thị trường đối với những mặt hàng không được Nhà nước trợ giá. Tập trung thu ngân sách cả năm 2014 đạt kế hoạch bằng việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp ngay từ đầu năm, kịp thời ngăn chặn các hành vi trốn thuế, lậu thuế, gian lận thương mại theo đúng quy định của pháp luật. Quản lý chặt chẽ và tiết kiệm trong công tác chi ngân sách. Thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế mà trọng tâm là đầu tư công. Tiếp tục cải cách hành chính, trong đó có cải cách thể chế và thủ tục hành chính./.

Quang Lộc
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com