Thông qua 2 luật, thảo luận 2 dự án luật

07:11, 26/11/2013

Ngày 25-11, kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ hai mươi tám. QH đã thông qua Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Luật Tiếp công dân. Cũng trong chương trình làm việc, các ĐB thảo luận về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) và Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Thảo luận về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi), đa số các ý kiến đều thống nhất về việc cần thiết xây dựng Luật Xây dựng (sửa đổi) cho phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay nhằm hạn chế những thất thoát, lãng phí trong xây dựng. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tập trung thảo luận về vai trò quản lý Nhà nước giữa các đơn vị, ngành; trách nhiệm của chủ đầu tư...

Đánh giá về dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) nhận định, dự thảo Luật cơ bản giải quyết những mâu thuẫn chồng chéo, bảo đảm sự thống nhất với các Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp và nhiều luật khác, đặc biệt việc sửa đổi lần này đã thể hiện được vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, phần nào đã nâng cao được hiệu quả nguồn vốn đầu tư, chống thất thoát, lãng phí theo nguyên tắc tiền kiểm, quản lý, giám sát, tập trung kiểm soát kỹ vấn đề quy hoạch, tiêu chuẩn về chất lượng, bảo vệ môi trường. Dự thảo Luật đạt được sự thống nhất trong hoạt động thu hút nguồn lực đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả đầu tư. Đồng thời, thống nhất thay thế cụm từ “hoạt động đầu tư xây dựng” bằng cụm từ “hoạt động xây dựng” tại Luật Xây dựng hiện hành bởi trong quá trình hoạt động đầu tư xây dựng là quá trình từ khâu đầu tới khâu cuối, thể hiện trong Điều 4, Điều 8, Điều 10 là Luật cần quy định rõ loại và cấp công trình xây dựng do hoạt động đầu tư xây dựng là một hoạt động bao gồm nhiều thành phần kinh tế tham gia, nhiều hình thức đầu tư, Luật quy định rõ về thành phần phân loại và cấp công trình để quản lý Nhà nước cho hiệu quả. ĐB dẫn chứng nhiều dự án nguồn vốn đầu tư rất lớn, rất quy mô nhưng do không phân rõ chức năng quản lý Nhà nước về cấp và loại công trình dẫn đến nhiều bức xúc như: thiếu không gian xanh, giao thông, điều kiện sống, môi trường sống. Để hoàn thiện Luật, Chính phủ cần sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Nhà ở, Luật Kiến trúc sư để tạo sự đồng bộ quản lý trong ngành, ĐB đề nghị.

Hiện nay, việc thống nhất phân cấp quản lý Nhà nước đối với quy hoạch vùng, đô thị, quy hoạch chức năng đặc thù, quy hoạch nông thôn và bổ sung quy định về quy hoạch các tuyến đường cao tốc, hành lang kinh tế công trình bởi trên thực tế việc quản lý các tuyến đường cao tốc, hành lang kinh tế còn nhiều bất cập. Vì vậy, ĐB đề nghị Luật quy định rõ vai trò quản lý Nhà nước giữa các đơn vị bộ, ngành đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng.

Về lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng, ĐBQH Lê Trọng Sang (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, dự thảo Luật không có quy định nào tiếp thu ý kiến cộng đồng. Chính điều này làm cho đồ án sau khi được phê duyệt thiếu tính khả thi, dẫn đến quy hoạch treo, gây lãng phí ngân sách, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. ĐB đề nghị Ban soạn thảo cần tổ chức tổng kết, đánh giá lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cộng đồng dân cư để có cơ sở đánh giá, rà soát xây dựng. Đồng thời, cần phải bổ sung những điều khoản cần thiết để ràng buộc trách nhiệm của các tổ chức liên quan như đạt bao nhiêu thì đạt được sự đồng thuận, trách nhiệm không tiếp thu, giải trình của các cấp thẩm quyền. Bên cạnh đó, cần quy định rõ vai trò các tổ chức quản lý độc lập, cơ quan độc lập thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng để bảo đảm tính khách quan, cũng như chất lượng của đồ án quy hoạch xây dựng. Đề nghị Chính phủ xây dựng, ban hành quy chế giám sát quy hoạch xây dựng để bảo đảm quy hoạch xây dựng có tính khả thi, phát hiện nhanh, xử lý kịp thời những quy hoạch xây dựng không phù hợp, kém chất lượng.

Thể hiện sự đồng tình với quy định về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, nhưng ở một góc nhìn khác, ĐBQH Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) cho rằng, dự thảo lần này có điều chỉnh đến yếu tố quản lý đầu tư cụ thể trong xây dựng để bảo đảm chất lượng, tránh thất thoát, đây là một đột phá mới trong lần sửa đổi này. Từ thực tiễn thi hành Luật, ĐB cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của Luật Xây dựng năm 2003.

Thứ nhất, công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng có ý nghĩa quyết định tính khả thi, hiệu quả của dự án. Nội dung chủ yếu của công tác này là việc lập và kiểm soát thiết kế cơ sở là một nội dung cốt lõi của dự án đầu tư xây dựng. Trong khi đó, pháp luật hiện hành về xây dựng chưa coi trọng vai trò của cơ quan chuyên môn trong việc thẩm định, góp ý của nội dung thiết kế cơ sở. Đồng tình với Ban soạn thảo trong việc đưa vào dự thảo nội dung giao cho các cơ quan chuyên môn về xây dựng của Nhà nước phải có trách nhiệm thẩm tra thiết kế cơ sở được quy định tại Điều 60, 61. Cơ quan chuyên môn của Nhà nước phải có trách nhiệm quản lý về quy hoạch kiến trúc, phương án tuyến, tác động của công trình đến môi trường… Tuy nhiên, ĐB cũng đề nghị, Ban soạn thảo phải bổ sung làm rõ được trách nhiệm của Nhà nước khi công trình xây dựng kém hiệu quả, chất lượng không tốt, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của nhân dân. Luật Xây dựng 2003 đã có quy định nhưng chưa chi tiết rõ ràng. Vì vậy, lần sửa đổi này phải quy định chi tiết hơn và làm rõ quyền và trách nhiệm của cơ quan chuyên môn về xây dựng của Nhà nước, ĐB nhấn mạnh.

Thứ hai, vai trò của cơ quan chuyên môn về xây dựng chưa cụ thể hóa trong việc kiểm soát công tác thực hiện đầu tư xây dựng từ khâu khảo sát thiết kế, thi công xây dựng, nghiệm thu, bảo hành bảo trì công trình xây dựng. Cùng với việc tinh giản bộ máy Nhà nước, giảm bớt thanh tra xây dựng ở cấp huyện thì việc quản lý Nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng xem ra có khoảng trống. Bởi công tác thanh tra, kiểm tra của Nhà nước trong quá trình đầu tư xây dựng trước khi đưa công trình vào sử dụng là rất quan trọng do công trình xây dựng có đặc thù là không cho phép chất lượng kém vì chất lượng kém sẽ nguy hại, ảnh hưởng đến sinh mạng cộng đồng khi sử dụng công trình.

Đồng tình với Ban soạn thảo về tăng cường công tác tiền kiểm ngay từ bước thẩm định, thiết kế cơ sở và thẩm định thiết kế kỹ thuật các công trình có nguy cơ cao khi có sự cố và công trình sử dụng vốn Nhà nước được quy định tại Điều 84, 85. Tuy nhiên, ĐB còn băn khoăn về năng lực thẩm tra cơ quan chuyên môn. ĐB đề nghị, Ban soạn thảo nên quy định chi tiết hoặc có điều khoản giao cho Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương có quản lý công trình xây dựng để ban hành quy định thống nhất việc tổ chức thẩm tra cho phù hợp với tình hình năng lực ở các bộ, ban, ngành.

Về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường, một số ĐB đề nghị dự thảo Luật cần quy định về nội dung, giải pháp và trách nhiệm trong phòng chống, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là trong tình hình thiên tai như hiện nay. Các ĐB cũng đồng tình cần thiết phải sửa Luật, vì ô nhiễm môi trường hiện nay tác động mạnh đến đời sống dân cư.

Nhiều ĐB thừa nhận việc đánh giá một số quy định trong pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa phù hợp, chưa sát thực tế, thiếu cụ thể dẫn đến chậm đi vào cuộc sống, không theo kịp yêu cầu phát triển của thực tiễn và hội nhập quốc tế, còn chồng chéo với các quy định của pháp luật khác.

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề mới nảy sinh như tác động của biến đổi khí hậu, an ninh môi trường, an ninh sinh thái, do đó đòi hỏi pháp luật về bảo vệ môi trường phải được cập nhật, bổ sung với các giải pháp đồng bộ, đủ mạnh, có tính đột phá. Bên cạnh đó, một số quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng về bảo vệ môi trường mới được ban hành, đặc biệt là Nghị quyết số 24, Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đòi hỏi pháp luật bảo vệ môi trường phải sớm cập nhật, bổ sung./.

Theo Nhân dân
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com