Thông qua Dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014; Bầu bổ sung một số chức danh trong các cơ quan của Quốc hội

07:11, 18/11/2013

Ngày 15-11, kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ hai mươi mốt. Buổi sáng, QH đã thông qua toàn bộ Dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương (NSTƯ) năm 2014. Buổi chiều, QH thảo luận tổ về hai dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa (GTĐTNĐ); Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương

Buổi sáng, với kết quả 87,75% số ĐBQH bỏ phiếu tán thành, QH đã thông qua toàn bộ Dự thảo Nghị quyết về phân bổ NSTƯ năm 2014. Theo đó, tổng số thu cân đối NSTƯ năm 2014 là 495.189 tỷ đồng, tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 287.511 tỷ đồng; tổng số chi cân đối NSTƯ là 719.189 tỷ đồng, bao gồm 211.585 tỷ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ NSTƯ cho ngân sách địa phương.

QH cũng đã xem xét về tổ chức nhân sự của Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của QH. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn ĐBQH về việc tăng số Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm một số Ủy ban của QH. QH thảo luận tại Đoàn về dự kiến nhân sự bầu bổ sung các chức danh này.

Bảo đảm an toàn phương tiện giao thông đường thủy

Thảo luận tổ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GTĐTNĐ, nhiều ý kiến nhấn mạnh điều kiện hoạt động của phương tiện tham gia giao thông, vận tải (Điều 24). Các ĐB: Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), Nguyễn Văn Học (Lâm Đồng) và Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) đề nghị, quy định điều kiện hoạt động đối với phương tiện GTĐTNĐ kinh doanh vận chuyển hành khách phải có yêu cầu cao hơn, khác biệt hơn, nhất là về hệ số an toàn so với phương tiện đi lại thông thường, nhằm tăng cường sự quản lý Nhà nước, bảo đảm an toàn cho hành khách. Đối với một số phương tiện chở khách đặc thù như tàu cao tốc, tàu cánh ngầm... cần bổ sung các quy định cụ thể hơn.

Nhiều ý kiến đồng tình bổ sung quy định phương tiện phải đủ thiết bị an toàn, thiết bị hỗ trợ hành trình, thiết bị thông tin, định vị, dẫn đường theo quy định. Vì hiện nay phương tiện GTĐTNĐ đã phát triển mạnh, nhiều loại phương tiện có trọng tải từ 200 đến 2.000 tấn nhưng được trang bị

rất thô sơ, thiếu thiết bị hỗ trợ hành trình. Về quy định những loại phương tiện cần đăng ký, đăng kiểm, các ĐB cho rằng, phải xuất phát từ yêu cầu bảo đảm ATGT, nhưng để phù hợp với trách nhiệm dân sự của các bên trong việc bảo đảm an toàn GTĐTNĐ và cải cách thủ tục hành chính, cần phân cấp việc đăng kiểm phương tiện cho UBND cấp tỉnh và tiến tới xã hội hóa công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa như đối với phương tiện đường bộ.

Liên quan nội dung này, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho biết, hiện nay xuất hiện loại phương tiện nổi như nhà nổi, bè nổi... nhưng chưa xác định được loại hình hoạt động. Do đó, cần nghiên cứu, đánh giá và nếu cần thiết sẽ điều chỉnh, quy định cụ thể trong dự thảo Luật.

Quản lý cư trú của người nước ngoài cần phù hợp thực tiễn

Góp ý vào dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, nhiều ĐB cho rằng, quy định tại Điều 43, Chương VII còn chung chung, khó khắc phục những hạn chế trong quản lý cư trú của người nước ngoài tại địa phương, cơ sở. Việc quy định như dự thảo Luật chưa làm rõ vai trò, vị trí của UBND các cấp, nhất là cấp huyện và cấp xã, vì đây là chủ thể trực tiếp quản lý toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội theo phân cấp.

Vì vậy, đề nghị bổ sung những quy định theo hướng phân định thẩm quyền, nhiệm vụ cụ thể và cơ chế phối hợp trong thực hiện. Về quy định khai báo tạm trú (Điều 26), các ĐB: Vũ Hải (Bình Thuận), Lê Minh Hiền (Khánh Hòa), Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, quy định tại điểm a, khoản 1: "... Chủ cơ sở lưu trú có trách nhiệm chuyển nội dung khai báo tạm trú của người nước ngoài đến cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương" là chưa phù hợp thực tiễn và khó khả thi. Theo đó, nên quy định chủ cơ sở lưu trú có trách nhiệm chuyển nội dung khai báo tạm trú của người nước ngoài tới công an xã, phường, thị trấn nơi tạm trú để tổng hợp báo cáo UBND sở tại và báo cáo lên công an cấp trên.

Khoản 5 (Điều 26) quy định: "Người nước ngoài không được cư trú tại khu vực biên giới...", một số ý kiến cho rằng, thực tiễn của nước ta, nhất là khu vực biên giới trên biển đã và đang triển khai nhiều mô hình kinh tế đặc thù liên quan hoạt động quản lý cư trú của người nước ngoài như khu kinh tế biển, đặc khu hành chính - kinh tế... Do đó, cần rà soát, nghiên cứu, đối chiếu với các nội dung trong Luật Biên giới quốc gia năm 2003 và các luật, nghị định liên quan cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để điều chỉnh quy định, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính khả thi của điều luật trong quản lý người nước ngoài tại khu vực biên giới và phù hợp thực tiễn.

Ngày 16-11, kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIII sang ngày làm việc thứ hai mươi hai. Buổi sáng, QH tiếp tục xem xét công tác nhân sự; nghe Tờ trình về dự án Luật Đầu tư công; biểu quyết thông qua Luật Việc làm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua - Khen thưởng. Buổi chiều, QH thảo luận về dự án Luật Hải quan (sửa đổi).

Xem xét công tác nhân sự

Đầu giờ làm việc buổi sáng, sau khi nghe Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Ủy ban Thường vụ QH báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn ĐBQH về dự kiến nhân sự bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm một số Ủy ban của QH, các ĐB biểu quyết thông qua danh sách để QH bầu các chức danh nói trên.

Tiếp đó, QH tiến hành bỏ phiếu. Kết quả, ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH, ĐBQH tỉnh Nghệ An, được bầu giữ chức Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH với 414 phiếu đồng ý, chiếm tỷ lệ 83,14% tổng số ĐBQH; ông Nguyễn Lâm Thành, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của QH, ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH với 405 phiếu đồng ý, chiếm tỷ lệ 81,33% tổng số ĐBQH; ông Phạm Trí Thức, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH, ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, được bầu giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH với 310 phiếu đồng ý, chiếm tỷ lệ 62,25% tổng số ĐBQH; ông Nguyễn Văn Tuyết, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH, ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, được bầu giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH với 413 phiếu đồng ý, chiếm tỷ lệ 82,94% tổng số ĐBQH; ông Đặng Thuần Phong, Ủy viên Thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội của QH, ĐBQH tỉnh Bến Tre, được bầu giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của QH với 408 phiếu đồng ý, chiếm tỷ lệ 81,93% tổng số ĐBQH; ông Vũ Hải Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của QH, ĐBQH tỉnh Đồng Nai được bầu giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH với 358 phiếu đồng ý, chiếm 71,89% tổng số ĐBQH.

Sau khi công bố kết quả kiểm phiếu, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến chúc mừng các ĐB đã trúng cử vào các chức vụ thuộc các cơ quan của QH, đồng thời mong muốn các vị phấn đấu hoàn thành tốt nhất trọng trách mà QH giao phó.

Tiếp đó, QH nghe Bộ trưởng Bộ KH và ĐT Bùi Quang Vinh trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư công và nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật nói trên.

Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, QH đã biểu quyết thông qua Luật Việc làm với 420 phiếu tán thành, chiếm tỷ lệ 84,34% tổng số ĐBQH và biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua - Khen thưởng với 425 phiếu tán thành, chiếm tỷ lệ 85,34% tổng số ĐBQH.

Tăng cường kiểm tra, giám sát trong hoạt động hải quan

Buổi chiều, thảo luận về dự án Luật Hải quan (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, sửa đổi Luật Hải quan là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc hiện nay trong hoạt động hải quan. Một số ý kiến cho rằng, cùng với cải cách thủ tục hải quan, cần có các biện pháp kiểm tra, giám sát hữu hiệu, tránh việc lợi dụng sự thông thoáng trong hoạt động hải quan để buôn lậu, trốn thuế. ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, thời gian qua xuất hiện nhiều trường hợp lợi dụng sự đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục hải quan để trục lợi như khai khống, buôn lậu, hoặc chuyển giá gây thất thu thuế và thiệt hại cho nền kinh tế. Do vậy, cùng với việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục, góp phần tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong hoạt động xuất, nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, dự án Luật cần quy định cụ thể các biện pháp kiểm tra, giám sát, tránh lợi dụng việc đơn giản hóa thủ tục để trục lợi. Một số ĐB đề nghị, cùng với cải cách thủ tục hành chính, cần kiện toàn lại lực lượng hải quan, nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ hải quan nhằm đáp ứng nhu cầu công việc trong quá trình hiện đại hóa hải quan. Bên cạnh đó, cần có chế tài xử lý nghiêm đối với cán bộ hải quan thực hiện sai quy trình, có biểu hiện tiêu cực trong khi làm nhiệm vụ.

Đề cập chế độ ưu tiên trong việc làm thủ tục hải quan, các ĐB Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên), Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) cho rằng, dự án Luật quy định những doanh nghiệp có uy tín, hằng năm xuất khẩu lượng hàng hóa lớn được ưu tiên trong việc làm thủ tục hải quan là điều cần thiết, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần có biện pháp hậu kiểm chặt chẽ, tránh rủi ro trong việc thực hiện thủ tục hải quan. Về vấn đề hậu kiểm, một số ĐB đề nghị, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương và phân định rõ trách nhiệm của các ngành, tránh tình trạng chồng chéo trong hoạt động kiểm tra, giám sát, nhưng không có đơn vị nào chịu trách nhiệm khi để xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan.

Liên quan tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, ĐB Trần Quang Chiểu (Nam Định) cho rằng, hoạt động hải quan liên quan đến nhiều ngành, nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác nhau. Do vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu để Luật Hải quan (sửa đổi) phù hợp các văn bản pháp luật hiện hành và phù hợp thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Chủ nhật, ngày 17-11-2013, QH nghỉ.

Hôm nay, thứ hai, ngày 18-11-2013, buổi sáng, QH họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH thảo luận ở tổ, hội trường và chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013); buổi chiều, thảo luận ở tổ về dự án Luật Phá sản (sửa đổi) và dự án Luật Đầu tư công./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com