Tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ

08:11, 22/11/2013

Ngày 20-11, kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIII vào ngày làm việc thứ hai mươi lăm. Các ĐBQH tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ, nghe các Bộ trưởng: NN và PTNT, Nội vụ, TT và TT trả lời chất vấn của các ĐBQH.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình tham gia giải trình thêm một số nội dung ngành Ngân hàng đã triển khai để hỗ trợ ngành Nông nghiệp. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trong thời gian qua, tín dụng và hệ thống ngân hàng phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn tăng trưởng rất nhanh. Trong vòng 5 năm, dư nợ tín dụng cho lĩnh vực này tăng gấp 2,2 lần và đã chiếm tới 22% trong tổng số dư nợ của nền kinh tế. Điều đó cũng tương xứng với tỷ trọng đóng góp của ngành Nông nghiệp vào GDP của đất nước. Đồng thời, bằng nhiều chính sách khác nhau, hệ thống ngân hàng đã khuyến khích các ngân hàng thương mại tập trung vốn để đầu tư cho phát triển nông nghiệp và nông thôn, thể hiện hướng đi đúng đắn trong hoạt động tín dụng ngân hàng phục vụ cho phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Tuy nhiên, hiện nay hoạt động sản xuất nông nghiệp và nông thôn đang có phần chững lại và có phần giảm sút ở một số lĩnh vực. Vì vậy, cần có các cơ chế, chính sách mới để giúp ngành Nông nghiệp phát triển ở một trình độ cao. Hệ thống ngân hàng đang tập trung sửa đổi các cơ chế, chính sách trong hoạt động tín dụng để phục vụ tốt hơn trong hoạt động NN và PTNT, nông dân và nông thôn.

Trả lời chất vấn của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng về vấn đề tạm trữ lúa gạo, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN đã cung cấp đầy đủ, kịp thời vốn cho công tác này. Các lĩnh vực khác, ngành cũng cung cấp một lượng vốn rất lớn cho sản xuất các sản phẩm chủ lực như cá tra, cá basa... Đến nay, tổng dư nợ trong lĩnh vực này là khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Trong lĩnh vực cây cà phê, hệ thống ngân hàng cũng đáp ứng đầy đủ nguồn vốn.

Tại phiên chất vấn, Thống đốc Nguyễn Văn Bình báo cáo thêm về hoạt động cho vay đối với người nghèo. Đến nay, tổng dư nợ cho vay người nghèo đã lên tới 118 nghìn tỷ đồng, trung bình mỗi năm tăng trưởng tín dụng dành cho người nghèo tăng đều đặn từ 7-10%. Trong khi đó, dư nợ xấu hay nợ quá hạn của người nghèo tại các ngân hàng này rất thấp, chưa đến 1% là bảo đảm nguồn vốn quay vòng phục vụ cho người nghèo trong thời gian vừa qua.

Kết luận phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, trong hai năm 2014, 2015 phải phục hồi lại đà tăng trưởng của GDP trong ngành Nông nghiệp. Đồng thời, cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp một cách toàn diện, cả ngành trồng trọt, nhất là cây lúa. Trong tái cơ cấu, cần chú ý việc tái cơ cấu từ sản xuất trên cánh đồng cho tới sản xuất chế biến, tới thị trường tiêu thụ để bảo đảm liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và trở thành một chuỗi liên kết, gắn kết với ngân hàng, đặt dưới sự quản lý, chỉ đạo, quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước. Bên cạnh đó, trong tái cơ cấu cần quan tâm đẩy mạnh việc xác định các sản phẩm quốc gia, các thương hiệu trong sản phẩm hàng hóa nông nghiệp để có thể phát triển ra thị trường quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, các ĐB đã tập trung chất vấn công tác tổ chức và biên chế bộ máy Nhà nước, đặc biệt là vấn đề chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Danh Út (Kiên Giang), Chu Sơn Hà (Hà Nội) bày tỏ lo ngại với con số 30% cán bộ, công chức không làm được việc. ĐB Huỳnh Nghĩa cho biết, theo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong việc tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cho thấy, đến hết năm 2012 cả nước có khoảng 1,7 triệu viên chức và 525.481 cán bộ, công chức. Trong đó về trình độ chuyên môn có hơn 64 nghìn cán bộ, công chức chưa qua đào tạo.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho rằng, con số 30% cán bộ, công chức không làm được việc là do dư luận, phản ánh của cử tri với mong muốn cần đổi mới, cải cách công vụ, công chức nhiều hơn. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020, trong đó có những nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức. Năm 2012, Thủ tướng ban hành Quyết định 1557 phê duyệt Đề án về cải cách công vụ, công chức từ nay đến năm 2015. Phần đánh giá về cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian qua đã được phân cấp cho các bộ, ngành, các địa phương. Nhưng về quản lý Nhà nước, ngành Nội vụ cũng có trách nhiệm. Để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức cần hoàn thiện tổ chức, tinh gọn bộ máy. Xác định vị trí, việc làm trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị để trên cơ sở đó định ra số công chức làm việc trong các cơ quan hành chính, số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, phải bổ sung, hoàn thiện chuyển ngạch đối với công chức và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức. Để bảo đảm các đánh giá chính xác, chúng ta phải hoàn thiện, bổ sung tiêu chí và phương pháp đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hằng năm.

Chất lượng cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, nhưng theo ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), việc thực hiện tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức trong thời gian vừa qua không đạt được kết quả như mong muốn. Tình trạng số lượng cán bộ, công chức, viên chức không những không giảm, thậm chí tăng hơn 20% sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 132 về tinh giản biên chế. Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, số lượng cán bộ, công chức, viên chức tăng chủ yếu cho các đơn vị mới được thành lập, các đơn vị cũ nhưng được bổ sung về chức năng, nhiệm vụ hoặc đơn vị chưa đủ lực lượng bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao. Một số lĩnh vực tăng, là: môi trường, đất đai, biển và hải đảo, quản lý thị trường, thanh tra giao thông, thanh tra xây dựng, thanh tra lao động, thuế, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường, y tế dự phòng, quản lý khám, chữa bệnh, quản lý dược, quản lý bảo hiểm y tế... và một số địa phương được chia tách.

Liên quan vấn đề cán bộ, công chức, viên chức, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) đặt câu hỏi, có hay không việc chạy chức, chạy quyền cũng như tình trạng tham nhũng trong đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ? Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho rằng, đây là lĩnh vực nhạy cảm, tế nhị. Trong phần đánh giá về hạn chế, khuyết điểm Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng nêu rõ, cán bộ vẫn là khâu yếu, tình trạng chạy chức, chạy quyền chưa được khắc phục. Hiện nay, Bộ đang nghiên cứu để đề ra các giải pháp khắc phục.

Kết luận phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều quyết sách quan trọng, như chương trình tổng thể cải cách hành chính, nâng cao chất lượng bộ máy nhằm phòng, chống tiêu cực. Bộ trưởng đã trả lời khá đầy đủ các câu hỏi đặt ra và dẫn ra nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước và giải pháp cho thời gian tới.

Trả lời câu hỏi về vấn đề an toàn, an ninh mạng, do ĐB Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) đặt ra, Bộ trưởng Bộ TT và TT Nguyễn Bắc Son cho biết, đây là thách thức lớn của Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới. Ở nước ta, các thiết bị thông tin đều phải nhập ngoại thì thách thức lại càng lớn hơn. Nguyên nhân là vì ở Việt Nam có số lượng máy tính khá nhiều, trong khi người sử dụng trình độ còn hạn chế, dẫn đến dễ bị nhiễm mã độc. Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết, đã thành lập tổ chức ứng cứu khẩn cấp, đã có khoa đào tạo về an toàn thông tin thuộc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, tăng cường hợp tác quốc tế về an ninh mạng. Đồng thời đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho người sử dụng máy tính.

Chung quanh câu hỏi về thực trạng và biện pháp, chế tài để quản lý các thông tin trên mạng, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, vừa qua ngành đã triển khai Nghị định 72. Hiện nay có hàng triệu blog, trang thông tin cá nhân trên mạng internet. Có thể nói, thông tin mạng xã hội có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, qua đây người dân có điều kiện tiếp cận thông tin nhanh nhạy, đa dạng, đa chiều những sự kiện diễn ra ở nhiều vùng, miền trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thông tin mạng xã hội có những mặt hạn chế, đó là thông tin chưa kiểm định, đưa nhiều thông tin gây bức xúc. Thậm chí, có nơi kẻ xấu lợi dụng danh tính trục lợi, đưa thông tin sai lệch, loan truyền những hình ảnh không phù hợp thuần phong mỹ tục. Trên thực tế, có những thông tin lệch lạc gây chia rẽ nội bộ, nói xấu Đảng, lãnh tụ, chế độ, kích động dư luận xã hội... Bộ trưởng Bộ TT và TT cho biết, để quản lý tốt các trang mạng xã hội, trong Nghị định 72, ngành đã tham mưu sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định chế tài về cung cấp và sử dụng dịch vụ, về nội dung số, tin nhắn, chơi game trực tuyến, quy định cụ thể về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Qua đó, từng bước nâng cao trách nhiệm tổ chức, cá nhân tuân thủ theo Luật Báo chí hiện hành. Bên cạnh đó, công tác cấp phép sẽ được thực hiện một cách chặt chẽ hơn. Đối với loại hình báo điện tử đang phát triển mạnh trong thời gian qua, Bộ trưởng cho rằng đây là loại hình mới, sắp tới sẽ xem xét bổ sung các chế tài trong quá trình sửa đổi Luật Báo chí.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã trả lời một số nội dung chất vấn của các ĐB: Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) và các ĐB về việc điều chỉnh tăng giá cước 3G thời gian vừa qua, cũng như những băn khoăn, lo lắng của cử tri về chất lượng một số công trình hạ tầng viễn thông. Theo đó, việc điều chỉnh cước viễn thông 3G vừa qua là chủ trương chung của Nhà nước, phù hợp các quy định hiện hành và các cam kết quốc tế. Hiện nay, giá dịch vụ viễn thông của Việt Nam vẫn thấp hơn các nước trong khối ASEAN và thế giới. Việc triển khai điều chỉnh giá cước một phần thúc đẩy thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, tăng nguồn lực đầu tư xã hội và tăng nguồn lực đầu tư hạ tầng công nghệ tiên tiến. Về thực trạng chất lượng dịch vụ viễn thông chưa đáp ứng yêu cầu, Bộ trưởng cho rằng, vừa qua, do chưa đủ nguồn lực đầu tư và do số lượng người sử dụng tăng lên đã ảnh hưởng chất lượng truyền dẫn. Thời gian tới, trong quá trình quy hoạch ngành Viễn thông sẽ từng bước khắc phục hạn chế, chất lượng sẽ được cải thiện hơn.

ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) và một số ĐB quan ngại thực tế có nhiều báo vi phạm trong việc thông tin với những tin tức “lá cải”, trái với thuần phong mỹ tục, mô tả các vụ án với chi tiết, hình ảnh rùng rợn... Vấn đề quy hoạch mạng lưới báo chí đặt ra nhiệm kỳ trước, có đề cập tình trạng trùng lặp thông tin và lãng phí nguồn lực, Bộ có giải pháp gì? Bộ trưởng cho biết: Các cơ quan báo chí trong cả nước, với lực lượng những người làm báo hùng hậu thời gian qua có nhiều đóng góp to lớn, quan trọng trong tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Báo chí đã có nhiều thành tựu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quá trình phát triển và hội nhập. Bên cạnh đó, báo chí có những hạn chế, yếu kém, một số cơ quan, tờ báo chưa thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, chỉ tập trung đưa tin mặt trái, đưa tin sai trái gây bức xúc, hoang mang trong xã hội... Vì thế, báo chí cần hướng đến và thực hiện trọng trách xây dựng lòng tin, tạo sự đồng thuận trong xã hội, đóng góp tích cực trong thời kỳ phát triển đất nước, hội nhập quốc tế. Công tác quản lý báo chí sẽ được quan tâm theo hướng tốt hơn, nâng cao hiệu quả, chất lượng đội ngũ làm báo thông qua đào tạo, bồi dưỡng; trong đó sửa đổi Luật Báo chí phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi phát triển.

Tiếp tục kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIII, sáng 21-11, QH làm việc tại hội trường, tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ TT và TT Nguyễn Bắc Son; Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng điều hành phiên chất vấn.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ TT và TT Nguyễn Bắc Son, ĐBQH Lê Như Tiến (Quảng Trị) cùng một số ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng trong quy hoạch báo chí? Làm thế nào để khắc phục tình trạng trùng lắp thông tin, phân tán nguồn lực, cạnh tranh không lành mạnh? Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT và TT đã triển khai quy hoạch báo chí, sắp xếp lại, tổ chức lại hệ thống báo chí với tinh thần đủ về số lượng, đặc biệt là nâng cao chất  lượng. Về báo in, sắp xếp lại theo tinh thần một cơ quan có nhiều sản phẩm báo in, theo hướng giảm tỷ lệ mất cân đối giữa hưởng thụ báo nói chung và báo in nói riêng, giữa thành thị và nông thôn. Phấn đấu đến năm 2020, các cơ quan báo chí phải tự hạch toán, Nhà nước chỉ đặt hàng và hỗ trợ đặt hàng với những ấn phẩm để phục vụ cho vùng sâu, vùng xa nhằm tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Về phát thanh truyền hình, sẽ tổ chức lại theo hướng hiện đại và phải tự sản xuất chương trình của mình, với 50% thời lượng phát sóng là tự sản xuất, hạn chế phát chương trình nước ngoài. Về báo điện tử, theo quy hoạch sẽ trở thành một trong những loại hình báo chí chủ lực. Hiện nay, Bộ đã xây dựng xong quy hoạch báo chí.

Nhiều ý kiến chất vấn Bộ trưởng về trách nhiệm quản lý đối với tình trạng sim rác, tin nhắn rác, khủng bố, lừa đảo… ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đặt vấn đề, hiện nay trên thị trường, người tiêu dùng dễ dàng mua sim điện thoại di động để thực hiện các cuộc gọi không cần phải khai báo bất kỳ một thông tin cá nhân nào. Các sim này được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không loại trừ mục đích phạm tội như đe dọa, lừa gạt, tống tiền, cấu kết hình thành các băng nhóm tội phạm gây bất an trong xã hội. Bộ trưởng có những giải pháp gì trong quản lý và xin Bộ trưởng cho biết đến khi nào thì trên thị trường không còn những sim rác được bày bán công khai như hiện nay? Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, sim rác là một trong những nguyên nhân dẫn đến quảng cáo rác, tin nhắn rác. Hiện tượng ĐB phản ánh là đúng trong tình trạng hiện nay, việc sử dụng sim rác vì mục đích riêng, ảnh hưởng đến xã hội. Trong những năm qua, Bộ đã ra một số thông tư để quản lý và hạn chế tình trạng này, đặc biệt là Thông tư 04 nhằm chấn chỉnh và tăng hiệu lực quản lý Nhà nước đối với sim rác và Thông tư số 14 về quản lý cước hòa mạng. Sau 9 tháng triển khai 2 thông tư này, thống kê thuê bao đến tháng 9-2013 còn 117 triệu, giảm 14 triệu thuê bao so với trước đó. Tuy tình trạng sim rác vẫn còn trên thị trường, do sim cũ không đăng ký hoặc do nhà mạng, đại lý không thực hiện theo quy định. Thời gian qua, Bộ đã phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, thanh tra các cơ sở đăng ký thuê bao, phát hiện và thu hồi nhiều thuê bao vi phạm quy định, thông tin cho chủ thuê bao đăng ký lại. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra và đánh giá kết quả các thông tư đã ban hành, đồng thời bổ sung thêm các chế tài cần thiết nhằm xử lý và quản lý tình trạng sim rác, hạn chế việc dùng sim rác để gây hại cho xã hội; đề nghị các cấp chính quyền vào cuộc trong việc quản lý các thuê bao, các đại lý, nhà mạng; tiếp tục chấn chỉnh các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Liên quan đến việc quản lý trò chơi trực tuyến - game online, ĐBQH Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) chất vấn Bộ trưởng về quan điểm của Bộ về trò chơi trực tuyến, Bộ sẽ làm gì để hạn chế việc phát hành trò chơi bất hợp pháp? ĐBQH Huỳnh Thành (Gia Lai) đề nghị Bộ trưởng cho biết sẽ triển khai những biện pháp nào để ngăn ngừa tác hại của trò chơi trực tuyến. ĐBQH Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) đề nghị Bộ trưởng cho biết những biện pháp đột phá để bảo vệ trẻ em khỏi những tác hại của trò chơi trực tuyến. Trả lời chất vấn của các ĐB, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định, không phải tất cả game online đều có hại. Bản chất game là một loại hình giải trí tương đối hiện đại, sử dụng công nghệ thông tin để phục vụ cho người dân giải trí, tuyên truyền lịch sử, văn hóa dân dộc, góp phần kích thích sử dụng công nghệ thông tin. Ngoài ra, game cũng có một số tác hại như các ĐB đã nêu ra. Ngay khi game online du nhập vào Việt Nam, các bộ, ngành đã phối hợp ban hành thông tư về quản lý game online. Bên cạnh những game đã được cấp phép, quản lý đã xuất hiện những game từ các kênh khác xâm nhập vào thị trường. Kênh chính thức hiện nay chỉ có 82 game, còn những game khác là qua các kênh khác, kênh lậu. Sau một thời gian dừng cấp phép game mới, Bộ đã xem xét tiếp tục cấp phép thêm một số game mới, là những game bảo đảm phù hợp với phong tục tập quán và quy định của pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí và đẩy lùi game lậu. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý game, đồng thời xây dựng các chính sách khuyến khích các nhà sản xuất game trong nước để phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân; phối hợp với các bộ, ngành để siết chặt quản lý game; nâng cao vai trò trách nhiệm quản lý, xử lý của chính quyền địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết tác hại và chế tài để thực hiện đúng theo quy định của pháp luật…

Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, QH đã chất vấn Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình xung quanh vấn đề tăng cường chất lượng công tác xét xử, tránh các án oan, sai hay bỏ lọt tội phạm; vấn đề nâng cao chất lượng cán bộ ngành Tòa án như thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký; về vấn đề nâng cao chất lượng xét xử tái thẩm, giám đốc thẩm; về một số vụ án oan, sai cụ thể thời gian qua và các giải pháp khắc phục tình trạng này. ĐBQH Lê Thanh Vân (Hải Phòng) chất vấn Chánh án Trương Hòa Bình về những giải pháp khả thi để nâng cao chất lượng cán bộ tòa án. ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) chất vấn Chánh án về giải pháp để giải quyết nhanh hơn các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. ĐBQH Lê Thị Nga (Thái Nguyên) chất vấn về trách nhiệm của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử gây oan sai và giải pháp khắc phục vấn đề này?

Trả lời chất vấn của các ĐB, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ tòa án, cần phải tổ chức đào tạo, đào tạo lại, tổ chức bồi dưỡng, sát hạch đội ngũ công chức của ngành, thường xuyên nâng cao năng lực, kiến thức tự học; thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo, rút kinh nghiệm, tăng cường đào tạo nước ngoài; tăng cường luân chuyển cán bộ, phát hiện người đủ năng lực đưa vào diện quy hoạch cán bộ. Về giải quyết các đơn đề nghị tái thẩm, giám đốc thẩm, thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 57 của QH, ngành Tòa án đã giải quyết được 63,3% đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, cao nhất so với những năm gần đây. Về án oan sai, thì bất cứ nền tư pháp nào cũng không tránh khỏi. Nhưng để xảy ra oan, sai, nhất là oan với người bị buộc tội ở mức án cao nhất đến chung thân, tử hình là không chấp nhận được. Các vụ án đang được xem xét, điều tra lại, nếu thực sự để xảy ra án oan, sai thì sẽ xử lý theo đúng quy định, trong từng giai đoạn xét xử, từng vụ việc, thuộc trách nhiệm của cơ quan nào, thì về nguyên tắc chung, người đứng đầu đều có trách nhiệm.

Dự kiến để làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến ngành Tòa án, một số vị Bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn của ĐBQH./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com