Thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thảo luận về Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi)

07:11, 27/11/2013

Ngày 26-11, kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ hai mươi chín. QH thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thảo luận về Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi).

Đa số ý kiến ĐB đồng tình với việc sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình nhằm thể chế hóa các quan điểm của Đảng; khắc phục những tồn tại, hạn chế của quy định hiện hành và đáp ứng kịp thời yêu cầu khách quan của thực tiễn đời sống xã hội; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và các nguyên tắc cơ bản về quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình đã được ghi nhận trong Hiến pháp và các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên. ĐBQH Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đề nghị dự thảo Luật cần xử lý hài hòa mối quan hệ giữa việc gìn giữ, phát triển các giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức, truyền thống tốt đẹp của gia đình người Việt với quá trình thay đổi của gia đình hiện đại và đời sống xã hội trong quá trình xây dựng dự án Luật. Cho ý kiến về chế định ly thân, ĐBQH Lê Văn Hoàng (TP Đà Nẵng) đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc khi đưa quy định này vào trong dự án Luật. Theo ĐB, không nhất thiết đưa chế định này vào Luật. Bởi, với đặc điểm văn hóa của dân tộc ta, rất ít người muốn công khai tình trạng ly thân. Mặt khác, ly thân là sự thỏa thuận mang tính riêng tư của hai vợ chồng, không cần thiết phải có sự can thiệp của Tòa án. Nếu quy định như dự thảo Luật, rất có thể hạnh phúc, hôn nhân, gia đình sẽ bị đổ vỡ. Đồng tình với quan điểm này, ĐBQH Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cho rằng, việc đưa chế định ly thân vào trong dự thảo Luật sẽ ảnh hưởng đến một trong hai bên vợ hoặc chồng. Đặc biệt, sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý, tình cảm của người phụ nữ và con trẻ. Hơn nữa, đa phần phụ nữ Việt Nam không có nơi ở mới sau khi ly thân, thường sẽ phải sống chung với gia đình nhà mẹ đẻ, gây áp lực tâm lý. ĐBQH, Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) cũng cho rằng đây là chuyện tình cảm của hai vợ chồng, không nên quy định vào dự thảo Luật. Cho rằng chế định ly thân quy định trong Luật cần theo tinh thần hàn gắn hạnh phúc, tổ ấm gia đình, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị, dự thảo Luật không nên quy định việc phân chia tài sản trong quá trình ly thân, để tạo điều kiện gắn kết giữa hai người. Đồng thời, trong thời gian ly thân, Luật cần quy định có thời gian sinh hoạt chung, nhằm tạo môi trường hàn gắn giữa hai người, góp phần vun vén hạnh phúc giữa hai người nếu có thể. ĐBQH Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng, bổ sung quy định về ly thân trong dự thảo Luật là cần thiết. ĐB lập luận, trong thực tế có nhiều cặp vợ chồng ly thân mà chưa muốn ly hôn, việc quy định chế định này nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của một số gia đình hiện nay, không còn tình cảm vợ chồng nhưng cũng không muốn ly hôn hoặc đang cân nhắc việc quyết định ly hôn. Đồng thời, giúp các cặp vợ chồng có thêm cơ hội lựa chọn cho tình trạng hôn nhân của họ. Tuy nhiên, ĐB cũng đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể về việc giải quyết các quan hệ về tài sản, về con cái, về nghĩa vụ đối với cha mẹ, về trách nhiệm cấp dưỡng giữa vợ và chồng.

Đại biểu Quốc hội đoàn Nam Định phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: THANH CHƯƠNG
Đại biểu Quốc hội đoàn Nam Định phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường.

Cho ý kiến về chế định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, đa số ĐBQH đồng tình với quy định này và cho rằng, quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản có cơ hội để thực hiện được quyền làm cha, làm mẹ của mình. ĐBQH Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đề nghị, dự án Luật cần quy định cụ thể hơn quyền của người mang thai hộ trong việc được thăm khám sức khỏe trong khi mang thai; quyền lợi chăm sóc sức khỏe sau khi sinh; quyền lợi về BHYT, BHXH. Đồng thời, cần quy định cụ thể và chặt chẽ hơn điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Cho rằng chưa cần thiết phải đưa quy định mang thai hộ trong dự thảo Luật, ĐBQH Nông Thị Lâm (Lạng Sơn) lập luận, mang thai hộ là quy định nhạy cảm, phức tạp, dễ bị lợi dụng và chưa phù hợp với văn hóa Việt Nam. Hơn nữa, trên thế giới, nhiều nước đưa ra quy định cấm mang thai hộ. Mặt khác, những người không có khả năng sinh con có thể nhận con nuôi. ĐBQH Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) cho rằng, vấn đề mang thai hộ cần phải nghiên cứu đầy đủ thêm và chưa đưa vào dự thảo Luật. Đây là vấn đề nhạy cảm, dự thảo Luật chưa quy định trách nhiệm pháp lý của người nhờ mang thai hộ đối với sức khỏe của người mang thai hộ cũng như trường hợp người mang thai hộ nảy sinh tình cảm với đứa trẻ và không giao trẻ cho người nhờ mang thai hộ… Cần phải tổng kết, xem xét và đánh giá kỹ lưỡng tính nhân văn, nhân đạo, thống nhất với Công ước về quyền trẻ em. ĐBQH Triệu Thị Nái (Hà Giang) cũng cho rằng, không nên quy định việc mang thai hộ trong dự thảo Luật.

Ngoài ra, các ĐB cũng đã tập trung cho ý kiến vào các vấn đề về điều kiện, độ tuổi kết hôn; về giải quyết hậu quả việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn; về việc chung sống giữa những người cùng giới tính; về vấn đề tài sản vợ chồng…

Về dự thảo Luật BHYT (có hiệu lực thi hành từ năm 2009), sau thời gian thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật bộc lộ một số hạn chế.

Để thực hiện mục tiêu chung của BHYT, tiến tới BHYT toàn dân theo đúng lộ trình, những vướng mắc trong thực tiễn cần sớm được tháo gỡ, góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe theo hướng công bằng, chất lượng, việc sửa đổi Luật BHYT theo hướng mở rộng bền vững, bao phủ hiệu quả là vấn đề cấp thiết. Về cơ bản, bố cục của dự thảo Luật giữ nguyên như Luật hiện hành, phạm vi sửa đổi 20 điều trong tổng số 52 điều của Luật, không bổ sung điều mới. Để thuận lợi trong quản lý và tổ chức thực hiện, dự thảo Luật sắp xếp 25 nhóm đối tượng thành 5 nhóm theo trách nhiệm đóng BHYT gồm: Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; nhóm do tổ chức BHXH đóng; nhóm do ngân sách Nhà nước đóng; nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng; và nhóm tự đóng BHYT.

Dự thảo Luật quy định BHYT là bắt buộc. Từ năm 2014, Nhà nước sẽ tạo cơ chế để áp dụng nguyên tắc bắt buộc tham gia BHYT./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com