Thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể về thủy điện và Nghị quyết về công tác tư pháp; thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

07:11, 29/11/2013

Ngày 27-11, kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIII tiếp tục chương trình làm việc tại hội trường. Buổi sáng, QH thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể về thủy điện và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa (GTĐTNĐ). Buổi chiều, QH thông qua Nghị quyết về công tác tư pháp (bao gồm cả nội dung về công tác phòng, chống tham nhũng) và thảo luận về dự án Luật Đầu tư công.

Mở đầu phiên họp buổi sáng, QH nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH về dự thảo "Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện". Báo cáo cho biết: Căn cứ ý kiến các ĐBQH phát biểu tại tổ (ngày 1-11-2013), tại hội trường (ngày 13-11-2013) và các góp ý trực tiếp vào dự thảo Nghị quyết, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan của QH phối hợp cơ quan của Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết này. QH đã tiến hành biểu quyết với 88,96% tổng số ĐB tán thành thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể về thủy điện.

Tiếp đó, các ĐBQH thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GTĐTNĐ. Ý kiến của các ĐB nêu rõ, nước ta có hơn 80 nghìn km đường sông, kênh, rạch, trong đó hơn 42 nghìn km có hoạt động GTĐTNĐ. Nhưng cơ quan Nhà nước mới quản lý được hơn 17 nghìn km có hoạt động GTĐTNĐ, còn hơn 23 nghìn km chưa được quản lý. Thời gian qua, việc phân cấp quản lý hoạt động này còn nhiều bất cập, manh mún, chồng chéo... Do vậy, dự thảo Luật cần quy định rõ trách nhiệm quản lý của từng cấp, từng ngành, từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động GTĐTNĐ.

Cũng trong phiên thảo luận, một số ĐB góp ý bổ sung vào dự thảo Luật các nội dung, điều khoản về công tác cứu hộ, cứu nạn, việc quy hoạch, phát triển, quản lý, khai thác hoạt động GTĐTNĐ gắn quy hoạch phát triển vùng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương...

Buổi chiều, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH về dự thảo Nghị quyết về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Nghị quyết của QH quyết nghị, Chính phủ tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2012-2016 và Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước trong cơ quan, đơn vị, tổ chức và trong lĩnh vực quản lý; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm kinh tế, tham nhũng, thu hồi tiền và tài sản bị chiếm đoạt. Người đứng đầu, người có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, không kịp thời phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; chịu trách nhiệm về những trường hợp xử lý hành chính, kỷ luật không đúng quy định pháp luật để lọt tội phạm, bao che cán bộ do mình quản lý có hành vi tham nhũng.

Hằng năm, Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm, Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng; nêu rõ các bộ, ngành, địa phương làm tốt và chưa tốt. Trong năm 2014, Chính phủ ban hành hướng dẫn chi tiết về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xác định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng; hướng dẫn việc bảo vệ, biểu dương, khen thưởng người tố giác tội phạm. QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết nêu trên với 85,34% tổng số ĐBQH tán thành.

Tiếp theo, các ĐBQH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư công. Về nội dung liên quan chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, phê duyệt các chương trình, dự án đầu tư công, các ĐB nhất trí việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư như quy định tại Điều 11 với mục tiêu tăng cường quản lý Nhà nước đối với toàn bộ quá trình đầu tư công, đồng thời xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của các cấp trong việc ra quyết định chủ trương đầu tư.

Một số ĐB đề nghị, cần xác định cụ thể hơn trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư để nâng cao tính chế tài của Luật đối với các trường hợp phê duyệt dự án đầu tư sai, kém hiệu quả, tổng mức đầu tư tăng so với dự toán ban đầu, không cân đối được nguồn vốn để thực hiện, gây thất thoát, lãng phí...

Tiếp tục kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIII, sáng 28-11, QH biểu quyết thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với 486/488 ĐB tán thành, chiếm 97,59%. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã chính thức được QH thông qua.

Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị ĐBQH về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Phó Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Uông Chu Lưu trình bày cho biết: Thực hiện nghị quyết của QH, ngày 2-1-2013, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được công bố để lấy ý kiến nhân dân. Hoạt động này đã được các cấp, các ngành triển khai sâu rộng, nghiêm túc, thu hút được sự tham gia tích cực, tâm huyết của đông đảo các tầng lớp nhân dân và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ, sâu rộng trong cả hệ thống chính trị.

Trên cơ sở ý kiến của nhân dân, ý kiến của các ĐBQH và các cơ quan, tổ chức hữu quan, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ sáu.

Trong quá trình soạn thảo, nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, các ĐBQH luôn bám sát Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), các nghị quyết của Đảng và ý kiến của nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học và tham vấn ý kiến của các chuyên gia ngôn ngữ để hoàn thiện cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến của Dự thảo.

Ngày 18-11-2013, các ĐBQH đã nghiên cứu, sửa trực tiếp vào Dự thảo và thể hiện ý kiến về những nội dung trong Phiếu xin ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đến nay, Đoàn thư ký kỳ họp đã nhận được 408 Phiếu xin ý kiến và đã có nhiều ĐBQH gửi bản góp ý cụ thể vào nội dung Dự thảo.

Các ĐBQH cho rằng, Dự thảo đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chắt lọc, tiếp thu được nhiều ý kiến xác đáng của nhân dân, của các ĐBQH, các chuyên gia, nhà khoa học, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Dự thảo có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến; đã phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy Nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp.

Các ĐBQH đều tán thành với bố cục của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992) và cho rằng, bố cục của Hiến pháp như vậy là hợp lý, chặt chẽ và khoa học, nội dung và kỹ thuật trình bày bảo đảm các quy định của Hiến pháp đúng tầm là đạo luật cơ bản, có tính ổn định lâu dài.

Sau khi các ĐBQH biểu quyết thông qua toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Ủy viên UBTVQH Phan Trung Lý đã trình bày dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp. Các ĐBQH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết này. Buổi chiều, QH thông qua Nghị quyết về phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 và thảo luận về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com