Quốc hội nghe tổng hợp ý kiến đóng góp sửa đổi Hiến pháp; công tác phòng chống tham nhũng năm 2013...

08:10, 23/10/2013

Quốc hội nghe tổng hợp ý kiến đóng góp sửa đổi Hiến pháp; công tác phòng chống tham nhũng năm 2013; tình hình triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khoá XIII thông qua; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng

 

Hôm qua 22-10, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ hai. Buổi sáng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) năm 1992, Trưởng ban Biên tập DTSĐHP năm 1992 - ông Phan Trung Lý, trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của nhân dân về DTSĐHP năm 1992 và Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của nhân dân về DTSĐHP năm 1992, nêu rõ: Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với bố cục và nội dung Dự thảo, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, xác đáng để hoàn thiện bản DTSĐHP.

Qua tổng hợp ý kiến của nhân dân, ý kiến của đại biểu Quốc hội, đại đa số ý kiến tán thành việc giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến đề nghị lấy lại tên nước là “Việt Nam dân chủ cộng hòa”.

Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, việc giữ tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cần thiết để thể hiện nhất quán mục tiêu, con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Hơn nữa, tên gọi này đã được Quốc hội lựa chọn ngay sau ngày nước nhà thống nhất, đã thân quen với nhân dân ta, được bạn bè và các nước công nhận, trân trọng. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định tại Kỳ họp. Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định tại Kỳ họp. Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

Có ý kiến cho rằng, không nên ghi từ “dân chủ” tại Điều 1 vì nội dung Điều này thể hiện tính độc lập, có chủ quyền của quốc gia mà nên ghi từ “dân chủ” trong Điều 2 để thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước ta.

Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến này, giữ quy định tại Điều 1 như Hiến pháp năm 1992 và bổ sung vào khoản 2, Điều 2 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ”.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tại Điều 14, bởi vì quy định như trong Điều 14 các quyền con người, quyền công dân “được quy định trong Hiến pháp và luật” là chưa đầy đủ, chưa phù hợp vì còn có nhiều quyền tuy không được quy định trong Hiến pháp và luật nhưng vẫn được tôn trọng, bảo đảm.


Ủy ban DTSĐHP tiếp thu ý kiến nói trên và chỉnh lại quy định tại Điều này như sau: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.

Về mức độ giới hạn quyền con người, quyền công dân (Điều 14), có ý kiến tán thành với quy định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế ở mức độ cần thiết trong trường hợp khẩn cấp vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng” như trong Dự thảo trình Quốc hội.

Tuy nhiên, ý kiến khác cho rằng, quyền con người, quyền công dân không thể bị hạn chế một cách tùy tiện mà phải theo quy định của luật; cần quy định cơ quan nào có thẩm quyền giới hạn và xác định những quyền nào là quyền không thể bị giới hạn. Có ý kiến cho rằng quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân “trong trường hợp khẩn cấp” là không chính xác và chưa đầy đủ, do đó, đề nghị bỏ cụm từ này. Có ý kiến đề nghị thay cụm từ “trật tự công cộng” bằng cụm từ “trật tự an toàn xã hội”.

Báo cáo do ông Phan Trung Lý trình bày nêu rõ, quyền con người, quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp quy định. Do vậy, việc hạn chế các quyền này phải được quy định chặt chẽ trong luật để tránh nguy cơ tùy tiện, lạm dụng. Các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên cũng yêu cầu quy định chặt chẽ vấn đề này.

Do đó, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến nói trên và chỉnh lý lại khoản 2, Điều 14 như sau: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quyền được chết trong Dự thảo Hiến pháp. Ủy ban DTSĐHP nhận thấy “quyền được chết” là vấn đề cần được quan tâm, tuy vậy, đây cũng là một vấn đề mới, còn nhiều ý kiến tranh luận khác nhau không chỉ ở nước ta mà ở nhiều nước trên thế giới, do vậy, đề nghị Quốc hội cho tiếp tục nghiên cứu và chưa thể hiện trong Dự thảo Hiến pháp.

Theo Ủy ban DTSĐHP, trong nền kinh tế thị trường ở nước ta thì vai trò định hướng, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước và kinh tế Nhà nước là rất quan trọng. Do đó, Hiến pháp cần hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước.

Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội quy định về nội dung này tại khoản 1, Điều 51 như sau: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.

Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân nên Hiến pháp cần phải quy định chặt chẽ những trường hợp thu hồi. Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho Luật Đất đai quy định nhằm tránh việc lạm dụng để thu hồi đất tràn lan, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Trong điều kiện phát triển của nước ta hiện nay, vẫn cần thiết phải thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn trực tiếp với lợi ích của người sử dụng đất và doanh nghiệp nên cần phải quy định chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và có bồi thường.

Do đó, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho phép chỉnh lý khoản 3, Điều 54 như sau: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Có ý kiến đề nghị thay cụm từ “Đồng tiền Quốc gia” bằng cụm từ “Đơn vị tiền tệ quốc gia” tại khoản 3, Điều 55 cho chính xác hơn. Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến này và chỉnh lý lại khoản 3, Điều 55 là: “Đơn vị tiền tệ quốc gia là Đồng Việt Nam. Nhà nước bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền quốc gia”.

Về hiệu lực của Hiến pháp và việc ban hành Nghị quyết thi hành Hiến pháp: Nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp để quy định thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp và các điều khoản chuyển tiếp, khi Hiến pháp có hiệu lực. Ý kiến khác đề nghị quy định thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp ngay trong Hiến pháp.

Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, các bản Hiến pháp trước đây của nước ta (Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992) đều không quy định thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp trong bản Hiến pháp; cùng với việc thông qua Hiến pháp, Quốc hội ban hành Nghị quyết thi hành Hiến pháp, trong đó xác định thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp.

Vì vậy, Ủy ban DTSĐHP đề nghị không quy định thời điểm có hiệu lực trong Hiến pháp mà Quốc hội ban hành Nghị quyết thi hành Hiến pháp với nội dung cụ thể như: hiệu lực Hiến pháp, một số vấn đề chuyển tiếp và việc tổ chức thi hành Hiến pháp.

Tiếp đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.

Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013, cho thấy, việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong năm 2013 vẫn còn có những hạn chế như: hoạt động thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội nhưng số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện chuyển sang cơ quan điều tra còn ít; quá trình giải quyết một số vụ án tham nhũng của các cơ quan tiến hành tố tụng còn chậm, nhất là các vụ án tham nhũng có nội dung phức tạp; việc xem xét, xử lý các hành vi tham nhũng trong một số trường hợp chưa nghiêm, nặng về xử lý hành chính, cho hưởng án treo.

Các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 5.466 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, qua đó phát hiện 210 vụ việc vi phạm, xử lý kỷ luật 134 người. Tổng giá trị các vi phạm về chế độ, định mức, tiêu chuẩn được kiến nghị thu hồi và bồi thường hơn 78,5 tỷ đồng, đã thu hồi 37,3 tỷ đồng.

Các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, các tập đoàn kinh tế, Tổng Cty Nhà nước đã báo cáo việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2012, qua đó phát hiện 3 trường hợp qua xác minh đã kết luận về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; 58 trường hợp bị xử lý kỷ luật do chậm kê khai, chậm tổng hợp, báo cáo.

Việc chuyển đổi vị trí công tác đã được thực hiện trong nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước. Các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 16.542 cán bộ, công chức. Trong năm 2013, đã có 41 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó, có 4 người đã bị xử lý hình sự, 33 người đã bị xử lý kỷ luật hành chính, 4 trường hợp khác đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý (giảm 14% so với cùng kỳ năm trước).

Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 278 vụ, 584 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,2% (năm 2012 tỷ lệ này là 44,1%); số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 31,2% (năm 2012 tỷ lệ này là 34,2%).

Các đơn vị có báo cáo người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng là An Giang, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ngãi, Long An, Sơn La, Nam Định, TP Hà Nội, Tuyên Quang, Đồng Nai, Nghệ An, Ninh Thuận, Đắk Nông, Bộ Quốc phòng.

Một số lĩnh vực, qua khảo sát, tình hình tham nhũng đã có xu hướng giảm so với kết quả khảo sát trước đó như thuế, hải quan, truyền thông, dịch vụ đăng ký và cấp phép. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, vẫn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức Nhà nước vẫn còn diễn ra ở một số lĩnh vực.

Tham nhũng, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn và tài sản tại một số doanh nghiệp Nhà nước đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây bất bình trong xã hội.

Báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định, đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có nhiều thủ đoạn đối phó, che giấu hành vi phạm tội của mình nên việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử gặp nhiều khó khăn; quá trình điều tra các vụ án tham nhũng đều phải gia hạn thời hạn điều tra vụ án, nhiều vụ phải gia hạn thời hạn điều tra lần 2, lần 3.

Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu; việc phát hiện tham nhũng chủ yếu qua dư luận xã hội, đơn thư tố cáo, báo chí phản ánh hoặc khi có cơ quan chức năng vào làm việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra mới phát hiện sai phạm; việc xử lý hành vi tham nhũng trong một số trường hợp còn chưa nghiêm, chưa kịp thời, còn có biểu hiện nương nhẹ.

Vẫn còn tình trạng lợi dụng các quy định của pháp luật chưa chặt chẽ để xử lý hành vi tham nhũng bằng biện pháp kỷ luật hành chính, hoặc áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ để xử phạt dưới khung hình phạt hoặc hưởng án treo, phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ.

Quốc hội cũng đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua.

Buổi chiều, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.

Các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com