Thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và nghe một số báo cáo về ngân sách Nhà nước; thảo luận kết quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

09:10, 25/10/2013

Thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và nghe một số báo cáo về ngân sách Nhà nước; thảo luận kết quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

 

Ngày 23-10, ngày làm việc thứ ba, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XIII. Buổi sáng các đại biểu QH thảo luận ở tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013). Buổi chiều, các đại biểu QH nghe Báo cáo về tình hình thực hiện và Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2013; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014; Báo cáo sơ kết và Báo cáo thẩm tra sơ kết ba năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; Tờ trình của Chính phủ về phương án phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) giai đoạn 2014-2016.

Khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước

Thảo luận tại tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu QH đánh giá cao Báo cáo của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về một số nội dung cơ bản giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở tiếp thu ý kiến của nhân dân và của các vị đại biểu QH.

Qua thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm quy định về các thành phần kinh tế (khoản 1, Điều 51), trong đó quy định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Các ý kiến phát biểu tán thành với việc khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tuy nhiên, cách diễn đạt cần rõ ràng, vì kinh tế Nhà nước bao gồm nhiều loại hình khác nhau. Các ý kiến phát biểu cũng quan tâm thảo luận quy định về đất đai và cho rằng, quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân nên Hiến pháp cần phải quy định chặt chẽ những trường hợp thu hồi đất. Có ý kiến đề nghị sửa, việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo giá thị trường. Một vấn đề khác cũng thu hút nhiều đại biểu thảo luận, đó là chế định chính quyền địa phương. Các đại biểu cho rằng, cần thiết phải đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần cân nhắc cả về lý luận và thực tiễn, vì hiện nay, chúng ta đang trong quá trình thực hiện thí điểm mà chưa có sự tổng kết, đánh giá việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và bước đầu thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị, chính quyền ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở một số địa phương. Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, cần có sự tổng kết sau khi thực hiện thí điểm mô hình nói trên, mô hình nào tốt thì chọn để nhân rộng chứ không nên triển khai tràn lan.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

Các đại biểu cũng tán thành với Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013), việc ban hành Nghị quyết sẽ bảo đảm cho Hiến pháp được quán triệt và thi hành đầy đủ, quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện Hiến pháp và tổ chức thi hành Hiến pháp, bảo đảm cho Hiến pháp được thực hiện nghiêm chỉnh trên tất cả các lĩnh vực.

Tăng trưởng chưa đạt mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, QH đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2013; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung này.

Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH cho rằng, năm 2013, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và điều hành của Chính phủ, sự phấn đấu nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, nền kinh tế nước ta có những chuyển biến khá tích cực. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn rất khó khăn: Một số cân đối vĩ mô chưa vững chắc, sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản chưa phục hồi, tăng trưởng kinh tế ước đạt 5,4%, tuy có cao hơn mức tăng trưởng của năm 2012 (5,03%) nhưng chưa đạt mục tiêu theo Nghị quyết của QH đề ra (5,5%). Sức tiêu thụ của nền kinh tế vẫn thấp; sản xuất, kinh doanh phục hồi chậm, tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ, không phát sinh số thuế phải nộp cao hơn so với các năm trước là các yếu tố tác động trực tiếp đến việc giảm thu NSNN. Bên cạnh đó, dự toán thu NSNN năm 2013 được QH quyết định với mức phấn đấu khá cao. Cùng với chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế đã làm giảm số thu NSNN ngay trong năm khá lớn. Vì vậy, sau nhiều năm vượt thu, đây là năm đầu tiên số thu NSNN cả năm ước không đạt dự toán thu cân đối ngân sách, ảnh hưởng lớn tới việc điều hành ngân sách và cân đối, bố trí vốn để thực hiện các nhiệm vụ chi NSNN.

Tiếp đó, QH nghe Bộ trưởng Bộ KH và ĐT Bùi Quang Vinh trình bày Báo cáo sơ kết ba năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; và Báo cáo thẩm tra sơ kết ba năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 của Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH.

Đa số ý kiến trong Ủy ban đồng ý với đề nghị của Chính phủ bố trí 15.000 tỷ đồng trong ba năm (2014-2016) cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, và cho rằng, do nguồn vốn bố trí từ ngân sách tập trung không bảo đảm, nên đây là nhiệm vụ mới của Chương trình TPCP. Tuy nhiên, do TPCP là nguồn vốn vay, đầu tư cho các dự án thực sự cấp bách, vì vậy, đề nghị không bố trí dàn trải cho tất cả các xã, chỉ bố trí cho các dự án giao thông, thủy lợi của Chương trình này tại các huyện nghèo ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, các huyện thuộc đối tượng thụ hưởng Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, các xã thuộc Chương trình 135.

Cũng trong chiều qua, Bộ trưởng Bộ KH và ĐT Bùi Quang Vinh đã trình bày Tờ trình về phương án phát hành TPCP giai đoạn 2014-2016. Chung quanh những nội dung được đề cập trong Tờ trình, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH tán thành với đề nghị của Chính phủ về sự cần thiết phải phát hành bổ sung vốn TPCP giai đoạn 2014-2016.

Về tổng mức phát hành bổ sung TPCP, nợ công, khả năng huy động và trả nợ, đa số ý kiến trong Ủy ban đồng ý với đề nghị của Chính phủ phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng vốn TPCP giai đoạn 2014-2016 và đồng tình với nhận định của Chính phủ nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép (dưới 65% GDP). Tuy vậy, Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH cho rằng, mặc dù nợ công chưa vượt giới hạn được QH cho phép, nhưng trên thực tế, khả năng huy động và trả nợ rất khó khăn, đòi hỏi Chính phủ phải có những giải pháp tích cực để xử lý. Một số ý kiến đề nghị, để bảo đảm an toàn nợ công, phù hợp với khả năng huy động và khả năng trả nợ của NSNN và không để ảnh hưởng đến các nhiệm vụ chi khác, chỉ nên phát hành bổ sung vốn TPCP ở mức 120.000 tỷ đồng.

Hôm qua, 24-10, trong ngày làm việc thứ tư, kỳ họp thứ sáu, QH dành thời gian cả ngày thảo luận ở tổ.

Nội dung thảo luận gồm: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 (kết hợp thảo luận về kết quả thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế).

Trước đó, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ sáu (ngày 21-6), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015) và nhiệm vụ 2014-2015.

Báo cáo nêu nhận định tổng quát: Nhìn lại việc thực hiện kế hoạch năm 2013, trong 15 chỉ tiêu được QH thông qua, có 11 chỉ tiêu ước đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt và 2 chỉ tiêu không đạt. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn và phải tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng an ninh, đạt được kết quả nêu trên là cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Thời gian làm việc buổi chiều, các đại biểu QH tiếp tục thảo luận về: Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015): kết quả thực hiện từ năm 2011 đến nay và phương hướng, giải pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đến hết năm 2015./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com