Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9-2013 của Bộ Công thương diễn ra chiều 30-9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang cho biết: Sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2013 có tăng trưởng và tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2012 nhưng so cùng kỳ những năm trước đó thì vẫn còn ở mức thấp. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã giảm dần qua các tháng. Đến ngày 1-9-2013 chỉ tăng 9,3%, đây là mức tăng chỉ số tồn kho thấp, thấp hơn một nửa so mức tăng của cùng kỳ năm trước.
Trả lời một số câu hỏi liên quan việc xây dựng dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương cho biết: Ngày 18-9-2013, Bộ đã trình Chính phủ dự thảo nghị định. Điểm mới trong dự thảo là quy định cơ quan quản lý cũng như DN phải công khai trong điều hành cũng như kinh doanh xăng dầu. Theo đó, sự kiểm soát của Nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu thể hiện rõ qua việc kiểm soát tăng, giảm giá dựa theo giá cơ sở.
Giá cơ sở là căn cứ điều chỉnh giá trong nước, vẫn được tính trên giá thế giới cộng thuế phí, quỹ bình ổn và 300 đồng/lít lợi nhuận định mức cho DN... Đối với trường hợp giảm giá, dự thảo quy định, trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trong phạm vi 5% so giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối (hay còn gọi là DN đầu mối) phải giảm giá bán lẻ tương ứng. Trường hợp tăng giá, DN chỉ được tăng giá trong phạm vi 5%, đồng thời gửi phương án tính giá, quyết định điều chỉnh giá về cơ quan chức năng để giám sát. Trước diễn biến cuối tháng 9 vừa qua, giá xăng dầu thế giới giảm so với đầu tháng 9, liên bộ Tài chính, Công thương vẫn chưa thể giảm giá xăng dầu trong nước. Việc tăng, giảm giá xăng dầu vẫn phải tuân thủ theo quy định của Nghị định 84./.
Theo Nhân dân