Trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” ngày 27-10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trả lời một số vấn đề liên quan đến vụ 3 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin ở Quảng Trị; vấn đề BHYT, chất lượng khám, chữa bệnh, giảm tải bệnh viện.
Nhiều thư gửi về chương trình bày tỏ bức xúc về việc 3 cháu nhỏ tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B tại Quảng Trị. Vụ việc này mới đây đã có thông tin chính thức từ phía cơ quan điều tra. Bộ trưởng có ý kiến gì về việc này?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Trước hết, thay mặt lãnh đạo ngành Y tế Việt Nam, tôi xin gửi lời chia buồn và sự cảm thông sâu sắc đối với gia đình 3 trẻ sơ sinh đã tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B tại tỉnh Quảng Trị. Đây là một sự việc hi hữu, rất nghiêm trọng và chưa từng xảy ra trong lịch sử 25 năm tiêm chủng ở Việt Nam. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã cử ngay một đoàn công tác kết hợp với công an và y tế địa phương điều tra.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến |
Ngày 10-10 vừa qua, Công an tỉnh Quảng Trị đã quyết định khởi tố vụ án vô ý làm tử vong 3 trẻ sơ sinh do thực hành kỹ thuật tiêm chủng. Nguyên nhân không phải là do vắc xin mà do những người thực hiện tiêm chủng không làm đúng kỹ thuật tiêm chủng, dẫn đến tử vong cho các cháu.
Nhân dịp này, chúng tôi mong các bà mẹ tiếp tục đưa con đến tiêm chủng vì tương lai của các cháu, đồng thời chúng tôi muốn gửi thông điệp đến các bạn đồng nghiệp làm công tác tiêm chủng trong toàn quốc là chúng ta đã rất vất vả trong nhiều năm qua trong hoạt động bảo vệ, phòng bệnh và giảm tử vong cho hàng triệu trẻ em, nhưng nếu chỉ một chút sơ suất là có thể dẫn đến tử vong và những tai biến đáng tiếc cho các cháu. Vì vậy, mong các bạn hãy làm hết trách nhiệm, cố gắng cao nhất và đặt an toàn tiêm chủng cho các cháu lên trên hết.
Gần đây, một số cử tri gửi thư tới chương trình ghi nhận đã có những cải thiện đáng kể, đặc biệt là trong vấn đề cải cách thủ tục hành chính khi khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến nói vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử, lạm dụng BHYT trong việc kê đơn thuốc, biệt dược và trong xét nghiệm. Chính vì vậy, nhiều người bệnh hiện nay vẫn băn khoăn về việc nên khám, chữa bệnh bằng BHYT hay tự bỏ tiền để sử dụng dịch vụ BHYT? Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đúng là có một số trường hợp như vậy. Mới đây qua tiếp xúc cử tri, chúng tôi thấy cử tri phản ánh có sự phân biệt đối xử giữa người khám bệnh BHYT và người khám dịch vụ. Điều này trong ngành Y là không chấp nhận được. Bởi vì dù chữa bệnh bằng hình thức nào thì trước mặt y, bác sĩ đều là bệnh nhân và đều phải khám, chữa bệnh cho họ với kết quả cao nhất. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thấy rằng một vài trường hợp cá biệt không thể biến thành phổ biến, bởi vì BHYT Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được thành tựu rất đáng kể. Theo thống kê, năm 2012, số lượt người đi khám, chữa bệnh bằng BHYT là 121 triệu lượt người; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm là 68% trong cả nước; nguồn thu và chi cho khám, chữa bệnh trong toàn quốc có đến 60-80%, tùy theo tuyến, là từ BHYT.
Như vậy BHYT vẫn thu hút rất nhiều người đến khám, chữa bệnh, điều mà nhiều quốc gia khác chưa chắc đã thực hiện được, vì bảo hiểm của chúng ta là BHXH và cung cấp dịch vụ y tế cơ bản với mệnh giá chỉ hơn 500.000 đồng nhưng những người tham gia BHYT được chữa bệnh, thậm chí còn được sử dụng các kỹ thuật cao, kể cả những bệnh mãn tính như chạy thận nhân tạo, mổ tim và can thiệp tim mạch. Những chi phí đó có thể là 100-200 triệu đồng đến 300-400 triệu đồng, nhưng BHYT vẫn thanh toán.
Tuy nhiên, BHYT chưa hấp dẫn được người dân là do giá dịch vụ y tế qua 17 năm vẫn chưa thay đổi và rất thấp (ví dụ tiền khám bệnh chỉ 3.000 đồng). Thông tư 04 liên Bộ đã điều chỉnh giá dịch vụ 3/7 yếu tố, gồm chi phí khám bệnh, tiền giường bệnh và một số chi phí trực tiếp. Như vậy người bệnh trước đây do giá thấp phải bỏ tiền ra để bù vào giá thật thì hiện nay, giá đó đã được bảo hiểm thanh toán. Đặc biệt là đối với những người nghèo và người cận nghèo, những đối tượng này được Nhà nước mua cho thẻ bảo hiểm (ví dụ người nghèo được Nhà nước hỗ trợ 100%, người cận nghèo 70%, một số địa phương đã mua thêm 30% cho người cận nghèo).
Người dân cũng hiểu rằng việc thay đổi, cải thiện một bộ mặt chung cho Bộ Y tế thì không phải là câu chuyện một sớm một chiều mà còn liên quan đến nhiều yếu tố khác.
Thưa Bộ trưởng, một công chức Nhà nước đang có một người thân nằm viện trong một tâm trạng khá bức xúc, đã viết thư nói rằng viện phí điều chỉnh được 1 năm rồi mà hằng ngày chúng tôi vẫn chỉ nhìn, nghe, đọc về những chuyện như: Cơ sở vật chất xuống thấp, y đức xuống cấp. Không rõ mục tiêu tăng viện phí là gì nếu nó không cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh? Cách đây 5 tháng, tôi thấy Bộ trưởng từng nói đến kế hoạch khá chi tiết để giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Kế hoạch này đã được thực hiện cụ thể ra sao hay đến nay vẫn chỉ là đề án trên giấy tờ, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Điều chỉnh giá dịch vụ thực chất có 3/7 yếu tố để tạo thành giá. Trong 3 yếu tố đó mới tính từ 60-90%, chứ chưa tính hết 100% của 3/7 yếu tố đó. Cho nên khi điều chỉnh giá dịch vụ thì chất lượng cơ sở vật chất cũng chưa thể tăng lên ngay được và cũng không thể giảm tải bệnh viện ngay được. Việc quá tải là do số giường bệnh/10.000 dân của chúng ta quá thấp, hiện nay mới đạt 22,5, trong khi đó, tối thiểu phải là 39 giường bệnh/10.000 dân. Vì vậy, muốn giảm tải, chúng ta phải tăng giường bệnh và mở thêm bệnh viện.
Để dần giải quyết tình trạng này, thời gian qua Chính phủ đã hỗ trợ xây dựng các bệnh viện mới ở tuyến huyện và các bệnh viện tuyến tỉnh ở vùng khó khăn được tăng thêm số giường bệnh. Đối với tuyến Trung ương, bằng nguồn đầu tư và phát triển, Bộ Y tế cũng đã mở rộng Bệnh viện K Tân Triều cơ sở 3, Bệnh viện Nội tiết cơ sở mới, xây thêm tòa nhà ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy, xây thêm toà nhà mới của Bệnh viện Da liễu, đồng thời sẽ xây thêm toà nhà mới của Bệnh viện Lão khoa, mở mang mới thêm các khoa khám bệnh, buồng bệnh trong các bệnh viện... Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chi khoảng 20 nghìn tỷ đồng để xây mới cơ sở 2 của các bệnh viện ở tuyến cuối cho 5 chuyên khoa quá tải tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, xây các bệnh viện quy mô khoảng 1.000 giường trở lên. Muốn làm được những việc này cũng không dưới 3 năm. Giải pháp thứ hai là giải pháp căn cơ, cơ bản lâu dài và đã triển khai, đó là xây dựng mạng lưới bệnh viện vệ tinh của 5 chuyên khoa quá tải. Bệnh viện vệ tinh chính là các bệnh viện tuyến tỉnh mà Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các bệnh viện tuyến cuối chuyển giao kỹ thuật cao cho tuyến dưới và tuyến tỉnh sẽ tự thực hiện những kỹ thuật đó mà không cần chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Như vậy, sau khi triển khai (2-3 năm), 49 bệnh viện vệ tinh của 36 tỉnh sẽ thực hiện được các kỹ thuật cao, đồng thời ngành Y tế cũng tăng cường thí điểm mạng lưới bác sĩ gia đình để cán bộ y tế sát với người dân hơn và chăm sóc những bệnh đơn giản, thông thường mà không cần phải đến bệnh viện. Bộ Y tế cũng sẽ trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Bộ Chính trị “Đề án về y tế cơ sở”, trong đó xây dựng chuẩn về trạm y tế quốc gia mới. Theo đó, bệnh nhân khám BHYT sẽ yên tâm vì hiện nay 40% bệnh nhân đã khám bệnh ở trạm y tế xã. Tất cả những chương trình đó chắc chắn sẽ có kết quả và đây là kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn đất nước, nhưng nhanh nhất cũng phải một vài năm tới chúng ta mới thấy hiệu quả được./.
Theo chinhphu.vn