Hà Nội: Thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án giao thông trọng điểm

08:08, 07/08/2013

Ngày 5-8, Bộ GTVT đã có cuộc họp với UBND Thành phố Hà Nội nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Hà Nội.

Hiện tại, hầu hết các dự án giao thông trọng điểm triển khai trên địa bàn Thủ đô đều vướng về mặt bằng, gây chậm trễ tiến độ chung như: Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, cầu Nhật Tân, Nhà ga T2 Nội Bài, đường nối cầu Nhật Tân, tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông. Nguyên nhân vướng mặt bằng do người dân không đồng tình về giá đền bù, thiếu tiền chi trả, lúng túng khi xác định giá đất, chậm đầu tư dự án tái định cư,...

Dự án xây dựng cầu Nhật Tân đang chậm tiến độ vì thiếu mặt bằng. Ảnh: Huy Hùng
Dự án xây dựng cầu Nhật Tân đang chậm tiến độ vì thiếu mặt bằng.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, lập nhanh phương án, bố trí kinh phí để đền bù cho nhân dân. Sở Tài chính khẩn trương có văn bản về quy trình xác định đơn giá đền bù để các quận, huyện thực hiện. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các khu tái định cư. Các ban quản lý dự án của Bộ GTVT cũng cần nghiêm túc phối hợp với các quận, huyện trong công tác giải phóng mặt bằng, nhanh chóng bàn giao chỉ giới để quận, huyện lập phương án đền bù.

Thừa Thiên - Huế:  Lấy ý kiến nhân dân về Đồ án quy hoạch chung thành phố

Chiều 5-8, tại Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng dân cư về Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đây là đồ án do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại cho Thừa Thiên - Huế với số vốn 3,5 triệu USD, được thực hiện từ tháng 7-2011 đến nay. Sau gần hai năm, đến nay đồ án đã cơ bản hoàn thành và đang triển khai ở giai đoạn lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Các nội dung chủ yếu của dự án gồm: thiết kế điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Huế trên cơ sở các nội dung được thỏa thuận giữa UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế với đại diện nhà tài trợ KOICA phù hợp theo quy định của Việt Nam; lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Huế trên cơ sở nhiệm vụ thiết kế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức đào tạo, tập huấn cho một số chuyên gia Việt Nam; cung cấp các thiết bị cần thiết cho việc thực hiện dự án theo nội dung đã thỏa thuận.

Ninh Thuận: Tất cả các xã có đồng bào Chăm đều có trạm y tế

Ngày 5-8, Tỉnh ủy Ninh Thuận tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Thông tri số 03 ngày 17-10-1991 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) "về công tác đối với đồng bào Chăm".

Tỉnh Ninh Thuận hiện có 14.739 hộ đồng bào dân tộc Chăm với hơn 73 nghìn người, chiếm gần 12% số dân trong tỉnh. Qua hơn 20 năm thực hiện các chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực, kinh tế trong vùng đồng bào Chăm ngày càng phát triển. Đến cuối năm 2012, không còn hộ đói; số hộ nghèo giảm xuống còn 1.623 hộ, chiếm 8,32% so với số hộ nghèo chung cả tỉnh. 100% số xã, thị trấn có đồng bào Chăm sinh sống có trạm y tế, trung tâm học tập cộng đồng, trường mẫu giáo, tiểu học, THCS và THPT. Trong tỉnh, có 5 tiến sĩ, 24 thạc sĩ, 1.988 người tốt nghiệp đại học, cao đẳng đang công tác trong ngành Y tế và Giáo dục; 600 sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng là người Chăm. Toàn tỉnh có 907 đảng viên là người Chăm./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com